Trong nước

Chủ động từ chức khi không còn uy tín: Muộn còn hơn không

Có thể nói, việc quy định ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành TƯ chủ động từ chức khi không còn uy tín là một dấu khuyên đỏ trong dự thảo Quy định về tính nêu gương được trình hội nghị TƯ 8. Khi một cán bộ cao cấp của Đảng chủ động từ chức vì thấy mình không còn xứng đáng, thì đó là cách thể hiện rõ ràng nhất, có tính nêu gương nhất của những cán bộ chủ chốt.

Chúng ta từng có nhiều quy định đề cập đến tinh thần tiên phong gương mẫu của cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan đơn vị. Nhưng với thực tế số cán bộ đảng viên bị kỷ luật thời gian qua (mà nhiều người từng giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt ở một số bộ ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương) cho thấy những quy định này còn rất chung chung.

Việc quy định riêng với những tiêu chí, ràng buộc cụ thể cho những hành vi cụ thể nhằm làm cho đội ngũ cán bộ đảng viên cốt cán của đất nước không đi chệch con đường mà họ đã chọn, lý tưởng mà họ đã theo, lời thề danh dự với Đảng với dân mà họ đã thề.

Bởi hơn ai hết, gần 200 người, từ ủy viên Ban chấp hành TƯ trở lên, là thành phần tinh túy nhất của Đảng, là 200 cán bộ thay mặt Đảng thực hiện vai trò lãnh đạo toàn diện đất nước.

Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, không ai bảo vệ mình tốt bằng chính bản thân mình. Khó nhất vẫn là chiến thắng bản thân. Làm nên những người lãnh đạo có uy tín cho đất nước, ngoài tài năng, đức độ, thì lòng tự trọng của con người cũng là một tiêu chí rất quan trọng. Lòng tự trọng là thước đo tinh thần trách nhiệm của cán bộ khi nhận một chức vụ do dân bầu, tổ chức phân công.

Cán bộ càng lớn, lòng tự trọng càng phải cao. Lòng tự trọng không cho phép cán bộ nói nhiều làm ít, làm ít hưởng nhiều, nhất là những cán bộ cao cấp. Chủ động từ chức khi thấy mình không còn uy tín, không còn xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của nhân dân là biểu hiện cao nhất về lòng tự trọng của người làm lãnh đạo.

Từ quan đúng lúc

Từ quan đúng lúc là thể hiện tinh thần trách nhiệm và nhân cách của kẻ sĩ. Lịch sử Việt Nam không thiếu những tấm gương như thế. Họ từ quan về quê mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân, và để lại tiếng thơm cho đời về lòng tự trọng của người nhận lương bổng của dân.

Đã có ý kiến so sánh chuyện “sẵn sàng từ chức” của lãnh đạo một số nước trên thế giới khi thấy mình không còn uy tín, không làm tròn nhiệm vụ, để xảy ra bê bối trong lĩnh vực mình phụ trách, với tình trạng một số cán bộ của ta thoái hóa biến chất, vi phạm kỷ luật Đảng, sai phạm “rất nghiêm trọng” trong quản lý… những vẫn chây ì, cố bám vào chiếc ghế quyền lực của mình.

Những lời kêu gọi từ chức đối với một số trường hợp như vậy, loại trừ chuyện yêu ghét cá nhân, a dua kiểu hội chứng đám đông, hoặc vì một động cơ nào đó thì rõ ràng, có một thực tế là ở ta chưa có cái gọi là “văn hóa từ chức” trong suy nghĩ, việc làm cách hành xử của phần nhiều đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Dù sai phạm nghiêm trọng, họ vẫn bám ghế tới cùng và chỉ rời nó khi có quyết định kỷ luật của Đảng mà thôi.

Vì vậy, ngoài quy định cụ thể về những điều mà các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành TƯ phải “nêu gương” thì yêu cầu phải “chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín; để địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ chính trị, hoặc xảy ra mất đoàn kết kéo dài; cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý bằng pháp luật” được cán bộ, nhân dân cả nước đánh giá cao.

Dẫu giờ mới ban hành quy định này là có phần hơi muộn, nhưng muộn vẫn còn hơn không. Bởi khi gần 200 cán bộ lãnh đạo cao cấp này của Đảng đã là tấm gương sáng về tinh thần tận tâm cống hiến vì nước vì dân, thì không lẽ gì, lại có ai đó muốn đi ngược lại những gì mà mình đã hứa trong ngày nhậm chức.

Tác giả: Vân Thiêng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP