Thật vậy, Jamie Vardy là cầu thủ có mức lương cao nhất trong đội hình hiện tại của Leicester cũng chỉ nhận 80.000 bảng/tuần, thua đến 10.000 bảng/tuần so với mức lương của Mario Balotelli tại Liverpool.
Câu chuyện này có thể làm nhiều người bị sốc nếu nó xảy ra vào năm 2010, thời điểm Balotelli mới chuyển về thi đấu cho Man City, trong khi Vardy chỉ mới đầu quân cho đội bóng hạng 7 FC Halifax Town.
Lương của nhà vô địch Jamie Vardy không hơn nổi cầu thủ "ăn không ngồi rồi" Balotelli
Bây giờ, câu chuyện trên vẫn rất sốc, bởi trong khi Jamie Vardy mới đoạt danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất Premier League thì Mario Balotelli chỉ là một "cục nợ" mới được AC Milan trả lại Liverpool sau một mùa giải ăn không ngồi rồi tại Serie A.
Tuy nhiên, chính đội bóng chủ quản cũng không muốn “chứa chấp” trong đội hình một cầu thủ tật nhiều hơn tài như Balotelli. Tình thế này chân sút Italia buộc phải đi tìm một bến đỗ mới cho mình.
Nhưng từ bây giờ cho đến khi kết thúc hợp đồng với Liverpool vào tháng 06/2017, Mario Balotelli vẫn sẽ nhận được mức lương lên đến 90.000 bảng/tuần, bất chấp anh có hay không được sử dụng bởi HLV Juergen Klopp. Đó là điều khoản đã được quy định trong bản hợp đồng có thời hạn 3 năm được hai bên ký kết vào tháng 08/2014.
Trường hợp của Mario Balotelli một lần nữa cho thấy một vấn đề bất cập trong luật chuyển nhượng cầu thủ hiện tại. Không khó để nhận ra rằng các điều luật đang mang đến rất nhiều lợi ích cho các cầu thủ, đồng thời báo hại các đội bóng có những cầu thủ “ngồi mát ăn bát vàng” như Balotelli.
AC Milan cũng không thể giúp Balotelli tìm lại phong độ
Sở dĩ nói như vậy bởi nếu quyết định sa thải Balotelli trước thời hạn, Liverpool có thể phải bồi thường cho tiền đạo Italia khoản tiền khoảng 4,7 triệu bảng, tương đương 100% tiền lương của Balotelli trong mùa giải tiếp theo.
Trong một số trường hợp, số tiền bồi thường có thể ít hơn tùy theo điều khoản hợp đồng và thỏa thuận của hai bên trong quá trình sa thải cầu thủ.
Dĩ nhiên, phương án tuyệt vời nhất trong tình huống này sẽ là bán đứt những cầu thủ “ăn không ngồi rồi”, hoặc chí ít cũng là đẩy “của nợ” sang đội bóng khác theo dạng cho mượn để giảm quỹ lương của đội bóng.
Nhưng nếu không thể thực hiện các phương án trên thì phần lớn các CLB sẽ chọn cách giữ chân cầu thủ để tận dụng hết mức tài năng của anh ta, thay vì “trả lương” cho một người không còn thuộc biên chế của đội bóng.
Một số trường hợp cầu thủ ngồi mát ăn bát vàng tiêu biểu ở Premier League
- Radamel Falcao: Man Utd đã chấp nhận trả mức lương 265.000 bảng/tuần để mang Falcao về sân Old Trafford với hy vọng chân sút Colombia sẽ san sẻ gánh nặng ghi bàn với Wayne Rooney và Robin van Persie.
Tuy nhiên, Falcao lại khiến tất cả phải thất vọng khi chỉ ghi được 4 bàn sau 29 lần khoác áo Quỷ đỏ.
Mặc dù vậy, HLV Jose Mourinho vẫn tự tin tuyên bố ông sẽ giúp "Mãnh hổ" tìm lại phong độ trong màu áo Chelsea, đội bóng đã trả cho chân sút Colombia mức lương 140.000 bảng/tuần. Nhưng một lần nữa, Falcao lại "mất hình" ở Stamford Bridge với chỉ duy nhất một pha lập công sau 14 lần ra sân cho Chelsea.
- Emmanuel Adebayor: Mâu thuẫn với BHL Tottenham khiến Adebayor bị cắt hợp đồng từ đầu mùa giải năm ngoái. Tuy nhiên, đội bóng của HLV Mauricio Pochettino vẫn phải trả cho tiền đạo người Togo 100.000 bảng/tuần theo như điều khoản đã được hai bên thống nhất trong hợp đồng được ký kết vào năm 2012.
- Jose Enrique: 3 mùa giải gần nhất, Enrique chỉ đá 24 trận cho Liverpool. Nhưng thay vì nằng nặc đòi ra đi để được thi đấu nhiều hơn, hậu vệ người Tây Ban Nha lại nhất quyết trụ lại ở sân Anfield để nhận mức lương 75.000 bảng/tuần, khoản tiền mà theo như lời Enrique nói thì anh chỉ có thể nhận được tại Real Madrid và Barcelona nếu trở về thi đấu ở Tây Ban Nha.
- Anderson: Trước khi trở về quê nhà khoác áo Internacional, Anderson đã trở thành "cục nợ" đúng nghĩa tại Man Utd. Ở mùa giải 2013/14, cầu thủ Brazil chỉ đá 11 trận cho Man Utd trong giai đoạn lượt đi, trước khi bị đẩy sang Fiorentina ... ngồi đánh bóng ghế dự bị. Đến mùa giải tiếp theo, Anderson còn chỉ ra sân 3 lần trong màu áo Quỷ đỏ rồi trở về Internacional. Mặc dù vậy, anh vẫn nhận đủ 60.000 bảng/tuần.
Khác với cầu thủ, HLV thường bị sa thải ngay lập tức nếu không làm việc hiệu quả. Sự khác biệt nằm ở chỗ, một cầu thủ thi đấu kém có thể thay thế bằng nhiều cầu thủ khác có sẵn trong đội hình.
Nhưng một HLV tồi thì chỉ có thể thay thế bằng một HLV mới chứ hiếm khi nào lại có chuyện một đội bóng để cầu thủ tự đá, hoặc sử dụng một thành viên khác trong BHL mà vẫn giữ lại HLV trưởng.
Xét cho cùng thì khi mức tiền đền bù chỉ bằng hoặc thậm chí là ít hơn mức lương, các đội bóng hoàn toàn có thể đuổi việc HLV khi chiến lược gia này không còn làm việc hiệu quả. Không nói đâu xa, Man Utd chỉ phải trả 66% lương của HLV Louis van Gaal khi sa thải chiến lược gia Hà Lan vào cuối mùa giải năm ngoái.
Tác giả bài viết: Anh Đào