Nhân ái

“Con ơi mở mắt ra nhìn mẹ đi con”

Những giọt nước mắt của người mẹ nghèo lăn dài trên đôi gò má chai sạm, “sáu tháng rồi con ơi, con mở mắt ra nhìn mẹ đi”. Càng nói bà Tam càng khóc thảm thiết hơn. Cổ bà như nghẹn đắng lại, đau đớn đến tột cùng, bà lặng đi nắm chặt lấy bàn tay đứa con trai bên giường bệnh.

Con ơi mở mắt ra nhìn mẹ đi con.

Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi ghé về nhà bà Trần Thị Tam (SN 1957, trú tại xóm 10, xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) trong những lời kêu gọi thống thiết từ người thân để cứu lấy chàng trai trẻ.

Trong câu chuyện ngắn gọn, bà Tam chia sẻ, chồng bà - ông Lê Văn Ngọ (SN 1954) không may qua đời từ rất sớm để lại cho bà 3 đứa con thơ dại. Một mình bà tảo tần sớm hôm nuôi nấng các con nên người. Hai người con gái lập gia đình ở xa, còn lại một mình thằng con trai út là Lê Tiến Đạt (SN 1990). Đạt được ăn học đến nơi đến chốn nhất trong gia đình. Không phụ sự kỳ vọng của mẹ, Đạt đã tốt nghiệp kỹ sư công nghệ thông tin và ra trường đi làm được gần 1 năm.

Đạt nằm bất tỉnh đã gần 6 tháng nay.

Bà Tam dường như ngày nào cũng khóc vì đứa con của mình.

Tưởng chừng như có thể bớt chút gánh nặng khi con đã ra trường, có công ăn việc làm ổn định, bà Tam như mừng thầm và nghĩ chẳng mấy chốc mình sẽ thoát cảnh “nghèo túng”. Thế nhưng, niềm vui ấy chỉ ngắn như mấy bước chân thì tai họa bắt đầu giáng xuống gia đình nhỏ, khi Đạt không may đổ bệnh trầm trọng.

“Nó cao hơn 1m70 nặng gần 75kg. Hôm đó nó đi làm về tự dưng chóng mặt rồi lên cơn co giật bất tỉnh. Từ đó nó gắn liền với cái giường. Đã hơn 1 năm rồi nó chưa rời khỏi giường bệnh. Và cũng 6 tháng qua nó bất tỉnh không thể nói được một câu nào, không thể mở mắt ra nhìn tôi lấy một lần”, bà Tam đau đớn.

Bị lên cơn co giật, Đạt được gia đình đưa xuống BVHNĐK Nghệ An cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán em bị đột quỵ do dị dạng mạch máu não và được chuyển thẳng ra bệnh viện Bạch Mai Hà Nội phẫu thuật. Sau hai lần phẫu thuật, 6 tháng điều trị tại bệnh viện Bạch Mai, Đạt lại được chuyển về BVHNĐK Nghệ An để tiếp tục điều trị phục hồi.

Bà đã bất lực nhìn con nằm chờ chết.

Về điều trị tại BVĐK huyện Hưng Nguyên, Đạt vẫn bất tỉnh.

Từ khi con nhập viện, cũng là những ngày tháng bà Tam như ngồi trên đống lửa. Phần vì hoàn cảnh gia đình neo đơn, một mình bà vừa lo chăm sóc con ở bệnh viện, vừa phải chạy đôn chạy đáo đi khắp nơi vay mượn tiền bạc để có kinh phí duy trì sự sống cho con. Tất cả tài sản trong nhà cái gì bán được bà cũng đã bán, cái gì có thể cầm cố bà cũng đã mang đi thế chấp, bà con hàng xóm ai có thể vay mượn được bà cũng đã tìm đến. Những ngày tháng đó, có những lúc bà không dám ăn một suất cơm mà để tiết kiệm tiền mua thuốc điều trị cho con.

Những nỗ lực của người mẹ như được đền đáp khi Đạt đã tỉnh lại, nhưng niềm vui của người mẹ nghèo được ít hôm thì căn bệnh của em lại tái phát. Đạt tiếp tục lên cơn co giật rồi bất tỉnh. Không có đủ điều kiện để đưa con ra Hà Nội, bà Tam đành phải đưa Đạt xuống BVHNĐK điều trị.

Hằng ngày bà Tam cho con ăn và uống nước bằng cách bơm qua đường ống tiêm như thế này.

Thế nhưng gần 3 tháng tại BVHNĐK Nghệ An, Đạt vẫn không thể tỉnh lại. Các bác sĩ khuyên bà nên đưa con ra Hà Nội để có thể tiếp tục điều trị nhưng bà chỉ biết lặng đi không nói nên lời. Tiền hết, của cũng không, vay mượn cũng không được… Bước đường cùng người mẹ nghèo đành phải đưa con về BVĐK huyện Hưng Nguyên “để nhờ” các bác sĩ chăm sóc giúp.

Thêm 3 tháng đằng đẵng sau ngày trở về “xin” được nằm tại BVĐK huyện Hưng Nguyên, Đạt vẫn không thể tỉnh lại. Mỗi ngày người mẹ nghèo đều túc trực bên con, bơm cho nó từng chút nước, thìa cháo loãng. Giờ đây trên đôi mắt của Đạt đã có một số cử động vô thức, nhưng em vẫn không thể tỉnh lại để nhìn mọi người hay gọi một tiếng mẹ ơi.

Trên chiếc giường bệnh, người con trai của bà vốn dĩ cao lớn, khỏe mạnh là thế giờ lại nằm bất động, mỗi lúc nhìn con bà lại không thể cầm nổi nước mắt: “Bác sỹ bảo nếu cứ để con lại ở đây thì nguy cơ tử vong rất cao. Nếu được chuyển ra Hà Nội để khám và tiếp tục phẫu thuật thì may chăng nó sẽ được cứu mạng, thế nhưng …”. Nói đến đây bà Tam nghẹn đắng lại, gục xuống bên con rồi nước mắt trào dâng. Mọi người nhìn thấy cảnh bà Tam khóc ngất bên Đạt ai cũng khóc theo.

Bác sĩ Trần Xuân Minh - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu BVĐK huyện Hưng Nguyên cho biết: Bệnh nhân Đạt được nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu sau phẫu thuật, động kinh, viêm phổi… Sau 4 đợt điều trị chứng động kinh, viêm phổi đã ổn định. Tuy nhiên, hôn mê là vượt quá khả năng và trình độ của bệnh viện tuyến huyện.

Chúng tôi cũng đã đề xuất chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để có phác đồ điều trị. Nếu cháu Đạt tiếp tục ở lại thì nguy cơ tử vong do viêm da, suy giảm miễn dịch, nhiễm trùng biến chứng suy thận, suy tim là rất cao … Hiện tại bệnh nhân đã có dấu hiệu nhiễm nấm, giảm miễn dịch, rồi loạn nhịp tim

Đơn xác nhận hoàn cảnh của bà Tam.

Nghe từng lời của bác sĩ, bà Tam lại chết lặng. Bà chỉ biết nắm chặt lấy tay con mình mà khóc. Trên giường bệnh Đạt vẫn nằm lặng lẽ, không cử động. “Bây giờ mẹ con tôi biết đi đâu hả các anh. Không có kinh phí để chuyển đi là tôi sẽ mất con trai mình sao?”. Câu hỏi của người mẹ như xé nát cõi lòng của những người có mặt trong căn phòng.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Mã số 2532:Trần Thị Tam, trú tại xóm 10, xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An.

Số ĐT: 01694.764.027 (bà Tam, mẹ em Đạt) hoặc 0986.080.564 (dì Hoài - Phòng kế hoạch nghiệp vụ tổ công tác xã hội Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên )

Tác giả: Nguyễn Duy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG