Trong nước

Chuyện lạ ở vùng đất nhiều người bỗng dưng... 'phát điên'

Cách đây vài chục năm, hàng loạt thanh niên trong một xóm nhỏ nghèo dưới chân đèo Phú Gia (Thừa Thiên – Huế) đang khỏe mạnh đột nhiên mắc bệnh tâm thần khiến người ta đồn thổi đủ thứ chuyện tâm linh, ma mị.

Trở lại xóm Chùa thuộc thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế vốn nổi tiếng với cái tên “xóm điên”, “làng điên”, chúng tôi tìm gặp lại những hộ gia đình đã từng sống trong chuỗi bất hạnh khi con cái đến tuổi trưởng thành đều đột nhiên trở nên ngây dại.

Nỗi đau người cha có 3 con tâm thần

Xóm Chùa hiện ra thanh bình như bao làng quê khác của dải đất miền Trung, nhưng càng bước chân sâu vào làng, chúng tôi càng cảm nhận thấy không khí có chút u buồn và kỳ lạ.

Theo sự chỉ dẫn của người dân, men theo con đường mòn nhỏ giữa trưa, chúng tôi tìm vào nhà vợ chồng ông Phan Tường (70 tuổi) và bà Trần Thị Hiền (68 tuổi). Ngôi nhà nhỏ nằm ở cuối đường, heo hút bên những bóng cây che mắt tầm nhìn.

Ngôi nhà nhỏ không có gì đáng giá, chỉ có một vài vật dụng cần thiết. Cạnh đó, người con trai thứ của ông Tường là Phan Văn Toản đang cởi trần ngồi trên tấm phản nhìn ra thơ thẩn, chân bị xích nối vào tường. “Tôi phải xích nó vậy, chứ nếu thả ra là nó lại bỏ đi lung tung, không cũng đập phá đồ đạc rồi đánh đập vợ chồng tui. Tui già rồi, sức mô giữ nổi hắn”, ông Tường cười buồn nói.

Anh Phan Văn Toản đột nhiên phát bệnh ở tuổi 21 - (Ảnh: Nhật Linh).

Im lặng một lát, ông lại nhìn hướng ra xa kể, ông có 4 người con thì 3 người bị tâm thần, trong đó con trai đầu của ông là nhẹ nhất nên đã lấy vợ và có gia đình riêng, bản thân ông thỉnh thoảng cũng lúc tỉnh lúc mê. Ông nhớ như in hơn 15 năm trước, con gái duy nhất của ông là Phan Thị Lành đột nhiên phát điên phát dại.

Khi đó, chị Lành mới 21 tuổi, đã lấy chồng ở Hà Tĩnh và có một cô con gái nhưng vào một ngày chị Lành bế con về nhà bố mẹ đẻ. Kể từ đó, mỗi ngày chị đều ra đứng ở quốc lộ hướng ánh nhìn ra ra Bắc để chờ chồng về. Ngày nào không ra lang thang ngoài đường, chị lại về nhà nằm trùm chăn khóc nức nở. “Có lần, hắn còn định bỏ con hắn xuống giếng”, bà Hiền chen ngang lời chồng kể về cô con gái.

Cứ ngỡ cô con gái chịu tội cho cả nhà nhưng đúng 10 năm sau, cậu con trai thứ 2 đang đi làm khỏe mạnh trong Nam bỗng dưng cũng đổ bệnh theo chị. Ông bà gom hết thóc gạo trong nhà đem con đi chạy chữa nhưng cuối cùng cũng đành bó tay: “Từ ngày đó đến giờ, chưa có một ngày mô nó tỉnh cả, cứ ngây ngây dại dại rứa”, ông Tường nói.

Ngay sát nhà ông Tường là nhà chị Hứa Thị Yến (42 tuổi), mẹ của cậu bé “người khỉ” Hứa Văn Huy (14 tuổi). Lúc mới sinh ra, Huy chỉ có 7 lạng và phải nuôi trong lồng kính gần một tháng. “Đến ngày 21, bác sĩ nói hắn (Huy) bị chứng teo não, gia đình đem về bồi dưỡng cho hắn rồi hắn lớn”, bà ngoại Huy kể.

Đến giờ dù đã 14 tuổi nhưng Huy chỉ nặng 7kg và cao 0,8 mét, chân, tay và khuôn mặt bé tý teo. Khi thấy chúng tôi, Huy chạy lại cười rất tươi như những người thân quen gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách. Chị Yến cười bảo: “Hắn vui đó, cứ thấy có ai đến là rứa vì ai cũng sợ hắn, thấy hắn là sợ nên có ai dám lại gần hắn mô”.

14 tuổi , Hứa Văn Huy (phải) chỉ nặng 7kg, cao 0,8 mét nên em vẫn được mệnh danh là "người khỉ" - (Ảnh: Nhật Linh).

Tuy vậy, không phải Huy lúc nào cũng vui vẻ, nhiều lúc Huy cũng “trở chứng”. Mỗi lúc giận mẹ, Huy lại ném hết đồ đạc, đập đầu xuống nền xi măng, cắn tay đến chảy máu. Những lúc như thế, chị Yến sợ hãi lấy dây cột Huy lại thì em mới chịu ngồi yên.

Ông Bảng – tTưởng thôn Phú Gia cho biết: “Trước đây, làng đúng là nhiều người điên thật, nhưng tình trạng đó bây giờ không còn nữa. Nhưng nhiều người họ không biết nên cứ gọi là "làng điên" khiến chúng tôi đôi khi rất bất mãn”.

Cũng theo ông Bảng thì những người bị bệnh cứ đi lang thang rồi người chết, người mất tích nên đến nay chỉ còn lại những người mắc bệnh từ xưa.

Vẫn mỏi mòn chờ lời giải

Xung quanh câu chuyện về ngôi làng có nhiều người bị điên, có nhiều lời đồn thổi được thêu dệt nhưng hiện vẫn chưa ai lý giải thấu đáo được nguyên nhân.

Nhiều người đổ lỗi cho nguồn nước sinh hoạt ở đây bị nhiễm phèn, nhưng khi các cơ quan chức năng xuống lấy mẫu nước kiểm tra thì độ phèn trong mức cho phép. Có người lại cho rằng, những người bị điên đó là do "ma ám", do mạch đất hay do di truyền nhưng tất cả đều không có căn cứ.

Trong tất cả những nguyên nhân được thêu dệt, người dân nơi đây tin nhất là do những người mắc bệnh tâm thần đã đắc tội với chùa Phú Gia nên bị trừng phạt đến phát điên.

Một câu chuyện được nhiều người làng Phú Gia kể là việc ông Trịnh Mãn đã lấy những viên đá ở chùa Phú Gia làm giếng dẫn đến tai họa và liên lụy đến cả xóm làng. Sau khi lấy đá về làm giếng thì ông Mãn và 2 người con trai đều bị tâm thần rồi qua đời.

Hình ảnh những người đang khỏe mạnh bỗng dưng phát bệnh tâm thần đã trở nên quen thuộc ở xóm Chùa - xóm được mệnh danh là "xóm người điên" một thời - (Ảnh: Nhật Linh).

Các cụ cao niên trong làng nói rằng, không ai biết chùa Phú Gia được xây dựng từ bao giờ, nhưng ước cũng cả trăm năm rồi. Trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt, chùa bị bom đạn tàn phá nên chỉ còn lại nền móng và bức bình phong phía trước.

Ông Bảng cho biết, năm 2010, ông cùng những người dân trong thôn đã cùng nhau góp tiền và xin tài trợ để trùng tu, sửa chữa lại chùa để mong thần linh không trách tội nữa.

Khi chùa chưa xây xong, người con trai thứ 2 của ông Tường là Toản phát bệnh. Tuy nhiên, từ sau khi ngôi chùa Phú Gia được trùng tu hoàn thành, làng đã không còn ai đột nhiên phát bệnh khi đến tuổi trưởng thành nữa.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV VTC News, trong chiến tranh chống Mỹ, thôn Phú Gia là nơi hứng chịu nhiều chất độc hóa học nhất. Một số nhà khoa học ở Thừa Thiên – Huế nhận định, đây có thể được coi là một trong nguyên nhan dẫn đến việc nhiều người bị điên.

Tuy nhiên, rất cần các nhà khoa học, các cơ quan chức năng vào cuộc nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân thực sự của hiện tượng trên, tránh hoang mang dư luận.

Tác giả bài viết: Nhật Linh – Nguyễn Vương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP