Giới trẻ

Câu chuyện chuyển giới của 10X Hà Thành: 'Mẹ từng đòi tự tử, chị gái thì khóc nhiều vì thương'

Vy biết mọi người vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận cậu, nhưng họ ủng hộ cậu trong thầm lặng, không chỉ trích. Điều đó cho cậu thêm nhiều động lực.

Hành trình ”come out” của Vy Hoàng (tên thật là Hoàng Thảo Vy, sinh năm 2000 tại Hà Nội) chứa đựng rất nhiều nỗi buồn, nước mắt, và cuối cùng cũng đã có một cái kết đẹp.

Vy Hoàng khi còn là con gái (bên trái) và khi đã ”chuyển giới”

Thuở nhỏ, khi còn học mẫu giáo, Vy đã biết để ý đến các bạn nữ. Bản thân cậu thì không bao giờ mặc váy, cũng chả thích điệu đà. Lên cấp 2, khi thấy hội con gái xung quanh ai cũng biết làm đẹp, Vy cũng bắt chước như thế cho ”bình thường giống người ta”, nhưng đều có cảm giác khó chịu, cảm thấy không phải là mình.

Câu chuyện chuyển giới của 10X Hà Thành: Mẹ từng đòi tự tử, chị gái thì khóc nhiều vì thươngCâu chuyện chuyển giới của 10X Hà Thành: Mẹ từng đòi tự tử, chị gái thì khóc nhiều vì thương

Thời điểm đó, cậu cũng thử yêu một số bạn nam, nhưng tất cả các mối quan hệ đó đều mang lại cảm giác như ”tình đồng chí”. Và chỉ khi lên cấp 3, khi bắt đầu có tình cảm với một bạn nữ (thuộc cộng đồng LGBT), được cô bạn ấy cung cấp nhiều kiến thức vầ LGBT và bình đẳng giới, thì Vy mới thẳng thắn nhìn nhận lại mình.

Câu chuyện chuyển giới của 10X Hà Thành: Mẹ từng đòi tự tử, chị gái thì khóc nhiều vì thươngCâu chuyện chuyển giới của 10X Hà Thành: Mẹ từng đòi tự tử, chị gái thì khóc nhiều vì thương

Khoảnh khắc khi Vy xác định rõ mình thuộc LGBT, cụ thể là một người chuyển giới nam, thì cậu đã bị sốc. Vì lúc trước, nếu có bất kỳ ai nói cậu là lesbian, là thế này thế kia, cậu lúc nào cũng tự ái. Nên việc nhìn nhận ra ”mình là ai” đã khiến cậu mất một thời gian khá lâu để vượt qua cú sốc này.

Người đầu tiên mà Vy tâm sự, trút hết nỗi lòng chính là chị gái ruột. Hai chị em vừa nói chuyện, vừa khóc như mưa. Chị gái Vy rất thương Vy, thương đến mức có khi đang đi làm, chỉ cần nghĩ về em gái là đã đủ để cô rơi nước mắt rồi. Khi được hỏi ”Chị có xấu hổ vì em không?”, người chị gái này đã trả lời: ”Không. Em như thế thì đã thiệt thòi hơn mọi người. Chị càng phải thương em hơn”

Bạn bè cũng rất ủng hộ, mặc dù họ cũng khuyên rằng nếu là con gái, thì tương lai sẽ sáng sủa hơn. Nhưng ”cửa ải” khó khăn nhất, không ai khác chính là gia đình.

”Ngày mình cắt tóc ngắn bước về nhà, mẹ mình đã khuỵu xuống và khóc không thành tiếng. Đó là những ngày cuối năm 2015. Rồi mình và mẹ chiến tranh lạnh một thời gian dài. Mình không dám ngồi đối diện mẹ, sợ mẹ thấy mái tóc rồi mẹ lại khóc. Có lần mẹ đang làm bếp, tự nhiên mẹ òa khóc rất to, kiểu như không thể giữ trong lòng được nữa. Mình đau lòng lắm, cảm giác vô cùng kinh khủng. Khoảng thời gian căng thẳng ấy mình sẽ không bao giờ quên” - Vy kể lại.

Rồi dần dần, nhờ sự tác động của anh chị em họ hàng, và đặc biệt là cô giáo chủ nhiệm - người mà mẹ Vy rất tin tưởng - mọi thứ cũng đã êm dịu hơn. Bên cạnh đó, cậu đã cố gắng đạt rất nhiều thành tích của Đoàn trường, Phường, Quận, thậm chí cả Trung ương và Thành Phố. Thông qua đó, cậu muốn chứng minh với mẹ rằng: ”Con không phải là người dị tính, nhưng con sẽ làm được những điều mà chưa chắc người dị tính đã làm được”

Khoảnh khắc khi cậu biết mẹ đã ”ngầm” chấp nhận con người cậu chính là khi hai mẹ con ra đầu ngõ, gặp một bà bán hàng. ”Bà ấy la lên rằng Cái con bé này mày bị làm sao thế? Ăn mặc tóc tai thế này rồi ai mà lấy, làm sao mà đẻ con?”. Nghe thế, mẹ mình điên lên quát lại: Bà làm sao đấy? Nó có phải là con gái đâu. Nó là con trai. Đẻ với cả chửa cái gì?? Mình như muốn vỡ òa ngay vào lúc ấy” - Vy Hoàng kể lại

Vy biết mọi người vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận cậu, nhưng họ ủng hộ cậu trong thầm lặng, không chỉ trích. Điều đó cho cậu thêm nhiều động lực. Đối với Vy, chỉ cần gia đình chấp nhận, hiểu và cảm thông là đủ. Còn ngoài xã hội có đối xử với cậu thế nào, cậu cũng không quan tâm. ”Bởi mình chỉ sống cho những người mình thương yêu thôi” Vy nói.

Chưa bao giờ Vy nghĩ việc sống thật với chính mình là điều sai lầm. Cậu biết rõ, đây không phải là nhất thời, cũng không đua đòi theo phong trào giới tính… mà tất cả những gì cậu thể hiện bây giờ đều là con người cậu. Cũng có lúc cậu nghĩ về tương lai, cảm thấy yếu đuối, nhưng chưa một lần cậu thấy hối hận. ”Bởi ai cũng chỉ sống có một lần mà thôi. Hãy sống, hãy tận hưởng và làm những điều có ích” - Vy nói.

Hiện tại, Vy Hoàng đang nỗ lực hết sức để chứng tỏ bản thân mình. Cậu từng tham gia đóng phim ngắn “Ước mơ được yêu thương” và bộ phim đã đoạt giải do Trung tâm CSAGA cùng Đại sứ quán Mỹ và tổ chức Bánh mì cho Thế giới đồng tổ chức. Ngoài ra, cậu còn là một gương mặt MC rất được yêu thích của nhiều sự kiện. Cậu còn đang là chủ tịch của CLB Tổ chức sự kiện MCE Club với gần 30 thành viên. CLB hoạt động đến nay với sự tham gia tổ chức các sự kiện trên địa bàn Hà Nội như Halloween Party 2017 tại Công viên nước Hồ Tây, Lễ hội Lều trại Tent Feast 2018 tại Công viên Yên Sở, Ngày hội Trại hè “Không lồng kính” tại Gamuda City,…

Với đam mê âm nhạc và nghệ thuật, Vy Hoàng còn lập ra ban nhạc riêng có tên The Passion Band, với mong muốn gắn kết các bạn trong cộng đồng LGBT lại gần với nhau hơn. Có thể thấy, Vy Hoàng đang trên con đường chứng minh cho mọi người thấy: LGBT cũng có cuộc sống thành công và ý nghĩa như ai.

Kết thúc cuộc trò chuyện, Vy Hoàng nhắn nhủ: ”Cuộc sống của mỗi người chỉ sống có một lần. Hãy cứ sống theo những gì chúng ta khao khát. Hãy lựa chọn 1 thời điểm hợp lý để come out, và hãy luôn sống thật với chính mình cũng như những người xung quanh”

Tác giả: Họa Mi

Nguồn tin: saostar.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP