Tin địa phương

Chủ động “chuyển mình” hội nhập kinh tế quốc tế

Ngày 21/3, tại Cần Thơ, Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về Kinh tế - Bộ Công Thương, phối hợp với UBND TP Cần Thơ và các bộ, ngành liên quan tổ chức Hội nghị “Liên ngành triển khai Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phát triển thị trường các nhóm ngành hàng”.

Các doanh nghiệp tham gia đối thoại tại hội nghị

Hội nghị xoay quanh các vấn đề về triển khai hiệu quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế trong nước. Nhìn nhận, đánh giá về những thuận lợi, khó khăn, thách thức và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc thực thi các cam kết Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các cam kết trong Hiệp định CPTPP.

Ký kết CPTPP là bước tiến mới của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đa phương hoá các quan hệ kinh tế, thương mại, tránh được những rủi ro do phụ thuộc vào một vài thị trường lớn.

Trong CPTPP, mức độ cam kết mở cửa mà các đối tác dành cho Việt Nam sâu hơn và nhanh hơn so với những cam kết của Việt Nam với đối tác. Đồng thời là động lực để doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn khai phá các thị trường mới. Doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hoá sang thị trường các nước thành viên CPTPP được hưởng những cam kết cắt giảm thuế quan ở mức cao.

Theo ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương, việc ký kết CPTPP chứng tỏ năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam lên tầng cao mới. Thị trường CPTPP là thị trường quan trọng cho Việt Nam. Các sản phẩm đặc biệt của doanh nghiệp bao gồm chăn nuôi, trồng trọt và các mặt hàng nông sản sẽ là nguồn lực quan trọng trong việc tiếp cận thị trường.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam, năm 2018 TP đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, tăng cường liên kết trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đa phần doanh nghiệp địa phương là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Nguồn nhân lực và vật lực đều có hạn, hoạt động xúc tiến đầu tư còn khiêm tốn… làm cho khả năng tận dụng các cơ hội từ các FTA đem lại còn nhiều hạn chế.

Trong khi đó, các hiệp định thương mại thế hệ mới ngày càng phức tạp làm cho việc nghiên cứu, tìm hiểu, vận dụng cũng có nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. “Chính vì vậy, việc tổ chức quán triệt, triển khai cam kết FTA cho các địa phương là việc làm rất ý nghĩa”, ông Nam nhấn mạnh.

Ngày 21/3, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm Trưởng đoàn cũng có buổi làm việc với lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Cần Thơ về tình hình phát triển ngành Công Thương năm 2018 và trong thời gian tới.
Theo UBND TP Cần Thơ, thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng gần 60% cơ cấu kinh tế của TP. Riêng doanh nghiệp FDI tăng cả về số lượng và quy mô. Hiện, thành phố có 23 dự án đang hoạt động với vốn thực hiện gần 260 triệu USD.

Bộ trưởng Công Thương khẳng định, Cần Thơ đang phát triển tốt về mặt thương hiệu không chỉ trong nước mà còn vươn xa ở các nước trong khu vực, sự phát triển mạnh mẽ của TP là động lực chung để thúc đẩy toàn vùng. Ông Tuấn Anh gợi ý TP cần đẩy mạnh xây dựng kế hoạch tìm kiếm cơ hội hợp tác quốc tế với các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vì đây là thị trường tiềm năng trong việc tiêu thụ sản phẩm về nông sản chất lượng cao. Ở góc độ của Bộ sẽ tiến hành làm đầu mối, rà soát và hỗ trợ xây dựng các kế hoạch cụ thể phối hợp các hoạt động xúc tiến và mở cửa thị trường cho TP.

Tác giả: Huyền Trân

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP