Tin địa phương

Chủ tịch TP Cần Thơ: Cà phê cuối tuần, trao đổi sản xuất kinh doanh với nông dân

“Cà phê Hồ Sen ngay phía sau Ủy ban chẳng hạn, ngồi trao đổi luôn, rồi tổ chức đi thăm các mô hình sản xuất kinh doanh của bà con, chúng tôi sẵn sàng, lãnh đạo các sở ngành cùng đi để có gì hướng dẫn ngay cho nông dân, chứ không phải hình thức nữa…” - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu tại buổi đối thoại với nông dân sáng 11/11.

Quang cảnh hội nghị.

Buổi đối thoại có chủ đề “Tháo gỡ khó khăn cho nông dân về tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp du lịch sinh thái, gắn với bảo vệ môi trường nông thôn”.

Nhiều vấn đề thời sự, bức thiết của ngành nông nghiệp được nông dân đề cập. Ông Nguyễn Văn Thịnh (xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh) hỏi: Thành phố có chủ trương, giải pháp nào tăng tỷ lệ chế biến và xuất khẩu nông sản chính ngạch, mở rộng thị trường xuất khẩu và hạn chế lệ thuộc vào một thị trường?

Trả lời vấn đề này, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - cho biết, theo Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù TP Cần Thơ, Quốc hội cho TP cơ chế để thành lập Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL tại Cần Thơ.

Ông Nguyễn Văn Thịnh - nông dân xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh.

Theo ông Trường, TP rất kỳ vọng vào trung tâm này, sẽ phát huy vai trò trung tâm để tập trung được các sản phẩm nông nghiệp của vùng ĐBSCL xuất khẩu đi các nước, mục đích là nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của đồng bằng, nâng cao đời sống người dân.

Tuy nhiên, muốn làm được việc này, cần có sự đồng thuận của các tỉnh trong vùng ĐBSCL và sự đồng thuận lớn nhất là của người nông dân. Khi trung tâm được thành lập, TP sẽ tổ chức nhiều hoạt động để phát huy hiệu quả, sự tham gia của bà con vào trung tâm ngày càng nhiều. Muốn vậy, cần sự thay đổi tư duy, thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ, sản phẩm sạch, an toàn để đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế…

“Nông dân chúng ta xưa nay tay lấm chân bùn, khăn rằn quấn cổ…, nhưng bây giờ phải một tư duy khác, bắt máy móc làm thay mình, muốn vậy thì mình phải điều khiển được nó, muốn điều khiển được nó thì không còn cách nào khác là thay đổi tư duy và học cách làm công nhân nông nghiệp” - ông Trường nói.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường nói rằng, chắc chắn còn nhiều vấn đề của nông dân đặt ra. Năm 2023, TP sẽ tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ nữa và trực tuyến tới các xã để bà con cùng tham gia.

“Lãnh đạo UBND TP cũng đã có chỉ đạo Văn phòng Ủy ban là sẵn sàng gặp gỡ, cà phê cuối tuần, cà phê Hồ Sen ngay phía sau Ủy ban chẳng hạn, ngồi trao đổi luôn. Tổ chức đi thăm các mô hình sản xuất kinh doanh của bà con, chúng tôi sẵn sàng, lãnh đạo các sở ngành cùng đi để có gì hướng dẫn ngay cho nông dân tháo gỡ những khó khăn, chứ không phải hình thức nữa. Xác định đây là công việc chung của chính quyền TP, có trách nhiệm cùng với nông dân phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp của TP…” - Chủ tịch Trần Việt Trường nhấn mạnh.

Người đứng đầu chính quyền TP cũng đề nghị Hội Nông dân các cấp trên địa bàn TP tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động theo hướng tăng cường công tác cơ sở, sát với nông dân; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân, tháo gỡ hoặc đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho nông dân…

Theo ông Trần Việt Trường, dân số Cần Thơ năm 2021 là hơn 1,246 triệu người, trong đó khu vực thành thị có hơn 876 ngàn người (chiếm hơn 70%), nông thôn có 370 ngàn người (chiếm hơn 29%). TP có diện tích đất nông nghiệp hơn 114.000ha, chiếm hơn 80% diện tích toàn TP.

Vai trò của nông nghiệp trong giai đoạn dịch COVID-19 là cực kỳ quan trọng, có thể nói là cứu cánh của nền kinh tế TP. Năm 2021, tất cả các lĩnh vực đều tăng trưởng âm, nhưng khu vực nông lâm thủy sản của TP vẫn tăng trưởng 1,12% và đóng vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực...

Ông Nguyễn Tấn Nhơn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ.

Ông Nguyễn Tấn Nhơn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ - cho rằng, cần sản xuất quy mô lớn, hình thành những vùng nguyên liệu tập trung. Khi tập trung ruộng đất lại thì sẽ đưa cơ giới hóa vào. Tuy nhiên, khi máy móc làm thì một số lượng nhất định lao động trong nông nghiệp sẽ chuyển dịch sang ngành nghề khác, do vậy cần thu hút đầu tư ở các ngành khác như dịch vụ… để những lao động này có công ăn việc làm, ly nông bất ly hương.

Tác giả: Cảnh Kỳ

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP