Giáo dục

Chuyện về người thầy suýt bị chôn sống...

May mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần bởi hủ tục, thầy giáo Bríu Bằng (49 tuổi, công tác tại Trường tiểu học xã A Tiêng, huyện Tây Giang, Quảng Nam) dùng mọi hiểu biết để giúp học trò và người dân bước qua những tập quán lạc hậu.

Thầy giáo B ríu Bằng trên bục giảng. Ảnh: HOÀNG SƠN

Suýt bị chôn sống

Cách đây khoảng 20 năm, đồng bào Cơ Tu sinh sống tại H.Tây Giang vẫn còn nặng các tập tục lạc hậu. Đến mức, một thầy giáo trẻ, có học thức như Bríu Bằng vẫn không tài nào thuyết phục được dân làng, để rồi anh trở thành nạn nhân của một hủ tục rợn người. Đó là người dân đào sẵn hố chôn vì cho rằng Bằng bị ma nhập.

“Mọi người kể lại cho tôi đó là năm 1996 khi lần đầu tiên, khắp người tôi đau ê ẩm, đầu óc như muốn nổ tung. Tôi la hét, co giật và biến thành một con người khác trông rất hung dữ. Ban đầu người trong làng xa lánh rồi dần dần họ nhìn thấy tôi là bỏ chạy vì sợ”, thầy Bằng nhớ lại. Sau này thầy Bằng mới biết mình bị bệnh động kinh. Do vậy mỗi lần lên cơn, thầy không tài nào nhớ được những gì mình đã trải qua. “Những khi tỉnh táo tôi vẫn nói chuyện bình thường và thuyết phục mọi người rằng tôi chỉ bị bệnh chứ không phải ma quỷ gì nhưng không ai chịu tin. Năm 1998, tôi ốm một trận dài đến 11 ngày. Thế rồi dân làng kéo đến và đem tôi đi nhốt trong 1 căn phòng bẩn thỉu của một bệnh viện cũ”, thầy Bằng nhớ lại giây phút mình cận kề cái chết.

Cô giáo Nguyễn Thị Mẹo, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học A Tiêng cho biết, do có thời gian công tác tại huyện miền núi đã lâu nên cô biết tập tục chôn sống những người có biểu hiện “ma quỷ ám”. “Đến ngày thứ 12 thầy Bằng được đưa vào rừng sâu và đặt trên một giàn gỗ, bên dưới là một hố sâu đã đào sẵn. Chị em chúng tôi đến và hỏi “thầy Bằng có nhận ra em không” thì được anh Bằng thều thào đáp lại “cô Mẹo”. Chúng tôi tìm mọi cách vận động, nói “gãy lưỡi” thì dân làng A Hu mới tạm tin là anh Bằng bị bệnh và cho đem về nhà”, cô Mẹo nói. “Cũng nhờ bát cháo của chị em cùng trường, tôi mới khỏe lại và có sức để có thể đến được bệnh viện huyện”, thầy Bằng kể. Tại bệnh viện được 3 ngày, thầy giáo Bằng khỏe ra nhờ phản ứng tốt với thuốc điều trị.

Truyền lửa chống hủ tục

“Khi thấy tôi về, bố mẹ tôi, người thân của tôi tháo chạy khỏi nhà vì quá sợ. Họ tưởng tôi là một bóng ma vì tin rằng tôi đã chết tại bệnh viện”, thầy Bằng tiếp lời. Người nhà còn khiếp đảm thì người làng cứ thấy Bằng xuất hiện ở đâu là họ tránh né chỗ đó. Thầy giáo lên lớp thì học sinh bỏ về vì phụ huynh sợ con em bị lây bệnh. Chỉ mỗi vợ của Bằng là Arâl Thị Blố là một mực thương chồng, không cho chồng vào rừng kiếm củi, lấy nước vì sợ lên cơn động kinh ngã xuống suối. Cũng nhờ sự yêu thương của vợ và của những đồng nghiệp tốt bụng mà Bríu Bằng gượng dậy để tiếp tục sống và bước tiếp với nghề giáo.

“Tập tục cổ hũ khiến cuộc đời tôi gặp nhiều sóng gió nhưng không vì thế mà tôi ghét những con người ngày xưa đưa mình vào rừng định chôn. Chỉ trách sự mông muội, kém hiểu biết. Mà xa xưa, có thể nhiều người đã không gặp may như tôi để rồi phải chết oan”, thầy Bằng nói. Hơn ai hết, thấm thía nỗi đau do hủ tục gây ra, cảm nhận rõ những điều tại hại của phong tục lạc hậu, thầy giáo Bằng quyết tâm đấu tranh để thay đổi tư tưởng của đồng bào, dân làng mình. “Tôi hay nói với học trò là nếu tôi bị ma nhập thì không sống được như bây giờ. Rồi nói, người dân ngày xưa tin có ma quỷ vì họ không biết, nhưng giờ các con có học thì không được tin vào những điều huyễn hoặc. Ốm đau thì đến bệnh viện, mà bây giờ ở đâu cũng có bệnh viện thì không phải sợ”, thầy giáo Bằng tiếp lời.

Không chỉ “chiến đấu” với hủ tục để giúp người dân nhận ra và không phải sợ nỗi sợ vô hình về ma quỷ, thầy Bằng còn cố gắng dẹp nạn mê tín dị đoan. Đó là năm 2009, khi thầy đang cắm bản giảng dạy tại xã Ch’Ơm (xã tận cùng của Tây Giang) thì có một người phụ nữ lên cơn đau bụng dữ dội. Nghe tin, thầy Bằng tìm đến để giúp đỡ thì ngỡ ngàng thấy trong nhà đang soạn đồ cúng xua đuổi tà ma.

“Đêm hôm đó có đến 5 thầy cúng nhưng bệnh của người phụ nữ vẫn không khỏi. Sáng hôm sau, tôi thuyết phục đưa về bệnh viện huyện và chị ấy được các bác sĩ chẩn đoán là bị giun chui túi mật”, thầy Bằng kể: “Sau này tôi thường kể lại câu chuyện này cho học trò nghe và dặn các cháu không tin vào bói toán”.

Tác giả bài viết: Hoàng Sơn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP