Phạm Lê Việt Anh được nhiều người biết đến là đội trưởng đội tuyển BK Galaxy và là một trong những gương mặt sinh viên ưu tú nhất của chuyên ngành kĩ thuật cơ - điện tử Đại học Bách khoa Hà Nội.
Chàng sinh viên điển trai sở hữu nhiều thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học. Cậu từng xuất sắc giành giải Nhất lĩnh vực, giải Ba chung cuộc cuộc thi Sáng tạo khoa học kĩ thuật quốc gia Intel Isef 2015 với đề tài “Robot tiện ích”, giải Ba cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật thanh thiếu niên - nhi đồng quốc gia với đề tài “Robot giúp việc nhà điều khiển bằng smart-phone” năm 2016, giải Nhì giao hữu Bot Battle của VNG năm 2017.
Phạm Lê Việt Anh (ở giữa) nhận bằng khen trong lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 12 năm 2016 |
Năm lớp 11, khi đang theo học lớp chuyên Sinh, trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương), Việt Anh đã đến với khoa học như một cái duyên.
“Em thường thích mày mò sáng tạo ra mấy đồ linh tinh. Những lúc như thế em cảm thấy rất thích thú. Một buổi sáng tại trường, lớp trưởng cầm tờ giấy do trường phát và đọc cho cả lớp. Nội dung của thông báo là về cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Chưa tìm hiểu đến các cuộc thi khoa học bao giờ nhưng nghe xong, em đã đăng kí tham gia”, Việt Anh chia sẻ.
Theo anh chàng này, khó khăn mà phần lớn ai dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học sẽ gặp phải chính là “bí” đề tài.
Có người “tắc”, không nghĩ ra mình làm gì, có người thì nghĩ ra rồi cũng phải bỏ vì ý tưởng bất khả thi. Còn Việt Anh, mặc dù đã chọn được đề tài xong lại tốn rất nhiều thời gian để tìm các trang thiết bị cung ứng và địa điểm thực hiện.
“Ngoài kiến thức chuyên môn về thiết kế chế tạo cơ khí, thiết kế mạch điện, lập trình tự động, kỹ thuật điều khiển hệ thống máy tính, làm khoa học phải tận dụng tất cả những đồ ở nhà có và mượn từ mọi người như bộ khoan, máy cắt, máy bắt vít,…
Địa điểm làm cũng phải nhờ quen biết các anh chị trong hội sinh viên, giảng viên để được hỗ trợ. Những khoản kinh phí phát sinh nhiều lúc phải đi xin tài trợ từ các công ty”, Việt Anh nói.
Gặp khó khăn về nhiều mặt khi làm khoa học nên không ít lần chàng sinh viên này có ý định bỏ cuộc, con số thất bại không thể nào đếm nổi.
“Có những đêm làm liên tục đến 4,5 giờ sáng để thiết kế bảng mạch. Thực sự điện tử rất khó hiểu và phức tạp “y như con gái vậy”. Nhiều lúc chập rồi không hoạt động vì lý do hết sức đơn giản và ngớ ngẩn.
Những lúc em muốn bỏ cuộc thì nhìn lại thành viên làm cùng. Họ tin tưởng và theo mình vậy mà mình bỏ thì mất niềm tin của mọi người nên cố gắng tiếp tục. Hơn nữa, bao nhiêu đam mê chắc em đổ hết vào khoa học rồi”, chàng sinh viên Bách Khoa chia sẻ.
Tình yêu khoa học là một trong những khía cạnh giúp Việt Anh truyền cảm hứng cho đồng đội. Là đội trưởng đội tuyển BK Galaxy, dẫn dắt thành viên tham gia nhiều đấu trường khoa học, chàng trai 9X đã rút ra được kinh nghiệm khi làm việc nhóm.
Khi lắp ráp, thiết kế rất hay xảy ra tranh cãi nhưng mỗi lần đội cãi nhau, Việt Anh lại rủ mọi người cùng đi ăn và bình tĩnh nói chuyện giải tỏa khúc mắc và cùng tìm được cách thực hiện hiệu quả.
Việt Anh (thứ hai bên trái) và đồng đội trong CLB khoa học. |
Dành nhiều thời gian chuyên môn cho khoa học, Việt Anh cũng chăm chỉ rèn luyện thể thao nâng cao sức khỏe, thư giãn và kết nối bạn bè.
Chia sẻ về dự định tương lai, đội trưởng đội tuyển BK Galaxy cho biết sẽ tiếp tục học tập tốt và tham gia các cuộc thi khoa học để rèn luyện bản thân. Sau khi tốt nghiệp Đại học, Phạm Lê Việt Anh mong muốn sẽ đi theo con đường nghiên cứu khoa học và sở hữu một công ty công nghệ riêng.
“Yêu thích robot là vậy nhưng em khát khao sau này được làm CEO của công ty công nghệ để giúp nhiều hơn cho những người đam mê khoa học mà còn đang gặp khó khăn cần hỗ trợ.
Em hi vọng sẽ đóng góp được vào quá trình phát triển của robot nói riêng và khoa học công nghệ nói chung để đem thành tựu ấy phục vụ cuộc sống của con người tốt hơn”, Việt Anh tâm sự.
Tác giả: Hồng Vân
Nguồn tin: Báo Dân trí