Sáng 19/3, đại tá Lê Văn Việt, Giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh, cho biết ông đang yêu cầu Công an thị xã Duyên Hải báo cáo vụ "Nhiều cảnh sát cầm cố cả giấy chứng minh công an nhân dân để vay tiền" theo phản ánh của Zing.vn. Bước tiếp theo là tỉnh chỉ đạo công an thị xã ven biển này làm quy trình xử lý, kỷ luật cán bộ vi phạm.
Thẻ Đảng viên được một chiến sĩ công an giao cho chủ nợ. Ảnh: Việt Tường. |
Từng có cảnh sát bị kỷ luật
Theo đại tá Phan Thanh Quân, Phó giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh, Ban giám đốc thường xuyên nhắc nhở các đơn vị trước tình trạng cán bộ, chiến sĩ dùng giấy chứng minh công an nhân dân (thẻ ngành) để vay, mượn tiền. Trước đây, tại Công an thị xã Duyên Hải từng xảy ra trường hợp này và những cá nhân sai phạm đã bị kỷ luật.
Đại tá Việt nói rằng Bộ Công an nghiêm cấm cán bộ, chiến sĩ dùng thẻ ngành để cầm cố, thế chấp. Chứng minh công an nhân dân rất quan trọng, nếu để mất tấm thẻ ngành này thì cá nhân được cấp cũng bị kiểm điểm.
"Về việc công an vay tiền, trước mắt là động viên anh em trả nợ, không có điều kiện trả thì cho nghỉ để kiếm tiền trả. Khi động viên không được và anh em không chịu trả thì xử lý kỷ luật", người đứng đầu Công an Trà Vinh nói.
Vi phạm nhưng không đến mức phải ra khỏi ngành
Theo đại tá Việt, những trường hợp dùng thẻ ngành vay tiền trước đây bị kỷ luật nhưng không đến mức phải tước danh hiệu công an nhân dân. Trường hợp này tùy mức độ vi phạm mà tổ chức xem xét kỷ luật tương xứng với các mức khiển trách hay cảnh cáo.
Nhiều giấy chứng minh công an nhân dân được cảnh sát cầm cố để vay tiền. Ảnh: Việt Tường. |
Cùng quan điểm với lãnh đạo Công an Trà Vinh, thiếu tướng Bùi Bé Tư, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, cũng cho rằng Bộ Công an cấm lực lượng trong ngành dùng giấy chứng minh công an nhân dân để cầm cố, thế chấp. Vì đây là điều cấm nên cá nhân nào vi phạm thì tùy mức độ sẽ bị xử lý theo quy định nhưng không thuộc trường hợp phải buộc cho ra khỏi ngành.
Trò chuyện với Zing.vn, luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) cho biết giao dịch dân sự giữa cảnh sát dùng thẻ ngành vay tiền với chủ nợ rất khó xử lý hình sự. Nếu bên vay không chịu trả nợ thì anh Phi kiện ra tòa.
Công an thị xã Duyên Hải. Ảnh: Việt Tường. |
"Trong trường hợp người vay tiền bỏ trốn thì lúc đó có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo hướng Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", luật sư Đức nêu quan điểm.
Theo đơn tố cáo của anh Phi (tên các nhân vật đã thay đổi, ngụ phường 1, thị xã Duyên Hải), hai trung úy là Nguyễn (cảnh sát giao thông) và Huỳnh (cảnh sát hình sự) vay của anh tổng cộng 756 triệu đồng vào tháng 12/2017 và tháng 2/2018. Hai cảnh sát này viết biên nhận, ghi mục đích vay vốn là "đảo nợ vay ngân hàng", 2 ngày sau đó sẽ trả vốn. Do nhiều lần đòi tiền nhưng hai trung úy bội tín, anh Phi làm đơn tố giác anh Nguyễn và Huỳnh. Trò chuyện với phóng viên, hai trung úy thừa nhận đang nợ tiền anh Phi và chưa tìm được nguồn để trả. Không chỉ thẻ ngành, một số cảnh sát ở Trà Vinh còn "cắm" thẻ Đảng viên để vay tiền. |
|
Tác giả: Việt Tường
Nguồn tin: zing.vn