Tin địa phương

Cần Thơ: Tính mạng của hành khách thả nổi theo những chuyến đò “4 không”

Đang vào mùa mưa lũ, nhưng những chuyến đò ngang "4 không" vẫn ngày đêm hoạt động tại Bến Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

Con đò ước chừng rộng khoảng 1,5m, dài 3-4m, người điều khiển phương tiện và hành khách đều không mặc áo phao, cứ thế tròng trành vượt qua sông Cần Thơ.

Nhiều năm qua, những chuyến đò “4 không” vẫn “thản nhiên” hoạt động tại khu vực bến Ninh Kiều (phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), mặc dù ngành chức năng đã nhiều lần chấn chỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Tính mạng của hành khách vẫn thả nổi theo những chuyến đò chứa nhiều ẩn họa.

Ẩn họa rình rập

Bến Ninh Kiều là công viên du lịch Trung tâm TP Cần Thơ, cạnh đó, 3 bến thủy nội địa gồm: Bến tàu khách và Du lịch Cần Thơ, Cảng du lịch Ninh Kiều 1, Cảng du lịch Ninh Kiều 2 được đầu tư xây dựng phục vụ cho nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa đi các tỉnh thành, khách du lịch tham quan Chợ Nổi Cái Răng, các điểm du lịch sinh thái.

Tuy nhiên, dọc theo Bến Ninh Kiều, ngoài các tàu cao tốc, du lịch ra vào tấp nập, còn tồn tại nhiều đò chèo có gắn máy đuôi tôm tự phát vận chuyển hành khách trên sông. Các phương tiện này đều không được đăng ký đăng kiểm, trên đò không được trang bị phao cứu sinh, người điều khiển phương tiện không bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn theo quy định.

Không chỉ đậu rải rác xung quanh khu vực Bến Ninh Kiều, để chờ đón khách, tại đường dẫn hành khách lên xuống nằm giữa Nhà khách số 2 và Bến phà Xóm Chài (Bến Ninh Kiều), hình thành hẳn một bến đò ngang “chui” với hơn 20 phương tiện hoạt động.

Mỗi ngày, những con đò này đưa đón hàng trăm người dân, học sinh qua lại từ phường Tân An và phường Hưng Phú (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) để làm việc, học hành và mưu sinh, bất chấp mối nguy hại mất ATGT đường thủy luôn rình rập.

Được biết, ngày 15/10 vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa, hàng hải năm 2020 TP Cần Thơ đã lập biên bản đình chỉ hoạt động của bến đò nói trên, đồng thời giao cho UBND phường Tân An quản lý.

Nhưng, ghi nhận thực tế của PV Báo Giao thông tại khu vực vào chiều 27/10, những chiếc đò “4 không” vẫn ngang nhiên đưa đón khách ngang sông. Con đò ước chừng rộng khoảng 1,5m, dài 3-4m, trên đò cả người điều khiển phương tiện và hành khách đều không mặc áo phao, cứ thế tròng trành vượt qua sông Cần Thơ rộng khoảng 700m.

Theo một chủ đò tiết lộ, chỉ cần một xuồng máy đuôi tôm hoặc đò chèo, ai cũng có thể hành nghề chở khách ngang sông.

“Nếu một khách đi thì trả công 5.000 đồng, nhiều khách thì trả từ 1.000-2.000đ, có xe đạp trả 2.000 đồng. Họ yêu cầu ghé đâu thì chúng tôi ghé đó.

Chạy từ 6h sáng đến 7h tối, trừ chi phí tôi lời được khoảng chừng 200.000 đồng. Làm nghề này nhàn hơn rất nhiều và tự do hơn so với việc đi làm hồ”, một chủ đò nói.

Ngoài việc đưa đón khách ngang sông, một số chủ đò còn kết hợp vận chuyển hành khách du lịch tham quan Chợ nổi Cái Răng với nhiều mức giá khác nhau.

Bến đò tự phát tại khu vực Nhà khách số 2

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trao đổi cùng PV Báo Giao thông, ông Phan Thanh Điền, Chủ tịch UBND phường Tân An cho biết, chủ các phương tiện này không phải là người của địa phương và bến đò tự phát tại khu vực Nhà khách số 2 không thuộc về quản lý của địa phương.

“Thực sự thì không có quản lý bởi bến tàu (đò ngang nhà khách số 2-PV) không được phép mở, không có quyết định nào thành lập bến bãi. Còn riêng người dân không phải ở phường Tân An mà ở phường Hưng Phú. Theo tôi nắm thông tin chỉ có khoảng trên dưới một chục chiếc. Không riêng gì tại khu vực Bến Ninh Kiều mà họ còn đưa khách xuống chợ Tân An…Điều này cũng rất là khó cho chúng tôi trong việc tuyên truyền và vận động”, ông Điền nói.

Dù ngành chức năng đã ra biên bản đình chỉ hoạt động, nhưng khi lực lượng chức năng đi khỏi, bến đò "chui" vẫn hoạt động như thường lệ.

Theo Chủ tịch UBND phường Tân An, đơn vị cũng đã nhiều lần phối hợp cùng UBND phường Hưng Phú mời các hộ dân lên để đối thoại, đồng thời tuyên truyền vận động họ chuyển đổi ngành nghề khác. Tuy nhiên, người dân nói rằng đây là nghề chính để mưu sinh, khi chuyển đổi thì không biết sinh sống bằng nghề gì. Do đó, những buổi đối thoại này đều không đạt được mục đích.

“Cuối năm 2016, phường quyết định đóng bến đó bằng cách rào hàng rào. Khi triển khai rào, bà con phản ứng quá dữ. Nên chúng tôi phải dừng lại và xin ý kiến của UBND quận.

Mới đây, đoàn liên ngành của thành phố xuống làm việc và đình chỉ bến đò. Dưới góc độ địa phương, chúng tôi cũng thực hiện nhưng thực sự là rất khó. Chúng tôi cũng đề nghị Phòng Cảnh sát đường thủy cùng hỗ trợ”, ông Phan Thanh Điền nói.

Còn theo Sở GTVT TP Cần Thơ, ngày 9/8/2019, Sở đã ban hành công văn về việc tổ chức triển khai thực hiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa.

Theo công văn, Sở GTVT TP Cần Thơ đề nghị Chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị, phòng kinh tế hạ tầng triển khai thực hiện đăng ký các loại hình phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người của tổ chức, cá nhân. Đồng thời, lãnh đạo địa phương chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường tổ chức quản lý đối với loại hình phương tiện này khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải đảm bảo điều kiện an toàn theo quy định.

Ngoài ra, Sở GTVT Cần Thơ còn cho biết, theo số liệu báo cáo năm 2018, trên địa bàn TP Cần Thơ có 134 đò chèo gắn máy đuôi tôm vận chuyển hành khách, nhưng chỉ có 10 phương tiện trên địa bàn quận Ninh Kiều là được đăng ký đăng kiểm, còn lại 118 phương tiện trên địa bàn quận Cái Răng. Trong số này có 86 phương tiện chưa đăng ký, 118 phương tiện chưa đăng kiểm, 79 người điều khiển phương tiện không có giấy phép chứng chỉ chuyên môn.

“Riêng số liệu năm 2020, Sở GTVT đã có văn bản ngày 19/8, đề nghị UBND các quận huyện báo cáo về. Hiện chúng tôi đang chờ để tổng hợp số liệu cụ thể”, đại diện Sở GTVT nói.

Chiều 27/10, trao đổi qua điện thoại với PV Báo Giao thông, ông Trần Tuấn Trình, Trưởng Phòng quản lý đô thị quận Cái Răng cho biết, việc đăng ký phương tiện thủy nội địa thô sơ có trọng tải toàn phần dưới một tấn hoặc có sức chở dưới 5 người hoạt động trên tuyến đường thủy nội địa của các tổ chức, cá nhân được TP giao về cho địa phương thực hiện từ năm 2019. Thống kê đến thời điểm hiện tại, có trên 20 phương tiện đến đăng ký, riêng số còn lại thì địa phương không nắm.

“Khi người dân có nhu cầu đến đây đăng ký phương tiện thì chúng tôi cấp giấy hoạt động còn vấn đề quản lý kiểm soát là thuộc về trách nhiệm Cảnh sát đường thủy”, ông Trình nói.

Tác giả: Lê An

Nguồn tin: atgt.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP