Trong nước

Công bố Lệnh của Quyền Chủ tịch nước về Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Luật được xây dựng nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; đồng thời, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Sáng 3-2, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Quyền Chủ tịch nước công bố Luật Khám bệnh, chữa bệnh vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 (9-1-2023). Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo.

Các đại biểu chủ trì cuộc họp báo. Ảnh: VIẾT CHUNG

Luật Khám bệnh, chữa bệnh nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế. Đồng thời, Luật góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Luật được xây dựng trên quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế với sự tham gia tích cực của các hội nghề nghiệp, người hành nghề và người bệnh; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân.

Quang cảnh cuộc họp báo. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tại cuộc họp báo, GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Luật gồm 12 chương và 121 điều, có một số điểm mới cơ bản như: nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh…

Đáng chú ý, Luật đã quy định mở rộng đối tượng hành nghề; thay đổi từ việc cấp giấy phép hành nghề theo văn bằng chuyên môn sang quy định cấp giấy phép hành nghề theo chức danh chuyên môn. Đồng thời, nâng cao, chuẩn hóa kỹ năng của người hành nghề như: thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề từ việc cấp giấy phép hành nghề thông qua xét hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề; quy định giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm và quy định cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề.

Luật cũng quy định người nước ngoài hành nghề lâu dài tại Việt Nam và khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo trong khám bệnh, chữa bệnh, trừ một số trường hợp hợp tác trao đổi chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo; áp dụng kê đơn thuốc điện tử, bệnh án điện tử và các thông tin này phải kết nối với Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để kiểm soát, giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ của người hành nghề và liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Luật đã bổ sung quy định bắt buộc cơ sở phải tự phải đánh giá chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản do Bộ Y tế ban hành theo định kỳ hàng năm và phải cập nhật kết quả tự đánh giá lên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để làm căn cứ cho việc kiểm tra, đánh giá, cũng như công khai thông tin về chất lượng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Để tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Luật đã thay đổi từ 4 tuyến chuyên môn thành 3 cấp chuyên môn; cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ. Phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa để góp phần đạt được việc bao phủ sức khỏe toàn dân bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận của người bệnh với các dịch vụ y tế có chất lượng, hiệu quả về chi phí, mọi lúc mọi nơi, đặc biệt đối với các bệnh ít nghiêm trọng, mạn tính cần được chăm sóc lâu dài và thường xuyên...

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trả lời các câu hỏi tại cuộc họp báo. Ảnh VIẾT CHUNG

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí về giá khám bệnh, chữa bệnh, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, kết cấu của giá gồm 4 yếu tố: chi phí trực tiếp (như thuốc, sinh phẩm...); tiền lương, tiền công; chi phí quản lý và chi phí khấu hao thiết bị. Hiện tại giá mới kết cấu được 2 yếu tố bao gồm tiền lương và các chi phí trực tiếp. Năm 2022, Chính phủ giao cho Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện ban hành giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu.

Đồng thời hoàn thiện danh mục kỹ thuật để hoàn thiện tính định mức kỹ thuật, làm cơ sở cho tính đúng, tính đủ. Dự kiến trong quý 1 đến quý 2-2023 sẽ ban hành thông tư về giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu khi được Chính phủ đồng ý trên cơ sở công khai, minh bạch, cạnh tranh. Đồng thời đưa yếu tố thứ 3 tức là chi phí quản lý vào trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng cho biết, Bộ Y tế sẽ phân cấp, phân quyền tối đa cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đồng thời dự kiến đưa ra phương thức tính toán, giao quyền cho các cơ sở để tự quyết định.

Về câu hỏi “giám đốc bệnh viện có cần là bác sĩ không?”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, theo quy định mới nhất, giám đốc bệnh viện Nhà nước phải là bác sĩ. Bộ Y tế đã chỉ đạo trong số phó giám đốc phải có người có bằng về kinh tế để lo kinh tế, hậu cần, đấu thầu, mua sắm...

Luật này có hiệu lực từ 1-1-2024, trừ một số điều khoản có quy định riêng.

Tác giả: TRẦN BÌNH

Nguồn tin: sggp.org.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP