Thế giới

Chuyên gia hàng không: Máy bay Indonesia rơi xuống biển có thể bị gài bom

Một chuyên gia hàng không mới đây đã đưa ra giả thuyết rằng máy bay có số hiệu chuyến bay JT-610 của hãng Lion Air của Indonesia đã bị rơi do một quả bom phát nổ khi máy bay vừa cất cánh.

Theo lộ trình ban đầu, máy bay JT-610 sẽ đến Pangkal Pinang, một hòn đảo ở phía bắc thủ đô Jakarta. Máy bay bất ngờ mất liên lạc với đài không lưu vào lúc 6 giờ 33 phút sáng (giờ địa phương) ngày 29/10, chỉ 13 phút sau khi cất cánh. Toàn bộ 189 người có mặt trên máy bay đang mất tích ngoài biển và được cho là đã thiệt mạng.

Máy bay Boeing 737 MAX của hãng hàng không Lion Air của Indonesia.

Daily Mail trích lời ông John Nance, một chuyên gia hàng không người Mỹ phân tích, vụ rơi máy bay Indonesia này rất bất thường và đưa ra giả thuyết của mình về nguyên nhân dẫn đến vụ việc. “Không có vấn đề nào trên máy bay, kể cả động cơ, có thể khiến máy bay bất ngờ đâm xuống bên dưới như vậy. Một trong những khả năng có thể xảy ra đó là trên máy bay có thể có bom”, ông nói.

Ông Nance cũng cho rằng sai lầm của phi công cũng có thể đã gây ra vụ việc. “Những gì mà chúng ta thấy ở đây đó là đường bay của phi cơ hoàn toàn khó hiểu, trừ phi có bom hoặc có ai đó đã mắc sai lầm nghiêm trọng”, ông nói.

Theo một quan chức Indonesia, không lâu trước khi thảm họa xảy ra, cơ trưởng của máy bay là ông Bhavye Suneja đã thông báo máy bay “gặp sự cố kỹ thuật” và yêu cầu quay trở lại nơi cất cánh. Yêu cầu của ông được chấp thuận, nhưng máy bay sau đó đã biến mất khỏi màn hình và sau đó đâm thẳng xuống biển.

Nhân viên cứu hộ tìm kiếm địa điểm máy bay rơi.

Một báo cáo kỹ thuật được hãng tin BBC thu thập được cho biết, một số bộ phận của máy bay này đã gặp vấn đề. Cụ thể, đồng hồ tốc độ gió của máy bay được xác định là “không đáng tin cậy” còn cơ trưởng và lái phụ của máy bay đưa ra những báo cáo về độ cao khác nhau.

Chuyên gia hàng không Australia Byron Bailey tin rằng các phi công của máy bay có thể đã không được đào tạo kỹ lưỡng. “Tôi chắc chắn rằng vấn đề không nằm ở máy bay. Chúng ta cần phải nhìn vào các hãng hàng không giá rẻ và những hoạt động huấn luyện phi công mà họ đang thực hiện”, ông nói.

“Vấn đề ở đây đó là với những hãng như Qantas, Emirates hay nhiều hãng lớn khác, cứ sáu tháng một lần các phi công thường phải trải qua một bài tập lái máy bay giả lập. Tuy nhiên với những hãng hàng không có kinh phí thấp, phi công sẽ không có điều kiện để tập luyện phương thức này”, ông nói thêm.

Một số thi thể đã được vớt lên từ dưới biển.

Chủ tịch hãng Lion Air cho biết máy bay gặp nạn là một chiếc Boeing 737 MAX 8, chỉ vừa mới được đưa vào sử dụng vài tháng trước và đã nhiều lần được sửa chữa trước khi xảy ra tai nạn. Một số trang web dữ liệu bay cho thấy máy bay đột ngột tăng tốc khi nó bị mất độ cao trước khi biến mất. Các quan chức cứu hộ nói rằng khả năng sống sót của 189 hành khách và tổ bay trên máy bay là “không có” và thi thể của một số người đã được tìm thấy.

Phi công Suneja, xuất thân từ New Delhi (Ấn Độ) đã làm việc cho hãng Lion Air từ tháng 3/2011 và đã có 11.000 giờ bay. Sau khi thông tin về vụ rơi máy bay được công bố, cha mẹ của ông Suneja đã nhanh chóng đến thủ đô Jakarta (Indonesia).

Đây là lần đầu tiên một vụ tai nạn máy bay có liên quan đến phi cơ Boeing 737 MAX, một phiên bản đã được cải tiến và tiết kiệm nhiên liệu hơn so với Boeing 737 trước đây.

Nhiều ảnh chụp và đoạn phim được cơ quan khắc phục hậu quả thảm họa của Indonesia cung cấp cho thấy mảnh vỡ và dầu nổi trên mặt biển sau khi máy bay rơi, và cho đến nay không một người nào còn sống được tìm thấy.

Tác giả: Anh Tuấn

Nguồn tin: infonet.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP