Theo kế hoạch ban đầu, siêu dự án dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2020. Dự án đã được cựu Tổng thống Ernest Bai Koroma phê duyệt hồi tháng 3 năm nay khi ông còn tại nhiệm.
Cựu Tổng thống Sierra Leone Ernest Bai Koroma (phải) được Chủ tịch Trung Quốc long trọng đón tiếp trong chuyến công du Bắc Kinh năm 2016. Ảnh: CNN |
Quyết định hủy được công bố đúng vào lúc cả Pakistan và Malaysia trong vài tháng trở lại đây cũng không còn mấy hào hứng với các khoản vay từ Trung Quốc dành cho những dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn của các nước này. Tuy nhiên, động thái của Sierra Leone đánh dấu lần đầu tiên một chính phủ ở châu Phi rút lại một thỏa thuận đã ký với Trung Quốc.
Truyền thông Sierra Leone cho đăng tải một bức thư của ông Kabineh Kallon, Bộ trưởng Giao thông và hàng không của nước này gửi giám đốc dự án, với nội dung có đoạn: "Sau khi xem xét một cách cẩn trọng và nghiêm túc, quan điểm của Chính phủ (Sierra Leone) là việc xúc tiến quá trình xây sân bay mới không kinh tế khi sân bay hiện có nhìn chung vẫn đang sử dụng được".
Trả lời phỏng vấn của hãng tin BBC, ông Kallon nói bản thân "có quyền ra quyết định tốt nhất cho đất nước của mình". Theo vị bộ trưởng này, thay vì xây mới, sân bay hiện tại sẽ được nâng cấp.
Hiện vẫn chưa rõ Chính phủ Sierra Leone có phải chịu bất kỳ khoản phạt tài chính nào liên quan đến việc hủy thỏa thuận với phía Trung Quốc hay không.
Theo Lina Benabdallah, phó giáo sư chuyên ngành chính trị học và các vấn đề quốc tế thuộc Đại học Wake Forest (Mỹ), thỏa thuận xây mới sân bay quốc tế Mamamah ở thị trấn Lungi, ngoại ô thủ đô Freetown đã gây tranh cãi nhiều năm qua, một phần do sự thiếu minh bạch về các điều khoản.
Tập đoàn đường sắt Trung Quốc số 7, một doanh nghiệp được Bắc Kinh hậu thuẫn và từng thực hiện nhiều dự án xây cầu cũng như đường cao tốc khắp châu Phi, đã trúng thầu xây sân bay Mamamah, với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank).
Phát biểu trước báo giới ngày 11/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng quả quyết, việc hủy dự án xây sân bay triệu đô không ám chỉ bất kỳ rạn nứt nào trong quan hệ giữa nước này với Trung Quốc. Quan chức này nói, trước khi bị hủy, dự án mới ở giai đoạn nghiên cứu, khảo sát.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát nhận định, tân Chính phủ Sierra Leone dường như đã nhận ra hậu quả nặng nề nếu họ lún sâu vào "bẫy nợ" của Bắc Kinh.
Sierra Leone hiện là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Phi. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá nước này đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nợ ở mức trung bình. Dưới thời cựu Tổng thống Koroma (lãnh đạo chính phủ từ tháng 9/2007 - 4/2018), Sierra Leone đã mắc nợ Trung Quốc 224 triệu USD, trong đó chỉ tính riêng năm 2016 là 161 triệu USD, theo thống kê của Sáng kiến Nghiên cứu châu Phi của Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu quốc tế nâng cao thuộc Đại học John Hopkins, Mỹ (FOCAC).
Tân Tổng thống Sierra Leone Julius Maada Bio bắt tay ông Tập tại Diễn đàn hợp tác Trung - Phi (FOCAC) diễn ra ở Bắc Kinh tháng 9/2018. Ảnh: CNN |
Tổng thống Julius Maada Bio lên nắm quyền sau các vòng bỏ phiếu đầy cam go ở Sierra Leone cách đây vài tháng. Kể từ đó, ông Bio đã tiến hành xét duyệt lại một số cam kết tài chính của tổng thống tiền nhiệm, kể cả thỏa thuận đã ký với Bắc Kinh. Quyết định của ông Bio có thể khiến Bắc Kinh tức giận, nhưng khiến Washington thở phào nhẹ nhõm.
Hồi tháng Tám vừa qua, 16 thượng nghị sĩ Mỹ đã gửi thư cảnh báo chính phủ nước này rằng, "hoạt động tài trợ cơ sở hạ tầng cắt cổ của Trung Quốc đang tạo ra những khoản nợ xấu ở các nước đang phát triển, buộc IMF phải ra tay giải cứu".
Các chính trị gia Mỹ tin, phần lớn những nước đang phát triển như Sierra Leone đang sa vào "bẫy nợ" của Trung Quốc, khi Bắc Kinh tỏ ra hào phóng nhằm thực hiện kế hoạch "Vành đai và Con đường" đầy tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình. Thông qua chương trình này, Bắc Kinh muốn xây dựng các hành lang thương mại nối liền Trung Quốc, châu Âu, châu Phi với phần còn lại của châu Á.
Chỉ tính riêng ở khu vực châu Phi, các nước đang nợ Trung Quốc tổng cộng khoảng 130 tỉ USD, chủ yếu do vay để đầu tư cho các dự án về giao thông, điện và khai khoáng. Tại Diễn đàn hợp tác Trung - Phi (FOCAC) năm nay, ông Tập công bố sẽ dành thêm các khoản viện trợ và tín dụng trị giá 60 tỉ USD nữa cho châu lục này.
Washington cáo buộc, Bắc Kinh có thể gây áp lực với những nước không thể hoàn trả nợ thông qua "các thỏa thuận chèn ép". Ví dụ như, năm 2010, Bắc Kinh đầu tư 1,5 tỉ USD vào một cảng ở Sri Lanka. Khi nước này mất khả năng trả nợ, nhà chức trách địa phương đã ký thỏa thuận cho một công ty quốc doanh Trung Quốc thuê và quản lý cơ sở này 99 năm.
Có một thực tế là, dù Tổng thống Sierra Leone có quay lưng, một số lãnh đạo châu Phi khác vẫn hoan hỉ đón nhận các khoản vay và viện trợ từ Trung Quốc. Tại phiên khai mạc FOCAC hồi tháng 9, chính Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã bày tỏ mong muốn Bắc Kinh tiếp tục mở rộng đầu tư tại châu lục, cũng như thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nhân Trung - Phi.
Tác giả: Tuấn Anh
Nguồn tin: Báo VietNamNet