Tin địa phương

Cần Thơ: Kinh tế - xã hội tiếp tục duy trì ổn định trong 6 tháng đầu năm

Cục Thống kê TP. Cần Thơ vừa mới công bố các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội thành phố 6 tháng đầu năm 2024.

Báo cáo của Cục Thống kê Cần Thơ cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm của thành phố tiếp tục duy trì ổn định và đạt nhiều kết quả khả quan trên các lĩnh vực.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024, ước tính tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 4,68%, quý II tăng 6,74%). Mặc dù đây không phải là mức tăng trưởng cao nhưng là kết quả tích cực, đáng ghi nhận. Quy mô kinh tế TP. Cần Thơ 6 tháng đầu năm theo giá hiện hành ước đạt 65.392 tỷ đồng, tăng 10,18% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 8,63%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 31,46%; khu vực dịch vụ chiếm 53,35%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,56%.

Kinh tế - xã hội của TP. Cần Thơ tiếp tục duy trì ổn định trong 6 tháng đầu năm (Ảnh minh hoạ).


Tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế thực hiện đến ngày 20/6/2024 đạt 7.978,40 tỷ đồng, bằng 41,48% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 18,04% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt 5.400,14 tỷ đồng, bằng 44,53% so với dự toán HĐND thành phố giao, tăng 17,58% so với cùng kỳ; thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 143,35 tỷ đồng, bằng 45,08% so với dự toán HĐND thành phố giao, giảm 36,79% so với cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách địa phương lũy kế thực hiện đến ngày 20/6/2024 đạt 8.821,41 tỷ đồng, bằng 41,34% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 0,74% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 5.770,89 tỷ đồng, đạt 42,95% dự toán, giảm 0,12% so với cùng kỳ; chi thường xuyên 3.031,29 tỷ đồng, bằng 41,87% dự toán, tăng 8,81% so với cùng kỳ.

Về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2024, ước tính đạt 64.717,47 tỷ đồng, tăng 11,26% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 47.218,72 tỷ đồng, tăng 11,38% so với cùng kỳ; lưu trú, ăn uống ước đạt 8.201,93 tỷ đồng, tăng 11,20%; du lịch lữ hành ước đạt 296,78 tỷ đồng, tăng 53,53%; dịch vụ khác ước đạt 9.000,05 tỷ đồng, tăng 9,74% so cùng kỳ năm 2023.

Doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính, chuyển phát 6 tháng đầu năm 2024, ước đạt 3.433,19 tỷ đồng, tăng 13,08% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 894,08 tỷ đồng, tăng 1,21%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 1.813,77 tỷ đồng, tăng 13%; dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 594,93 tỷ đồng, tăng 34,07%; bưu chính, chuyển phát ước đạt 130,40 tỷ đồng, tăng 25,39% so cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố, nhiều nhóm hàng hóa và giá cả thị trường có phần sôi động, giá cả có thể biến động theo do nhu cầu tăng. Thị trường hàng hóa rất phong phú, đa dạng với nhiều mức giá từ đó người tiêu dùng rất dễ dàng để chọn mua cả trên trực tuyến và trực tiếp tại trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích và tại các chợ truyền thống.

Bình quân 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,63% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Có 9/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng gồm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (4,06%), đồ uống và thuốc lá (2,56%), nhà ở và vật liệu xây dựng (3,94%), thiết bị và đồ dùng gia đình (1,13%); thuốc và dịch vụ y tế (4,23%); giao thông (2,89%); giáo dục (6,39%); văn hóa, giải trí và du lịch (6,44%); hàng hóa và dịch vụ khác (10,36%). Và có 2/11 nhóm hàng có chỉ số giá giảm, gồm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,25% và bưu chính viễn thông giảm 1,65%.

Bình quân 6 tháng đầu năm chỉ số giá vàng tăng 25,35% và chỉ số giá Đô la Mỹ bình quân tăng 5,52% so với cùng kỳ.

Trong 6 tháng cuối năm, TP. Cần Thơ cần tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tích cực đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm cấp bách, xử lý ngay những điểm nghẽn, nút thắt chính trong hoạt động đầu tư công như công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng.

Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính nhằm đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là các dự án có nguồn vốn lớn, các dự án liên quan đến lĩnh vực sản xuất công nghiệp, hạ tầng thông tin, kỹ thuật số, dự án FDI, nhằm tạo bước đột phá, tạo sự thay đổi rõ rệt mang tính đột biến cho phát triển kinh tế.

Triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp kích cầu thương mại và dịch vụ, phát triển du lịch “miệt vườn”; đẩy mạnh xuất khẩu tại các thị trường truyền thống với sản phẩm đa dạng và tìm kiếm mở rộng các thị trường mới.

Tiếp tục theo dõi, dự báo nguồn cung - cầu hàng hóa; đặc biệt theo dõi diễn biến giá cả hàng hóa, giữ vững ổn định kinh tế, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ tốt các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn.

Và tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thuế, tích cực khai thác nguồn thu, đôn đốc thu nộp kịp thời đối với các khoản phải nộp. Tiết kiệm chi, cắt giảm chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi chưa thật sự cấp bách. Rà soát lại nguồn thu của từng khoản thu, sắc thuế trong từng giai đoạn phục hồi và phát triển và các chính sách miễn, giảm, gia hạn của Trung ương đang còn được áp dụng; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng và lĩnh vực sản xuất và các lĩnh vực ưu tiên.

Tác giả: Ngân Nga

Nguồn tin: Báo Công Thương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP