Nhắc đến cộng đồng LGBT, người dị tính đa phần đã có cái nhìn thoáng và ủng hộ họ nhiều hơn. Thế nhưng tư duy nhị nguyên ăn sâu vào tiềm thức khiến một số người có ác cảm với người trong giới. Họ cho rằng đã sinh ra diện mạo là nam thì xu hướng tính dục nhất định phải vậy và ngược lại.
Một số gia đình có con/cháu là người trong giới trách cứ, kỳ thị, làm đủ điều để con/cháu họ giống người “bình thường”. Nhất là khi người ấy mang danh cháu đích tôn, con một, rào cản gia đình sẽ ngày càng lớn. Để rồi khi phát hiện ra mọi cố gắng thay đổi người nhà không có tác dụng, họ “đổ thừa” cho đấng sinh thành.
Nhứt Khang nhận ra xu hướng tính dục của mình vào năm lớp 10. |
Trần Nhứt Khang (sinh năm 1999, TP Cần Thơ) từng trải qua quá khứ kinh hoàng vào giai đoạn come out. Người thân ngăn cản, đánh đập; bạn bè xa lánh, nghĩ lại Khang vẫn chực trào nước mắt. Cho dù đã 4 năm kể từ ngày come out, anh bạn gốc Cần Thơ vẫn chưa nhận được cái gật đầu đồng ý của gia đình.
Cố gắng ẩn sâu trong cái vỏ bọc do mình tạo ra
Gặp Khang, ai cũng luôn thấy nụ cười luôn thường trực trên môi. Đối với cậu bạn 4 năm come out, dường như đã lấy đi hết nước mắt, sự suy sụp và cả ý nghĩ tự tử. Ngày nay, chỉ có thể cười và sống hết mình để bù đắp quãng thời gian ấy. Đồng thời chứng minh cho gia đình thấy, Khang có thể sống tốt dù là người đồng tính.
Nhắc về tuổi thơ, Khang bất giác mỉm cười. Ngày ấy, Khang vui vẻ, hạnh phúc nhiều lắm! Vì là cháu đích tôn nên Khang luôn sống trong tình yêu, sự nâng niu chăm sóc của gia đình nội ngoại. Nhưng không ngờ, khi lớn lên danh xưng cháu đích tôn lại khiến Khang không dám đối diện với gia đình.
“Trước đó, mình là cậu học trò ngoan ngoãn được thầy cô, bạn bè yêu quý. Trong gia đình, mình được mọi người chiều chuộng. Mặc dù từ nhỏ, cử chỉ và sở thích của mình rất khác bạn nam cùng trang lứa nhưng gia đình đều nghĩ do tính hiền nên vậy. Mình mê nấu ăn, vẽ; đặc biệt thích thiết kế váy cho nữ“, Khang nhớ lại.
Nỗi lo cháu đích tôn khiến Khang không dám đối diện với bất kỳ ai. |
Điều đáng nói, Khang vẫn có bạn gái. Nhưng mãi về sau, cậu mới nhận ra đó chỉ là tình bạn không phải rung động. Ngày ấy, mỗi khi tiếp xúc với bạn nam, Khang cảm giác có điều gì đó rất lạ trong tư tưởng. Thời gian qua đi, cảm xúc ấy ngày càng lớn dần. Cho đến lớp 10, cậu bạn quen một anh hơn mình 3 tuổi. “Mình biết bản thân rung động trước sự quan tâm, chăm sóc của anh ấy. Anh chính là người cung cấp cho mình kiến thức về LGBT và giúp mình nhận ra xu hướng tính dục. Nhưng lúc ấy, thay vì vui mừng, mình bắt đầu lo sợ về những ngày đen tối đang chờ phía trước”, Khang chia sẻ.
Khang cho rằng, mỗi năm cái nhìn của xã hội về cộng đồng LGBT một khác. Chính vì thế, cách đây 4 năm lo sợ trước suy nghĩ người trong giới bị bệnh, Khang giấu giếm, kể cả với người mình thân thuộc nhất. Khao khát bộc lộ xu hướng tính dục khiến Khang sống chật vật qua ngày. Sống mà như đang sống hộ 1 người khác!
Dù chưa công khai nhưng bạn bè đã liên tục trêu Khang “bê đê” vì chỉ chơi với con gái. Nghe đến cụm từ ấy, Khang sợ. Sợ mọi người biết chuyện, sợ mình sẽ chịu thêm áp lực. Sau đó, cậu bạn tự xây dựng cho mình một vỏ bọc và trốn sâu trong đó, không đi chơi, kết bạn. Mỗi ngày trong giấc mơ, Khang đều bắt gặp cảnh ai đó nói với bố mẹ: “Khang bê đê”, họ chửi bố mẹ không biết dạy con. “Lúc đó, chỉ có suy nghĩ làm sao để giấu không ai biết càng tốt”.
Khang có động lực come out nhờ bạn trai. |
Chọn cái chết để giải thoát
Trước khi come out, người trong giới luôn phải trải qua giai đoạn chọn tình yêu thương của gia đình hay sống thật với bản thân. Nhưng tại sao lại có sự lựa chọn này, nhất là khi Khang mang danh cháu đích tôn của dòng họ, ai ai cũng kỳ vọng.
Chuyện gì đến cũng sẽ đến, Khang mỉm cười chua xót khi nhớ về ngày ấy. Cậu bạn không còn giữ được nụ cười như lúc bạn đầu. Khang lúc này giống như đứa con đang làm sai điều gì sợ bị bố mẹ trách phạt. Nhưng Khang đâu có làm sai điều gì!
“Đến giáng sinh năm lớp 10, mình đã come out với cha mẹ. Thực ra, ngày đó mình muốn đi chơi giáng sinh cùng anh ấy nhưng cha không cho đi. Cha cấm bắt mình ở nhà. Mình nghĩ quẩn, bỏ nhà đi khoảng 2 tuần. Biết tin, ông bà rất lo. Một phần là cháu đích tôn nên mình cũng không dám đối mặt. Tuy nhiên, anh ấy đã khuyên ngăn tạo động lực giúp mình đối diện với gia đình và công khai“, Khang kể.
Thẳng thắn thú nhận với gia đình không có cảm giác với con gái, chỉ yêu được con trai, Khang nhận được sự ủng hộ của mọi người trừ cha. Cha đòi giết, Khang thấy vậy muốn tự tử. Nghĩ đến mẹ, cậu quyết định bỏ nhà đi lần 2 mong cha sớm nguôi ngoai. Lần này, ông đổ bệnh, Khang trở về nhưng đến nhà ngoại sống.
Đã 4 năm trôi qua, Khang vẫn chưa nhận được sự đồng ý của gia đình. |
Đã 4 năm trôi qua kể từ ngày come out, Khang sống như người tự kỉ, không dám đối diện hay đi chơi với bạn bà. Nhất là quãng thời gian cha liên tục trách và đuổi mẹ ra khỏi nhà. Hơn nữa, bạn bè đã xa lánh ngay khi biết chuyện.
“Mẹ luôn là điểm tựa lớn nhất của mình. Đặc biệt, mẹ là cầu nối giữa mình và cha. Có lần mẹ nói: “Con dù trai hay gái cũng là con của mẹ. Mẹ đứt ruột sinh con ra, mẹ sao có thể bỏ con được. Còn cha, ông ấy chưa chấp nhận được vì con là cháu đích tôn. Bởi vậy, dù như thế nào con hãy thông cảm và thương cha”. Hiện tại, mình và cha đã nói chuyện lại nhưng không nhiều như trước”, Khang chia sẻ.
Hiện tại, do ám ảnh trước sự kỳ thị của mọi người, Khang theo học kinh doanh online. Bởi nghề này, Khang có thể độc lập, tự chủ mọi thứ. Mặt khác vì bị xoang mãn tính và tay phải không làm được việc nặng do tai nạn nên cậu bạn buộc phải chọn nghề nhẹ nhàng.
Tác giả: Mina
Nguồn tin: saostar.vn