Trong nước

Chính phủ sẽ mở rộng, tạo quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội

Thời gian tới, Chính phủ rà soát toàn bộ quỹ nhà tái định cư để chuyển sang nhà ở xã hội; đồng thời, đẩy mạnh cải cách, rút gọn, tinh giản quy trình thủ tục hành chính, mở rộng các đối tượng thụ hưởng, tăng khả năng tiếp cận nhà ở xã hội.

Nghiên cứu chính sách để đánh giá cung - cầu với nhà xã hội

Chiều 28/10, phát biểu tại phiên thảo luận về báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao Quốc hội đã lựa chọn chủ đề giám sát tối cao liên quan đến chính sách pháp luật về thị trường bất động sản và nhà ở xã hội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ đồng tình với những vấn đề tồn tại trong quản lý thị trường bất động sản nói chung và nhà ở xã hội đang mất cân đối về các sản phẩm cung cầu: nhà ở xã hội hiện nay còn quá thấp, có nơi nhà ở xã hội hiện nay đã xây dựng nhưng để không sử dụng. Nhà ở chung cư, nhà ở tái định cư cũng để lãng phí. Nhà ở thương mại đang được đầu tư nhiều hơn...

Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, không chỉ các đối tượng chính sách mà toàn bộ người dân đều có quyền được sở hữu nhà ở. Hầu hết công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt trong các lực lượng vũ trang... đều phải có trách nhiệm với chính sách này. Vì vậy, thời gian tới điều cần thiết là nghiên cứu chính sách để hoàn thiện từ khâu điều tra, đánh giá cung - cầu đối với nhà xã hội; mở rộng các đối tượng xã hội thế nào hợp lý để mọi người dân đều có quyền tiếp cận nhà ở. Tiếp đó, cần triển khai tại địa phương chiến lược quy hoạch và chương trình nhà ở, trong đó có nhà ở ở xã hội, nhà ở đô thị, đặc biệt là nhóm nhà ở thương mại và thu nhập cao.

Quang cảnh phiên làm việc ngày 28/10 - Ảnh: Quochoi.vn

Đồng tình với các giải pháp mà lãnh đạo các Bộ nêu, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh tới việc xác định giá đất rồi xem xét thí điểm sớm thị trường, sàn giao dịch trên thị trường.

Liên quan đến vấn đề lãng phí ở các dự án, kể cả nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại và nhiều dịch vụ thương mại, du lịch..., Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, sắp tới, Chính phủ sẽ đưa ra những giải pháp để giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền; sẽ trình Quốc hội nghị quyết về mở rộng và tạo ra các quỹ đất làm nhà ở thương mại hoặc để làm nhà ở xã hội; đồng thời, rà soát lại toàn bộ quỹ nhà tái định cư để chuyển sang nhà ở xã hội.

Cần khảo sát nhu cầu của người lao động về nhà ở

Báo cáo tiếp thu, giải trình tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cảm ơn các ý kiến phát biểu rất sâu sắc, rất thực tiễn của các đại biểu Quốc hội về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành.

Đối với về nhận định lãi suất còn cao, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, doanh nghiệp đi vay bao giờ cũng muốn lãi suất vay thấp. Nếu so với mong muốn của doanh nghiệp thì nhận định lãi suất còn cao bao giờ cũng đúng và là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất quốc tế tăng rất cao nhưng mặt bằng lãi suất của Việt Nam lại kiểm soát được và lãi suất cho vay mới giảm khoảng 3% so với từ đầu năm 2022 đến nay cũng là cố gắng của Ngân hàng Nhà nước cũng như các tổ chức tín dụng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tiếp thu, làm rõ một số nội dung - Ảnh: Quochoi.vn

Về tín dụng nhà ở xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trên thực tế Chính phủ hiện nay đang rất quyết liệt chỉ đạo các cơ quan bộ, ngành tập trung các giải pháp để phát triển nhà ở xã hội và kể cả việc kêu gọi xã hội hóa để xây dựng xóa nhà tạm dột nát.

Thời gian qua, trong điều kiện Ngân sách Nhà nước chưa bố trí được, nhiều hệ thống ngân hàng hưởng ứng Chương trình hướng đến 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030, ngành ngân hàng đã đưa ra gói 120.000 tỷ đồng (đến nay gói này tăng lên 145.000 tỷ đồng) từ nguồn vốn do các tổ chức tín dụng huy động. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số dư giải ngân vẫn còn rất là ít, khoảng 1.700 tỷ đồng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, để triển khai tín dụng nhà ở xã hội cần nguồn lực từ ngân sách Nhà nước; cùng với đó, cần khảo sát xem nhu cầu của người lao động là sở hữu nhà ở hay nhu cầu đi thuê nhà, từ đó có các giải pháp phù hợp.

Tác giả: Vân Hà

Nguồn tin: kinhtedothi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP