TP Cần Thơ đã chi hỗ trợ cho hơn 97% người bán vé số lẻ lưu động bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 (1.200.000 đồng/người) và chi bổ sung đợt 2 (800.000 đồng/người).
Địa phương này cũng chi hỗ trợ cho nhóm lao động làm các công việc như bốc vác; thu mua phế liệu, vận chuyển hàng hóa; vận chuyển hành khách bằng xe gắn máy (xe ôm truyền thống); lao động làm việc thời vụ, tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú, ăn uống, du lịch và làm các công việc khác phải tạm ngừng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Với các nhóm lao động này, địa phương đã chi hỗ trợ (2.000.000 đồng/người) cho 188.706 người trong tổng số 229.019 trường hợp được phê duyệt. Tức vẫn còn hơn 40.000 lao động tự do chưa nhận được tiền hỗ trợ.
Còn hơn 40.000 lao động tự do ở Cần Thơ vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. |
Theo UBND TP Cần Thơ, do khái niệm về lao động tự do và danh mục công việc lao động tự do chưa được pháp luật quy định. Công việc lao động tự do ở địa phương rất đa dạng và tính chất không giống nhau, nên trong công tác hướng dẫn, phối hợp và thống nhất thực hiện giữa các ngành, các cấp từng lúc, từng nơi gặp khó khăn.
Do phạm vi công việc lao động tự do rất rộng, nên bước đầu rà soát và nhận yêu cầu hỗ trợ từ người lao động, địa phương lúng túng trong xác định đối tượng áp dụng, nhất là nhóm “lao động làm việc thời vụ”; nhóm “làm các công việc khác phải tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19”. Địa phương này cũng gặp khó khăn trong việc xác định lao động tự do không thuộc đối tượng phải giao kết hợp đồng lao động theo quy định pháp luật.
Có nhiều trường hợp, pháp luật quy định phải giao kết hợp đồng lao động. Tuy nhiên, người sử dụng lao động không giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
Trên thực tế, những đối tượng này bị mất việc làm, bị ngừng việc, bị mất thu nhập chính để phục vụ cuộc sống, nhưng do thuộc đối tượng phải giao kết hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật nên chưa nhận hỗ trợ theo Nghị quyết số 52 của HDND TP Cần Thơ.
Tác giả: THANH TIẾN
Nguồn tin: Báo VTC