Adilang ở trên túp lều nổi giữa biển khi được tàu Panama cứu. Ảnh: Tổng lãnh sự quán Indonesia tại Osaka. |
Aldi Novel Adilang là người đảo Sulawesi. Công việc của chàng trai 18 tuổi là bẫy cá trên nhà nổi mà không có bất kỳ mái chèo hay động cơ nào. Hàng ngày, cậu phải thắp sáng đèn trên nhà nổi để thu hút lũ cá, theo BBC.
Túp lều nổi giữa biển và neo vào đáy biển bằng dây thừng. Mỗi tuần, người trong công ty sẽ đến thu cá và tiếp tế thức ăn, nước uống, nhiên liệu cho Adilang ở khu vực cách bờ 125 km.
Hôm 14/7, cơn thịnh nộ của biển cả làm đứt dây neo nhà nổi. Trên lều chỉ còn một số ít vật tư, Adilang sống bằng cách bắt cá, bẻ hàng rào bằng gỗ của túp lều rồi nhóm lửa nấu cá. Hiện chưa rõ cậu lấy nước ngọt ở đâu.
"Cậu ấy nói luôn sợ hãi và thường khóc suốt quá trình trôi dạt", Fajar Firdaus, một nhà ngoại giao Indonesia ở Osaka, Nhật Bản, cho hay. "Mỗi lần nhìn thấy tàu lớn, cậu ấy lại dâng lên hy vọng, nhưng hơn 10 con tàu lướt qua mà không phát hiện Adilang. Không tàu nào dừng lại".
Chàng trai 18 tuổi lên tàu lớn sau 49 ngày trôi dạt. Ảnh: Tổng lãnh sự quán Indonesia tại Osaka. |
Mẹ của Adilang kể lại việc phát hiện con trai biến mất.
"Ông chủ của thằng bé nói với chồng tôi nó đã mất tích. Vì vậy chúng tôi chỉ biết nhờ vào ý ông trời và cầu nguyện", bà Net Kahiking nói.
Hôm 31/8, Adilang đã gửi tín hiệu vô tuyến khẩn cấp khi nhìn thấy tàu MV Arpeggio gần đó. Con tàu Panama đã vớt cậu lên ở vùng biển Guam. Thuyền trưởng liên lạc với đội bảo vệ bờ biển Guam, người này chỉ thị đưa cậu tới bờ biển Nhật Bản - điểm đến của con tàu, theo thông báo của Tổng lãnh sự quán Indonesia tại Osaka.
Adilang đến Nhật hôm 6/9 và bay về Indonesia hai ngày sau để đoàn tụ cùng gia đình trong tình trạng sức khỏe tốt.
"Giờ thằng bé đã ở nhà. Cuối tháng này, nó sẽ tròn 19 tuổi và chúng tôi sẽ chuẩn bị ăn mừng", mẹ của Adilang nói.
Giấy phép nhập cảnh vào Nhật Bản "vì gặp thảm họa" của Adilang. Ảnh: Tổng lãnh sự quán Indonesia tại Osaka. |
Tác giả: Hồng Hạnh
Nguồn tin: Báo VnExpress