Tin địa phương

Cần Thơ nâng cao giá trị nông sản và lợi nhuận cho nông dân

Kết thúc năm 2018, hầu hết các chỉ tiêu của ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ đều đạt và vượt kế hoạch, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống nông dân khu vực nông thôn tăng lên rõ nét.

cây lúa CT

Cây lúa vẫn dẫn đầu trong ngành nông nghiệp Cần Thơ. Ảnh minh họa: TTXVN

Có được kết quả trên là nhờ ngành nông nghiệp, nông dân và cộng đồng doanh nghiệp đã đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản xuất theo chuỗi để nâng cao giá trị nông sản và lợi nhuận cho nông dân.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết, năm 2018, tổng sản phẩm quốc nội (GRDP) khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản đạt 5.400 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2017. Giá trị sản xuất nông- lâm và thủy sản đạt 13.500 tỷ đồng vượt 4,1% kế hoạch; trong đó lĩnh vực trồng trọt tiếp tục giữa vị trí hàng đầu với giá trị sản xuất đạt khoảng 8.000 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, cây lúa vẫn dẫn đầu trong ngành trồng trọt với sản lượng đạt 1,4 triệu tấn, vượt 8,48% kế hoạch, thủy sản đứng thứ 2 với giá trị sản xuất đạt hơn 3.800 tỷ đồng. Kế đó là cá tra mang lại giá trị cao nhất trong ngành thủy sản với diện tích 750 ha, sản lượng 174.500 tấn, vượt 6,7% kế hoạch. giá trị sản xuất gần 3.000 tỷ đồng. Chăn nuôi đứng hàng thứ 3 chủ yếu là tổng đàn trâu bò 5.000 con, tổng đàn lợn là 130.100 con, khoảng 2 triệu con gia cầm với giá trị sản xuất đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Hiện tại, toàn thành phố Cần Thơ có 179 máy gặt đập liên hợp, 1.300 lò sấy đáp ứng yêu cầu gặt 98% diện tích lúa. Trên thực tế vào vụ mùa với cơ chế phối hợp liên vùng, khâu cắt đập đã được nông dân thực hiện cơ giới hóa hoàn toàn 100% diện tích. Toàn thành phố cũng đã xây dựng được 106 cánh đồng lớn với tổng diện tích 25.417 ha với hơn 18.000 hộ nông dân tham gia.

Ngoài ra, các giống lúa chất lượng cao như Jasmine 85 chủ yếu được sản xuất trong vụ Đông Xuân với diện tích chiếm 65%. Các giống OM tập trung sản xuất trong vụ Hè Thu và vụ Thu Đông với diện tích chiếm 63%. Giống lúa Đài Thơm 8 được nông dân bắt đầu trồng nhiều trong vụ Đông Xuân 2018-2019 này với diện tích khoảng 8,5%...

Hơn nữa, xu hướng sản xuất cũng theo quy mô lớn, chuỗi giá trị tiếp tục được nông dân nhân rộng, sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn tiếp tục phát triển. Việc xây dựng các giống lúa đặc sản chất lượng cao bằng các giống lúa thơm tăng lên; ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất và công nghệ sau thu hoạch được đẩy mạnh. Các yếu tố trên đã cùng với giá cả nông sản trong năm 2018 ở mức cao đã giúp cho nông dân trồng lúa của Cần Thơ đạt lợi nhuận trên 40%.

Đối với cây ăn trái, diện tích sản xuất năm 2018 là 18.436 ha, sản lượng thu hoạch đạt 111.500 tấn, vượt 13,2% kế hoạch. Đến nay, thành phố đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể cho cam xoàn, nhãn Ido ở phường Thới An, quận Ô Môn, dâu Hạ Châu ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền.

Ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ đã triển khai kế hoạch xây dựng vùng sản xuất vú sữa, xoài, nhãn Ido theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời hỗ trợ kỹ thuật bao trái vú sữa và liên hệ làm cầu nối giữa công ty với các tổ hợp tác, hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Cụ thể, ngành nông nghiệp đã làm cầu nối cho Công ty TNHH xuất khẩu trái cây Chánh Thu bao tiêu trái vú sữa với câu lạc bộ trồng vú sữa ở ấp Tân Hưng, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, bao tiêu trái xoài với Hợp tác xã xoài Lộc Hưng của xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ và làm cầu nối cho Công ty TNHH sản xuất chế biến nông sản Cát Tường bao tiêu trái vú sữa với Hợp tác xã trồng cây ăn trái ấp Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Điền.

Mới đây, trái vú sữa của xã Trường Long, huyện Phong Điền đã được Công ty Cát Tường thu mua 4 tấn trái tươi để xuất khẩu sang thị trường Mỹ với giá thu mua đợt đầu là 40.000 đồng/kg, cao hơn giá bên ngoài từ 10.000 đồng đến 12.000 đồng/kg. Với giá cả nói trên, hầu hết bà con trồng vú sữa rất phấn khởi và quyết tâm thực hiện đúng các quy trình sản xuất như đã cam kết đồng thời nhanh chóng mở rộng diện tích trồng vú sữa theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo ông Trần Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Điền cho biết khi Công ty Cát Tường đến làm việc với các thành viên hợp tác xã để bàn về giá thu mua vú sữa thì diện tích bao tiêu vú sữa đã tăng lên 3 ha, sản lượng bao tiêu đạt khoảng 40 tấn, nông dân rất phấn khởi vì có được lợi nhuận cao, số lượng vú sữa được công ty bao tiêu thu mua rất ổn định.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết huyện cũng rất phấn khởi với việc trái vú sữa đã được xuất tươi sang thị trường Mỹ với giá khá cao đồng thời tiếp tục khuyến cáo nông dân đang trồng vú sữa trên địa bàn phải sản xuất đúng các quy trình của Công ty đưa ra để bán được sản phẩm giá cao phục vụ xuất khẩu....

Song song với việc phát triển các vườn cây ăn trái tập trung, chất lượng cao sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP... , thành phố Cần Thơ còn có nhiều mô hình trồng cây ăn trái kết hợp với phát triển du lịch sinh thái. Toàn thành phố hiện có 15 vườn cây ăn trái kết hợp với phát triển du lịch sinh thái mang lại lợi nhuận cao cho các chủ vườn từ 1,5 đến 2 lần; trong đó tập trung nhiều nhất ở huyện Phong Điền.

Về chăn nuôi, ngành nông nghiệp đã chú trọng hướng dẫn nông dân phát triển mô hình chăn nuôi trang trại, tập trung, an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường tạo ra sản phẩm chăn nuôi chất lượng phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Đến nay, toàn thành phố đã có 73 trang trại chăn nuôi gồm: 46 trang trại chăn nuôi heo, 22 trang trại chăn nuôi trâu bò, 5 trang trại nuôi gia cầm với quy mô lớn; trong đó có 13 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí trang trại theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cần Thơ giới thiệu nông sản tiêu biểu tại Hà Nội.Ảnh: Phương Anh-TTXVN

Về thủy sản, ngành nông nghiệp thành phố đã tập trung định hướng phát triển thủy sản theo hướng an toàn, bền vững đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường ngành đã tiếp tục đẩy mạnh triển khai các vùng nuôi thủy sản áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP..., nhằm cung cấp sản phẩm hàng hóa chất lượng cao cho tiêu dùng và xuất khẩu từ đó nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả sản xuất. Đến nay, diện tích nuôi thủy sản an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP đến nay đã đạt 215,5 ha.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trong thời gian qua.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, tình hình biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, mưa trái mùa và nắng nóng kéo dài, thời tiết thay đổi bất thường... đã ảnh hưởng lớn đến việc áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả.

Thêm vào đó, kinh tế tập thể tuy có bước phát triển nhưng chưa mạnh, chưa nhiều trong khi kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn phổ biến, đất đai manh mún còn nhiều, trình độ lao động ở khu vực nông thôn còn ở mức thấp. Thị trường tiêu thụ nông sản còn thiếu ổn định, chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm nông sản chưa cao, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là đầu tư vào chế biến nông sản thủy sản chưa nhiều chưa mạnh.

Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp nông thôn và nhất là trong ứng dụng công nghệ cao còn ít.... là những nguyên nhân chính dẫn đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật bị hạn chế, ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả sản xuất của nông dân.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Hè, năm 2019, ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà trọng tâm là định hướng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, lợi thế theo hướng quy mô tập trung tạo ra sản phẩm sạch chất lượng cao tạo ra giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Mặt khác, tiếp tục củng cố kiện toàn nâng chất các tổ hợp tác hợp tác xã nông nghiệp hiện có, xây dựng thêm các tổ hợp tác hợp tác xã mới chất lượng, tích cực làm cầu nối liên kết giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp trong việc đầu tư cho sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.

Cùng đó, đẩy mạnh nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất tổ chức các lớp bồi dưỡng đào tạo nghề cho nông dân thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tế của nông dân các địa phương và tích cực mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp bảo quản sau thu hoạch./.

Tác giả: Ngọc Thiện

Nguồn tin: bnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP