Người dân khai báo thông tin tại chốt kiểm soát dưới cầu Vàm Cống, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN |
Tuy nhiên, để nhanh chóng kiểm soát và khống chế dịch bệnh, sớm đưa thành phố Cần Thơ về trạng thái bình thường mới sau ngày 15/9, lãnh đạo thành phố cũng như các cơ quan chức năng, cả hệ thống chính trị xã hội và người dân đang tiếp tục hiện nghiêm Nghị quyết 86 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Tính đến 17 giờ ngày 31/8, trên địa bàn thành phố Cần Thơ có 4.123 ca F0. Số ca F0 trong những ngày gần đây đã giảm mạnh, dao động bình quân từ 15 đến 60 ca/ngày, trong đó chủ yếu các ca F0 mới phát hiện ở khu vực cách ly, phong tỏa và qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, xét nghiệm tại các cơ sở y tế, không phát hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng. Thành phố có 3.097 trường hợp đã được điều trị khỏi bệnh và số lượng này đang tăng nhanh mỗi ngày. Thành phố cũng ghi nhận 56 trường hợp tử vong do COVID-19.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID -19 thành phố Cần Thơ chiều 31/8, ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Cần Thơ cho biết, ngay khi có ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên vào ngày 8/7, thành phố đã khẩn trương chuyển trạng thái thực hiện giãn cách xã hội đối với các quận trung tâm, sau đó thực hiện giãn cách toàn thành phố và đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, truy vết. Với sự ủng hộ, đồng lòng của người dân, hàng ngàn ca F0 đã được bóc tách khỏi cộng đồng. Sau gần 50 ngày giãn cách, cuộc sống người dân ngày càng khó khăn, không thể kéo dài giãn cách.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo nghiên cứu, phân tích đầy đủ các yếu tố nguy cơ, mức độ rủi ro trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhằm chuẩn bị kỹ kế hoạch, lộ trình mở lại các địa bàn, lĩnh vực hoạt động sau thời gian thực hiện giãn cách đảm bảo an toàn, khả thi. Song song đó, tiếp tục thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội; đồng thời thần tốc xét nghiệm, tổ chức tiêm vaccine một cách khoa học, hiệu quả, đảm bảo không để người dân nào thiếu ăn, nhất là các gia đình khó khăn về kinh tế, đối tượng yếu thế.
Thành phố tạo điều kiện cho người dân tiếp cận y tế từ sớm, từ xa nhằm phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực ngay tại cơ sở; thực hiện sản xuất an toàn, hỗ trợ doanh nghiệp, không để đứt gãy chuỗi sản xuất đảm bảo cung ứng thông suốt, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phòng, chống dịch. Cần Thơ kịp thời đúc kết, rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình, biểu dương các điển hình tốt, xử lý những cá nhân, tập thể không thực hiện nghiêm các quy định, yêu cầu phòng, chống dịch.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ giao nhiệm vụ cho các chủ đầu tư và ban quản lý dự án có kế hoạch triển khai thi công các công trình xây dựng trọng điểm. Các sở, ngành phối hợp với doanh nghiệp xây dựng các phương án sản xuất an toàn, lộ trình mở dần hoạt động doanh nghiệp. Về lĩnh vực giáo dục, ngành chức năng quan tâm tiếp cận học sinh khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Sở Giao thông vận tải bàn bạc với doanh nghiệp vận tải thống nhất giải pháp quản lý tài xế và người đi cùng, đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch, ngăn nguồn lây từ bên ngoài xâm nhập vào thành phố...
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ cho biết: Theo đánh giá, thành phố Cần Thơ thuộc nhóm nguy cơ rất cao. Trong đó, quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy thuộc nhóm nguy cơ rất cao; quận Thốt Nốt, các huyện Cờ Đỏ, Phong Điền, Thới Lai thuộc nhóm nguy cơ cao; quận Cái Răng thuộc nhóm nguy cơ; quận Ô Môn và huyện Vĩnh Thạnh thuộc nhóm bình thường mới...
Từ ngày 26/8 - 30/8, các quận, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch xét nghiệm cộng đồng phù hợp với tình hình thực tế. Qua đó đã lấy mẫu ở 54.539 hộ dân với 129.834 người, phát hiện 31 ca F0 ngoài cộng đồng và 24 ca F0 ở khu phong tỏa. Đến nay, thành phố Cần Thơ đã tháo dỡ 204/295 khu vực, ấp, điểm phong tỏa.
Toàn thành phố có 1.031/1.090 doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, chiếm gần 95%; có 65.879 lao động trong tổng số 69.893 lao động đã tạm nghỉ việc, chiếm hơn 94%. Về công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, đến nay thành phố đã tiêm trên 260.000 liều, đạt 101% tổng số vacccine được phân bổ, tương ứng với 19% dân số được tiêm mũi 1 và 1% dân số đã được tiêm đầy đủ 2 mũi.
Ghi nhận từ thực tế, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến nay cơ bản đã được kiểm soát, số trường hợp mắc mới trong cộng đồng giảm trong thời gian gần đây. Tình hình dư luận ổn định, nhân dân đồng thuận với việc tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác quản lý các khu phong tỏa mặc dù được tăng cường, siết chặt nhưng vẫn còn phát hiện trường hợp dương tính mới. Một số khu cách ly chưa thực hiện đồng bộ việc lấy mẫu xét nghiệm, chậm gửi mẫu về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố để chạy PCR khẳng định kết quả. Công tác quản lý phương tiện vận tải hàng hóa trong thờ gian qua còn gặp một số khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc ùn tắc giao thông tại điểm giao nhận hàng hóa tập trung. Nhiều mặt hàng nông, thủy sản còn ùn ứ, khó tiêu thụ, giá cả sụt giảm mạnh gây khó khăn cho nông dân...
Theo ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương thành phố, tình hình cung ứng hàng hóa trong thời gian vừa qua trên địa bàn thành phố Cần Thơ nhìn chung ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Thời gian tới, Sở Công Thương thành phố sẽ phối hợp với các cơ quan đơn vị có liên quan tham mưu chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất như: Hỗ trợ về chính sách thuế, lãi suất ngân hàng, tiền điền... đối với các doanh nghiệp sản xuất và cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ có tính đặc thù trên địa bàn.
Các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch thực hiện các biện pháp cung ứng hàng hóa thiết yếu trong thời gian tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, thường xuyên theo dõi hoạt động của các đơn vị kinh doanh hàng hóa thiết yếu để đảm bảo nguồn cung, phục vụ người dân. Cùng với đó, các địa phương phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận như Viettel, Vietspost... để tổ chức bán hàng lưu động, thực hiện bán hàng ở không gian mở ngoài trời hạn chế lây nhiễm dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ" hoặc "vừa cách ly, vừa sản xuất" của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn...
Để tiếp tục kiểm soát và khống chế dịch bệnh, ngành Y tế đã kiến nghị với UBND thành phố sau khi kết thúc thực hiện đợt giãn cách xã hội lần thứ 2 vào 0 giờ ngày 8/9, thành phố Cần Thơ cần tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với các địa phương có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và nguy cơ. Riêng 2 địa phương là quận Ô Môn và huyện Vĩnh Thạnh sẽ thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15. Thành phố phấn đấu sau ngày 15/9, các địa phương trên địa bàn sẽ trở về trạng thái bình thường mới.
Tác giả: Ngọc Thiện
Nguồn tin: Báo Tin tức