Pháp luật

Cảnh giác các chiêu lừa đảo thuê nhà trọ với tân sinh viên

Đến hẹn lại lên, mỗi mùa sinh viên về Thủ đô nhập học là lúc thị trường nhà trọ lại nóng hơn bao giờ hết. Đây cũng là dịp các đối tượng cò mồi tranh thủ “kiếm ăn” với các chiêu lừa đảo các sinh viên ngoại tỉnh và ngay cả người nhà chưa có kinh nghiệm.

Lừa tiền đặt cọc, đưa đến phòng trọ giá cao

Làm thế nào để tìm được phòng trọ yên tâm học tập với mức chi phí hợp lý, đảm bảo an ninh để trải qua 4 - 5 năm Đại học ở Thủ đô là mong muốn của các sinh viên ngoại tỉnh. Đặc biệt, với những sinh viên có hoàn cảnh kinh tế eo hẹp thì càng là nhu cầu cực kỳ bức thiết.

Để tìm được nhà trọ hợp lý, các tân sinh viên có nhiều phương án để lựa chọn. Với công nghệ phát triển như hiện tại, thay vì đi tìm trực tiếp, nhiều sinh viên có thể tìm thông tin qua các kênh online không mấy khó khăn. Tuy nhiên, nhiều sinh viên không có kinh nghiệm biết rằng, nhiều chủ nhà trọ online lại chính là các đối tượng chuyên môi giới để kiềm tiền thuê đi tìm nhà trọ.

Chia sẻ với Tiền Phong, Nguyễn Dũng, tân sinh viên trường Đại học Thuỷ lợi cho biết, do không có kinh nghiệm nên đã nhờ một đối tượng nhận là “chủ nhà trọ” khu vực Chùa Bộc đưa đi xem phòng.

Điều đáng nói là đến nơi thì căn phòng trọ định thuê ban đầu lại hoàn toàn không phải như đã trao đổi trước đó. Giá ban đầu thuê nhà trao đổi qua điện thoại với đối tượng nhận là “chủ nhà trọ” chỉ là 3 triệu đồng/ tháng chưa bao gồm điện nước. Trong đó 60.000 đồng tiền nước/ người, Internet miễn phí, miễn phí tiền gửi xe. Tuy nhiên, thực tế khi Dũng đến xem nhà mới “vỡ mộng” vì đối tượng mới báo vừa có người thuê mất chỉ vài giờ trước và giới thiệu sang một căn phòng khác có giá lên tới 5 triệu đồng/ tháng và phải đóng 3 tháng/ lần.

Nhiều đối tượng dùng thông tin của chú nhà đăng trên Internet để đi "rao hộ". Khi người thuê nhà đòi lại tiền thì đối tượng sẵn sàng tuyên bố theo dạng thách thức (!?)

Với giá phòng quá “chát” như vậy, Dũng và bạn ở trọ cùng không đủ sức “tải” nổi. Ngay lập tức, đối tượng liền gạ gẫm “xin” 400.000 đồng để tìm căn phòng khác cho bằng được theo đúng nhu cầu và khả năng của hai tân sinh viên ngoại tỉnh. Tuy nhiên, sau 3 ngày chờ đợi và phải đi ở nhờ nhà người quen để chờ tìm phòng, Dũng gọi điện nhiều lần cho đối tượng đã nhận tiền thì điện thoại phía đầu dây bên kia liên tục báo… không liên lạc được hoặc bấm điện thoại bận không nghe máy. Lúc này, Dũng mới biết mình đã bị lừa.

Những nạn nhân như Dũng lần đầu mới lên Hà Nội thực tế không phải ít. Những chiêu trò của các đối tượng lừa các tân sinh viên thậm chí còn rất tinh vi. Đơn cử như việc các đối tượng này còn sẵn sàng bỏ thời gian để đi dán các tờ rơi cho thuê phòng với chiêu bài “chính chủ, không môi giới” để tạo sự tin tưởng.

Khi đến địa chỉ ghi trên tờ rơi, các tân sinh viên thuê sẽ được giới thiệu những căn phòng đẹp, rộng, thoáng cùng hàng loạt yếu tố thuận lợi như giá rẻ, giá điện, giá nước mềm, chổ để xe an toàn… Thậm chí, có nơi còn miễn phí cả Internet. Tuy nhiên, khi khách đồng ý thuê phòng, các đối tượng này sẽ đưa cho hợp đồng yêu cầu khách đặt cọc với số tiền khá cao.

Không chỉ thế, các đối tượng này còn tỏ ra rất chuyên nghiệp với giấy nhận đặt cọc cùng các khoản thỏa thuận. Nhưng đến khi “nhập phòng” thì nhiều tân sinh viên mới tá hoả vì chủ nhà thực sự là… người khác hoặc phát sinh thêm hàng loạt các khoản chi phí phát sinh như tiền gửi xe, tiền mặt bằng, tiền điện nước.

Rất nhiều lời cảnh báo của những "người đi trước" chính là các sinh viên từng nếm mùi của các chủ nhà trọ không có tâm được đưa lên các diễn đàn để cảnh báo các tân sinh viên ở Hà Nội.

Trước những “yêu sách” phát sinh này, nhiều tân sinh viên không còn cách nào khác đành phải “bỏ của chạy lấy người”. Hoặc nếu cố đòi lại tiền đặt cọc sẽ bị đe doạ. Đất khách quê người nên nhiều tân sinh viên đành ngậm bồ hòn làm ngọt chấp nhận tiền mất tật mang.
Ngoài trường hợp đặt cọc sau khi coi phòng và bị lừa, một số đối tượng còn nói với khách thuê mình là chủ của nhiều nhà trọ cho thuê. Khách cứ đặt tiền cọc, họ sẽ ghi giấy biên nhận.

Mai Xuân Long, tân sinh viên trường Đại học Công nghiệp là một trong những nạn nhân của các đối tượng kiểu này. Qua môi giới, Long tìm được một căn phòng trọ có giá chỉ 2 triệu đồng/ tháng ở khu vực đường Văn Tiến Dũng. Đối tượng môi giới còn cho Long xem khá chi tiết về căn phòng với diện tích, ảnh chụp sẵn.

Yên tâm vì môi giới có địa chỉ rõ ràng và giấy tờ biên nhận tiền, Long yên tâm về quê chuẩn bị đồ lên nhận phòng. Tuy nhiên, khi Long xách vali đồ đạc và mang giấy đến các địa chỉ “rất cụ thể”… đã được báo trước đó để gặp người sắp xếp phòng mới ngã ngửa vì chủ nhà trả lời “không biết”. Quá bức xúc, Long quay lại đòi tiền cọc nơi giới thiệu thì nhận được câu trả lời vì đây là dịch vụ, nên đã đến nơi giới thiệu rồi thì phải trả phí, miễn trả lại.

Nhận diện những “chủ nhà trọ” lừa đảo

Thực tế, những thông tin trên tờ rơi nêu ra nhiều điểm thuận tiện để các tân sinh viên và người nhà có thể tham khảo để kiếm nhà trọ dễ dàng hơn thay vì phải lang thang các ngóc ngách. Tuy nhiên, bên cạnh đó là những chủ nhà trọ không có tâm lợi dụng kiếm tiền, bắt chẹt hay các đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo, bắt ép những sinh viên mới chân ướt chân ráo lên Hà Nội chưa biết gì.

Chính vì vậy, để tránh bị rơi vào bẫy của những đối tượng xấu, tốt nhất các tân sinh viên và người nhà nên nhờ người quen hoặc những sinh viên khoá trước giới thiệu.

Hoặc nếu tự đi tìm thì nên đến tận nơi để kiểm tra nhà trọ kỹ. Khi đồng ý thuê phòng thì nên kiểm tra những thông tin như có phải chính chủ nhà không, an ninh thế nào, giờ giấc đi về ra sao, tiền điện nước, sinh hoạt, internet, phí dịch vụ v.v… hàng tháng. Bên cạnh đó, có thể tham khảo các phòng thuê bên cạnh để nắm rõ hơn thông tin.

Đặc biệt, khi đặt bút ký hợp đồng thuê các căn hộ chung cư mini dành cho sinh viên phải chú ý đọc kỹ các điều khoản đôi khi chủ nhà cố tình làm lắt léo để sinh viên thuê nhà phải trả các khoản phí phát sinh và khi xảy ra phá vỡ hợp đồng thì giải quyết như thế nào để không bị lật lọng.

Tác giả: Trí Anh

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP