Giáo dục

Chuyển đi đâu khi trường quốc tế ngưng hoạt động?

Sự việc lùm xùm tại Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) khiến không ít phụ huynh băn khoăn nếu chẳng may rủi ro xảy ra là trường quốc tế ngưng hoạt động thì học sinh sẽ chuyển đi đâu để không gián đoạn việc học?


Theo chuyên gia nghiên cứu giáo dục Bùi Khánh Nguyên, nhiều phụ huynh đặt câu hỏi trong trường hợp rủi ro xảy ra, học sinh trường quốc tế làm thế nào để không gián đoạn việc học do chương trình khác biệt, không tương thích với chương trình quốc gia ở trường Việt Nam?

Theo ông Nguyên, câu trả lời là tất cả các trường tư đều có thể phá sản như một doanh nghiệp, do vậy phụ huynh cần tìm hiểu kỹ về cam kết của các trường, năng lực đội ngũ điều hành, cũng như "sức khỏe" tài chính của trường hoặc công ty sở hữu trường.

Để việc học không bị gián đoạn, vị chuyên gia này cho biết phụ huynh có thể tham khảo một số cách sau đây để xử lý tình huống giúp các em tiếp tục học tập ổn định và hiệu quả.

Chủ tịch Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) đã bị cấm xuất cảnh

- Hãy tìm một trường quốc tế khác tại Việt Nam có chương trình học tương đương: Giả sử học sinh đang học chương trình tú tài quốc tế (IB), thì có thể tìm trong mục Find an IB World School của tổ chức tú tài quốc tế IBO một trường IB như trong danh sách công bố của tổ chức trên.

- Ưu tiên cho một trường có kiểm định chất lượng với tổ chức quốc tế: Một trường học có kiểm định chất lượng quốc tế sẽ có cam kết vững chắc hơn một trường không có kiểm định, hoặc bị rớt kiểm định. Ví dụ, danh sách các trường được CIS - Hội đồng các trường quốc tế kiểm định, hoặc là thành viên nhưng chưa được kiểm định.

- Cân nhắc một trường song ngữ: Trường song ngữ có thể dạy một phần chương trình quốc tế nên nếu học sinh trường quốc tế chuyển về trường song ngữ, các em cũng có thể đảm bảo được một phần việc học. Nếu không thể theo học phần chương trình Việt Nam, học sinh vẫn có thể xin học dự thính ở trường và chỉ học và thi phần chương trình quốc tế.

- Tìm hiểu một trường quốc tế online: Có nhiều trường quốc tế dạy từ xa chương trình của nước ngoài theo hình thức lên lớp trực tuyến (live class) hoặc học theo video bài giảng. Chương trình tú tài quốc tế có King's Interhigh, chương trình Cambridge có Crimson, Nissai, King's Interhigh, chương trình Mỹ có Crimson, Ivy Global School, chương trình Úc có SACE, học homeschooling có Acellus, Abeka, IXL...

- Học gia sư chương trình quốc tế: Học sinh cũng có thể học gia sư ngoài giờ các chương trình quốc tế và ôn thi các chứng chỉ quốc tế với trung tâm gia sư, ví dụ International Tutor Group của các giáo viên trường quốc tế ở TP HCM.

- Học miễn phí với các học liệu mở như Khan Academy

- Trong trường hợp các em bị lỡ dở bằng cấp ở trường, có thể đăng ký thi các chứng chỉ IGCSE, A level như thí sinh tự do tại Hội đồng Anh hoặc thi chứng chỉ tốt nghiệp bổ túc trung học của Mỹ GED để có thể nộp đơn vào đại học.

- Du học sớm: Trong trường hợp có thể đảm bảo tài chính du học và con cái ở lứa tuổi phù hợp để rời nhà, phụ huynh cũng có thể lựa chọn du học sớm ở nước ngoài tại các trường có chương trình tương đương như IB, Cambridge, Anh, Mỹ, Úc, Canada... Ngay tại các nước ASEAN như Singapore, Malaysia, Philippines... cũng có nhiều trường dạy các chương trình trên thay vì phải đi xa sang châu Âu, Bắc Mỹ, Úc... và visa đơn giản hơn nhiều tại Anh, Mỹ, Úc.

Theo ông Bùi Khánh Nguyên, hoạt động giáo dục của trường học cần được tách bạch với hoạt động đầu tư của công ty sở hữu trường học, giống như sự tách bạch giữa hiệu trưởng nhà trường và giám đốc điều hành/chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp trường học.

Trong một trường tư thục, ba nhân vật có trách nhiệm cao nhất giám đốc điều hành, hiệu trưởng và chủ trường. Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm chuyên môn về học thuật, còn các vấn đề về quản trị và điều hành thuộc về giám đốc điều hành và chủ trường (chủ tịch HĐQT).

Hoạt động thu học phí cần thực hiện theo quy định về thu học phí của trường học nói chung, còn hoạt động đầu tư, huy động vốn cần có những quy định khác về đầu tư và tín dụng.

Bộ GD-ĐT yêu cầu rà soát toàn bộ trường quốc tế

Trong công văn khẩn gửi các địa phương, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương phải rà soát, kiểm tra các trường dạy chương trình tích hợp, liên kết với nước ngoài. Bộ yêu cầu các sở xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật.

Ngoài ra, các địa phương cần lưu ý phụ huynh, học viên tìm hiểu kỹ lưỡng những lợi ích khi góp vốn đầu tư, cũng như các hình thức đóng học phí và những rủi ro có thể xảy ra khi tham gia. Công văn của Bộ GD-ĐT nêu rõ: Qua kiểm tra, nắm bắt tình hình ở một số địa phương, có hiện tượng tổ chức thực hiện hợp tác, đầu tư của nước ngoài tại một số cơ sở giáo dục chưa đảm bảo đúng quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người học, nguy cơ rủi ro cao. Bên cạnh yêu cầu rà soát, Bộ GD-ĐT đề nghị khi thẩm định hồ sơ thành lập, cho phép hoạt động, các sở phải yêu cầu các trường thực hiện đúng trình tự thủ tục, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, giáo trình, pháp nhân.

Tác giả: Đặng Trinh

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP