Kinh tế

Cảnh giác với bẫy “tín dụng đen” kiểu mới

Tin vào những lời rao hấp dẫn như: “Mua lại hàng trả góp giá cao”; “Cho vay không cần thế chấp”…không ít sinh viên, công chức thiếu hiểu biết, thiếu tỉnh táo… đã và đang trở thành “chúa chổm” chỉ trong một thời gian ngắn. Người dân cần hết sức cảnh giác với cái bẫy tín dụng đen kiểu mới.

1. Hoàng Dương (quê Thái Bình, sinh viên năm thứ hai trường ĐH GTVT) vốn được bạn bè biết đến là “con mọt sách”. Sau gần hai năm ra thủ đô học, bỗng nhiên một ngày gia đình cậu tá hỏa khi phải “đón tiếp” một đám “đầu trâu mặt ngựa” về tận nhà đòi tiền. Tất cả giấy vay nợ đều có chữ ký “tươi” của cậu con giai yêu quý. Liên lạc suốt nhiều ngày không thấy Dương đâu, bà mẹ khóc hết nước mắt vì nghĩ con bị… thủ tiêu. Té ra, cậu chàng đã trốn biệt vào nhà người bác ở TP HCM. Sau khi bán lứa lợn cùng mấy con bò mới đủ trả hết nợ, ông phải bắt xe vào tận TP HCM động viên mãi Dương mới dám về.

Hóa ra, chỉ vì trót làm mất chiếc xe đạp điện của bạn mà Dương đã sa vào cái bẫy của “tín dụng đen”. Dương kể lại câu chuyện mà vẫn còn run run.

Khoảng cuối năm 2015, Dương mượn xe đạp điện của một người bạn cùng lớp đi mua sách. Lúc quay ra thì tá hỏa khi không thấy xe đâu. Lần đầu tiên bị mất một món đồ giá trị đến thế, Dương bỏ học mất nhiều ngày. Rồi Dương được một người bạn cùng khu trọ chỉ cho cách vay tiền “tươi” rất nhanh. Đó là ra một siêu thị điện máy mua trả góp một sản phẩm. Chỉ cần hoàn thành thủ tục là sẽ có bên công ty tài chính mua lại, Dương sẽ có một khoản để cầm về.

Người bạn cũng tính hộ luôn, mua một chiếc điện thoại iPhone 6 (được trả góp 0% vì đang trong đợt khuyến mại) với giá 24 triệu đồng. Làm xong thủ tục, chiếc điện thoại này sẽ được mua lại ngay với 80% giá trị (khoảng 19 triệu đồng), Dương phải trả trước cho siêu thị 30% (khoảng 7 triệu đồng). Vậy là Dương cầm về 12 triệu đồng, mỗi tháng Dương phải trả cho ngân hàng khoảng 3 triệu đồng. Để có tiền trả Dương sẽ trích từ tiền bố mẹ gửi cho, và sẽ đi làm thêm. Vậy là có thể giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng.

Cầm về 12 triệu đồng Dương lập tức mua trả bạn chiếc xe mới và thở phào nhẹ nhõm. Nhưng có ai ngờ được rằng đây lại là khởi đầu cho bi kịch với cậu sinh viên còn quá “non và xanh”.

Để trả nợ tiền mua điện thoại Dương đã phải “bóp mồm bóp miệng” ăn mì tôm cả tháng. Nhưng cũng chỉ được một tháng đầu, đến tháng thứ hai Dương đã phải đi vay mượn tứ tung. Cậu cũng mò đi nhiều nơi xin việc, song còng lưng làm cả tháng mà bị quỵt mất tiền lương. Đến ngày thanh lý hợp đồng Dương lại phải đi “xoay” khắp nơi để trả cho ngân hàng.


Nở rộ các trang rao vặt, fanpage mua lại hàng trả góp.

Xử lý xong món nợ mua điện thoại, nhưng tổng số tiền Dương vay mọi người vẫn lên tới 20 triệu đồng. Đây có thể nói là số nợ “khổng lồ” mà Dương không biết trả như thế nào. Bạn xóm trọ tiếp tục “tư vấn” cho Dương vay từ chính người đã mua lại chiếc điện thoại trả góp 6 tháng trước, với lãi suất mỗi ngày 3.000 đồng/1 triệu đồng. Dương nhẩm tính vay 20 triệu, mỗi ngày trả lãi 60 ngàn đồng, thấy có vẻ cũng... không cao lắm nên gật đầu đồng ý.

Nhưng Dương vẫn tiếp tục nhầm, vì tiếng là cho vay 20 triệu, song chủ nợ đã “cắt” luôn 20%, chỉ còn lại 16 triệu đồng. Mỗi tháng Dương phải trả cả gốc lẫn lãi lên tới gần 6 triệu đồng. Cứ chậm trả tháng nào thì tiền gốc, lãi sẽ bị “chồng” tiếp lên món nợ mới, với lãi suất cao gấp nhiều lần. Và cho đến cuối năm thứ hai đại học, số nợ của Dương đã lên tới cả trăm triệu đồng.

Tương tự như Dương, Hoàn (sinh viên trường Đại học Quốc gia HN) có nhu cầu vay 5 triệu đồng để mua một chiếc điện thoại di động tặng bạn gái. Liên lạc với nguồn vay tín dụng trên mạng, Hoàn được họ hướng dẫn đi mua trả góp một chiếc tivi với giá 12 triệu đồng, họ sẽ mua lại ngay với 80-85% giá trị.

Khi hồ sơ được duyệt, nhân viên tín dụng chuyển cho Hoàn 3,6 triệu đồng để trả cho siêu thị, số còn lại sẽ được chuyển khi nhận máy. Thế nhưng sau khi mang hàng về, nhân viên tín dụng trở mặt hạ thấp giá, với nhiều lý do, máy cũ, ít người “chuộng” nên khó bán, chỉ đồng ý mua lại với giá 70% so với giá trị mua hàng, Hoàn từ chối thì bị gã nhân viên này dằn mặt, đòi lại số tiền đã ứng trước khi mua máy. Hoàn buộc phải bán rẻ chiếc tivi, cầm về hơn 4,8 triệu đồng. Tính nhanh để vay được 4,8 triệu đồng mà Hoàn phải trả góp 1,5 triệu đồng/tháng trong vòng 9 tháng.

2. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoảng 1 năm trở lại đây hình thức mua lại hàng trả góp dường như được dịp bùng nổ. Hàng loạt các diễn đàn mua bán, các fanpage trên mạng xã hội facebook đều xuất hiện những lời rao về hình thức “kinh doanh” mới mẻ này.

Trên diễn đàn tinh..., thành viên tuana... rao: “Chỉ cần làm thủ tục trả góp ở bất kỳ cửa hàng điện thoại di động có hỗ trợ trả góp rồi bán lại cho mình với giá chiết khấu cực tốt. Các bạn vừa có được số tiền lớn mà không phải thế chấp tài sản hay bất cứ một giấy tờ gì. Chỉ cần nhắn tin hoặc “nháy” máy tôi sẽ gọi lại để tư vấn”. Tuana… còn cho biết sẽ cắt “hoa hồng” cho bất kỳ ai giới thiệu khách cho anh ta.

Trên trang “Thu mua… trả góp” cũng rất sôi động với những lời trao đổi của hàng ngàn thành viên với admin (người điều hành). Admin cho biết sẽ thu mua lại từ 80-82% giá trị của bất kỳ một mặt hàng mua trả góp nào. “Hợp đồng được duyệt là có tiền tươi ngay” – anh ta nhấn mạnh.

Với vai là một sinh viên cần tiền, tôi liên lạc vào số điện thoại 0946.826xxx. Chỉ sau 2 giây đã có người bắt máy. Cậu ta xưng là Cường, một trong số các admin của page. Tôi trình bày cần 30 triệu để lo công việc, có đủ CMND, thẻ SV, biên lai nộp học phí… Cường cho biết để có thể giải ngân được 30 triệu thì tôi phải ra các siêu thị điện máy mua trả góp 2 chiếc điện thoại để có được tổng số tiền là 40 triệu. Cường sẽ thu mua lại 80% giá trị của chúng, và tôi sẽ được nhận 32 triệu đồng. Dĩ nhiên, nghĩa vụ trả góp cho ngân hàng tôi vẫn phải gánh.

Lấy lý do là cần phải suy nghĩ, tôi bảo sáng hôm sau sẽ liên lạc lại. Cường vẫn còn vớt vát: “Nếu anh thực sự có nhu cầu thì bên em sẽ mua lại với 82% giá trị. Chỉ cần anh làm xong thủ tục mua trả góp rồi gọi cho em, em sẽ mang tiền đến tận nơi”.


Đối tượng Bùi Ngọc Dương từng dùng rìu đe dọa người thân để đòi tiền trả tín dụng đen.

Qua các mối quan hệ, chúng tôi gặp Hà – nhân viên một cửa hàng bán điện thoại di động, và cũng từng là “cò” cho một “công ty tài chính”. Hà cho biết từ khi có hình thức mua lại hàng trả góp thì “công ty” của Hà lập tức đẩy mạnh. Hà phân tích, dù không phải là được ăn cả 20% tổng giá trị món hàng, nhưng vì hàng còn mới nguyên, chưa bóc tem nên nhiều người sẵn sàng trả từ 90-95%. Như vậy là mỗi món đồ sẽ “ăn” được 10-15%. “Món” này vừa thanh khoản nhanh, lại chủ động quay vòng vốn.

Ngoài ra, hình thức này cũng khiến công ty có thể kiếm được nhiều con “cá sộp” thường là những kẻ “sĩ diện”, thay hàng hiệu như thay áo hay đám cờ bạc khát nước.

Hà kể, “công ty” nơi anh ta đang làm từng cho một tay công chức ở một Sở vay đến nửa tỷ đồng. Q. vốn thuộc dạng nhà có điều kiện, tuy chỉ là công chức lèm nhèm lương tháng vài triệu nhưng lúc nào cũng tỏ ra sành điệu. Q. thường xuyên đi bar, xài đồ hiệu nên rất “khát” tiền mặt. Tháng 12 năm ngoái, Q. đã mua trả góp một lúc gần chục chiếc điện thoại di động trả góp ở nhiều siêu thị khác nhau và đều bán lại cho công ty của Hà.

Đến ngày ngân hàng “nã” tiền, Q. không lấy đâu ra đành năn nỉ Hà cho “vay nóng” gần 100 triệu, lãi ngày 5.000 đồng/triệu. Mấy tháng sau Q. vẫn chưa có tiền trả, lãi ngày vọt lên 10 ngàn, rồi 12 ngàn đồng/triệu/ngày. Đến khi số nợ lên đến nửa tỷ thì công ty không cho Q. vay nữa mà cử một đội “xăm trổ” đến nhà Q. nằm “ăn vạ” kỳ đến khi bố mẹ Q. trả hết tiền mới thôi.

Nhưng Q. chưa là gì so với Tân, sinh viên trường Cao đẳng M. Vốn có máu cờ bạc từ bé, Tân lê lết mãi mới lên được bậc cao đẳng. Vừa nhập học được ít ngày, Tân đã vứt uỵch cho “ông bà bô” cục nợ gần trăm triệu. Chủ nợ đe dọa nếu không trả sẽ thông báo cho nhà trường. Và để cho Tân lấy được cái bằng thì hai vị phụ huynh phải cắn răng trả thay cho “ông con giời đánh”.


Nhan nhản các đường dây tín dụng đen dưới vỏ bọc “hỗ trợ tài chính”.

Trước đây, Tân muốn vay không thế chấp thường phải vay dưới hình thức làm hợp đồng mua xe máy của “công ty”, và phải trả hết món này mới được vay món khác. Tuy nhiên, khi mà việc thu mua sản phẩm trả góp được chấp nhận thì một lúc Tân có thể cầm hàng trăm triệu đồng tiền mặt để tha hồ đi “rải lô, đề, bóng bánh”.

Đến tháng mà chưa có tiền trả gốc và lãi cho ngân hàng, Tân lại mua tiếp một sản phẩm khác, bán cho công ty của Hà để lấy tiền đập vào. Cho đến khi các cửa hàng điện thoại, siêu thị điện máy không ai chịu cho Tân mua hàng trả góp nữa, Tân đành phải quay ra “vay nóng” của công ty tài chính.

Lúc này, Tân phải chấp nhận vay với lãi suất từ 10 - 15%/ngày, đồng thời còn phải vay thêm một khoản tiền tương ứng với lãi trả trước kỳ tới. Trong vòng một tháng nếu không trả được cả gốc lẫn lãi, khoản nợ có thể được gia hạn, nhưng lúc này lãi suất sẽ lên đến 25%/ngày. Chỉ sau nửa năm, Tân đã lâm vào tình trạng nợ ngập đầu ngập cổ. Cậu ta phải bỏ học, trốn biệt lên nhà người quen tận trong Lâm Đồng…

Con trai dọa đốt nhà bố mẹ vì tín dụng đen

Tháng 10-2015, tại một nhà nghỉ tư nhân tại phường Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội) xảy ra một vụ gây rối trật tự công cộng, mà nguyên nhân là do tín dụng đen.

Trưa ngày 13-10 người dân hoảng hồn khi thấy Bùi Ngọc Dương (SN 1978, trú tại tổ 16, phường Giáp Bát) cầm rìu định hành hung người thân trong nhà. Sự việc được báo lên Cơ quan công an. Thấy lực lượng chức năng đến, Dương xếp một hàng dài xe máy ở phía trước rồi múa rìu, chửi bới, thách đố lực lượng làm nhiệm vụ. Sau nhiều giờ vận động thuyết phục, Dương chẳng những không nghe mà còn lấy rìu chém bị thương một chiến sĩ công an.

Trước sự manh động của Dương, lãnh đạo Công an quận Hoàng Mai đã lên phương án cho trinh sát tiếp cận và bắt giữ được đối tượng đưa về trụ sở cơ quan điều tra để đấu tranh. Quá trình điều tra, Cơ quan công an xác định, do ham mê cờ bạc, Dương nợ các đối tượng xã hội khoảng 650 triệu đồng tín dụng đen. Do bị thúc ép, Dương yêu cầu bố mẹ phải đưa sổ đỏ nhà nghỉ của gia đình để thế chấp vay tiền ngân hàng nhưng bố mẹ và những người thân trong gia đình không đồng ý.

Chiều ngày 12-10, Dương mua 5 lít xăng về nhà nghỉ rồi châm lửa đốt tại khu vực quầy bar của nhà nghỉ, nhằm đe dọa, ép bố mẹ phải đưa sổ đỏ nhưng không được. Đến trưa ngày 13-10, Dương tiếp tục dùng rìu khống chế bố mẹ để đòi tiền...

Tác giả bài viết: Minh Tiến

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP