Chợ của người già
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, mô hình chợ hẻm dường như đi ngược lại với hầu hết các lý thuyết kinh doanh: luôn mở rộng quy mô buôn bán và quảng cáo cho nhiều người biết. Tôi đã bất ngờ về những khu chợ hẻm ở thành phố mà mình thường đi qua. Như chợ hẻm trên đường Hoàng Diệu (quận Phú Nhuận). Lần đầu đi cùng người quen vào chợ ngày cuối tuần, tôi không hiểu tại sao giữa những con hẻm ngoằn ngoèo đan xen nhau tưởng như không có lối đi này lại tồn tại một cái chợ với hàng trăm người bán mua, đủ thứ mặt hàng tiêu dùng cần thiết.
Chợ nằm khuất tầm nhìn ở mọi tuyến đường và chắc chắn nếu không quen, không ai có thể tìm ra chợ. Vậy nhưng người mua lại rất đông. Phần vì quen thân, phần vì chợ hẻm thường uy tín, không chộn rộn, thật giả như những khu buôn bán lề đường hoặc chợ lớn khác. Ở đây, nhiều người bán có thâm niên vài chục năm, nhìn mặt khách biết ý, biết mua gì. Ngược lại, người mua cũng là cư dân quanh đó, sống đã lâu, thuộc từng hàng, từng quán nên mỗi sáng đi chợ, người ta không chỉ trao nhau những món hàng, những tờ tiền thông dụng mà còn là những câu chào, câu hỏi thăm nhẹ nhàng mà ấm áp.
Buôn bán trong chợ hẻm chỉ là những mặt hàng thiết yếu. Ảnh: ĐOÀN XÁ |
Chợ hẻm cũng mang nhiều dấu ấn văn hóa đặc trưng của khu vực đó. Điều này khá bình thường bởi chợ nào cũng mang đặc trưng văn hóa của vùng đất đó. Như chợ hẻm trên khu Bàu Cát (Tân Bình) có nhiều sắc màu và nét văn hóa người miền Trung ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, những cư dân đã định cư ở khu vực này khoảng hơn 50 năm qua.
Vì thế, chợ hẻm ở đây cũng như con người ở đây, đều phảng phất nét văn hóa, ẩm thực của người miền Trung. Rồi chợ hẻm trên một vài con đường ven sân bay Tân Sơn Nhất, nơi có rất nhiều cư dân Bắc di cư vào sau ngày thống nhất lại mang đậm nét văn hóa người miền Bắc. Từ những mặt hàng ở chợ cho tới cách mua bán, nếu lần đầu đi chợ, khách có thể ngỡ rằng mình bị lạc vào một thế giới khác.
Có lần đi chợ hẻm bên đường Huỳnh Văn Bánh, như bác tôi kể, khoảng hơn 20 năm trước, chợ còn ở mặt tiền đường, nhưng sau đó những quy hoạch kiến trúc, những dự án khu dân cư, những con đường mọc thêm ra… khiến chợ cứ bị dồn cụm lại, thành trong một con hẻm nhỏ xíu chưa tới 5m như vây giờ.
Vậy nhưng, dù đổi thay nhiều nhưng chợ hẻm vẫn ít đổi thay những người mua, kẻ bán. Họ vẫn vậy, thân thiết với nhau cùng những mặt hàng vô cùng đơn giản như mớ rau, con cá, con tôm, miếng thịt, quả cà... Dường như, ở chợ hẻm này chính là thế giới của những người già, những người đã gắn bó đời mình với chợ như từ mấy chục năm qua vậy. Họ bán mua, họ tâm tình, ngồi cùng nhau, cùng chợ để thấy mình, thấy vùng đất này của ngày hôm nay vẫn như ngày hôm qua, như mấy mươi năm trước vậy.
Tình người giữa phố
Ngoài hàng hóa bạt ngàn, chợ hẻm là nơi chứa đựng tình người nhiều nhất bởi nếu không có tình người, chợ không thể tồn tại trong hẻm, suốt nhiều năm qua. Nghĩa là, người ta mua bán ở chợ hẻm vì người ta an tâm, biết trước những gì mình mua, chứ không sợ bị chặt chém, nói giá cao hay hàng kém chất lượng. Cả người mua lẫn người bán đều kiểm tra kỹ lưỡng mặt hàng họ có. Điều lạ lùng nữa ở các khu chợ hẻm là người ta có thể dễ dàng bán mua mà đôi lúc thiếu tiền.
Như một lần theo người chị họ ra chợ hẻm nằm ở cuối đường Quang Trung (quận Gò Vấp) nhưng 2 chị em quên mang ví tiền. Cứ tưởng phải quay về nhà lấy tiền nhưng chị bảo cứ mua, mai mốt rảnh mang tiền ra trả sau cũng được. Lúc đó, tôi mới hiểu, buôn bán ở giữa thành phố xô bồ này nhiều khi không phải chỉ vì tiền, mà còn là cái tình người, tình quê nữa. Hoặc đơn giản hơn, vì ở chợ hẻm, người ta đã quá quen biết nhau, buôn bán có khi là cả đời mưu sinh, chứ không chỉ ngày một ngày hai, nên chuyện đắt rẻ, mua thiếu nhiều khi lại không phải là vấn đề. Đó dường như là nét đặc trưng không ở bất cứ khu chợ nào khác nơi đây có được.
Chợ hẻm tồn tại phục vụ đời sống thường nhật của một bộ phận người dân. |
Chợ hẻm có nhiều đặc trưng và riêng biệt. Như một người bán rau chỉ bán rau. Người bán thịt heo, bán đu đủ, hay dưa hấu luôn luôn chỉ bán những thứ đấy. Rồi người bán xôi quanh năm suốt tháng chỉ bán xôi. Tôi có cảm giác rằng, có thể suốt đời, bà chỉ bán xôi chứ không bán bất cứ gì khác. Trong cuộc sống, khi người ta đã gắn bó trọn đời mình với một điều gì đấy, chắc chắn sẽ có nhiều cái hay cái độc đáo hơn người khác. Có lẽ vì lẽ đó xôi của bà ngon hơn nhiều những loại xôi khác, giá cũng rẻ hơn.
Không ai có thể kể hết những khu chợ hẻm ở thành phố này bởi nhiều chợ hẻm rộng lớn nhưng cũng có những khu chợ hẻm nhỏ bé. Chỉ biết, chợ hẻm đang tồn tại, như mấy chục năm qua, phục vụ đời sống thường nhật của một bộ phận người dân, như một nét văn hóa độc đáo và riêng lạ của thành phố này vậy.
Theo thống kê của Sở Công Thương TPHCM, trên địa bàn hiện có khoảng 400 chợ lớn nhỏ (trong đó có gần phân nửa là chợ tự phát). TPHCM có đặc điểm tập trung dân cư đông đúc nên đã hình thành rất nhiều chợ. Lâu nay hệ thống chợ vẫn đóng vai trò trọng yếu trong khâu phân phối lưu thông.
Tuy nhiên, nhiều năm qua do thiếu quy hoạch, quản lý, hệ thống chợ đã phát triển tự phát theo chiều hướng lệch lạc dẫn đến quá tải, gây ô nhiễm môi trường, không đáp ứng được yêu cầu xã hội về nhiều mặt. Nhiều con hẻm ở TPHCM hiện nay đang bị lấn chiếm một cách vô tội vạ để họp chợ, giữ xe và bán hàng ăn uống, vừa mất mỹ quan đô thị vừa gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.
Tác giả bài viết: ĐOÀN XÁ