Tin địa phương

Cần Thơ hướng đến mục tiêu trở thành đầu tàu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Để thực hiện những mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.Cần Thơ lần thứ XIV và Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố đề ra, Cần Thơ xác định năm 2021 là năm cực kỳ quan trọng để tạo tiền đề bứt phá trong những năm tiếp theo.

Một góc đô thị trung tâm TP.Cần Thơ. Ảnh: Trần Lưu

Đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 7,5-8%/năm

Trong năm 2020, dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nhưng kinh tế Cần Thơ tiếp tục duy trì tăng trưởng dương, đạt mức 1,02% so với năm 2019 GRDP. Đây là cơ sở rất quan trọng để thành phố hướng đến hoàn thành các chỉ tiêu trong giai đoạn 2021-2025 để trở thành đầu tàu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo đó, giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2030, Cần Thơ đề ra 17 chỉ tiêu cần đạt được về kinh tế, xã hội trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tăng trưởng kinh tế đạt 7,5-8%/năm, gồm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5-3%/năm, công nghiệp và xây dựng tăng 9-9,5%/năm, dịch vụ tăng 7,5-8,1%/năm... GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 145-160 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân 10-12,5%/năm. Đến năm 2025, công nhận 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 8 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉ lệ đô thị hóa đạt 76%. Tỉ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn ở đô thị đạt 100%...

Để thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.Cần Thơ lần thứ XIV và Nghị quyết của HĐND thành phố, Cần Thơ xác định năm 2021 là năm cực kỳ quan trọng để tạo tiền đề bứt phá trong những năm tiếp theo.

Riêng trong năm 2021, thành phố đề ra 19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó có 8 chỉ tiêu về kinh tế, 6 chỉ tiêu về xã hội, 2 chỉ tiêu về môi trường, 2 chỉ tiêu về công tác xây dựng đảng và 1 chỉ tiêu về an ninh - quốc phòng. Nổi bật là phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt 7,57%; tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt 104 triệu đồng.

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, thành phố kịp thời bổ sung các chỉ tiêu mới: Tốc độ tăng năng suất lao động; tốc độ đổi mới công nghệ máy móc thiết bị, tổng sản phẩm công nghệ cao so với tổng giá trị sản phẩm, để tập trung nắm bắt cơ hội, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, bền vững của nền kinh tế.

Tập trung thực hiện 3 khâu đột phá

Để thực hiện những mục tiêu đề ra, Bí Thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho biết: Thành ủy Cần Thơ đã đề ra 21 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó lĩnh vực phát triển kinh tế có 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp; lĩnh vực văn hóa xã hội 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp; lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nội chính 4 nhiệm vụ, giải pháp và lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị có 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ - cho biết thêm: Giữa bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn; việc hoàn thành các chỉ tiêu đề ra cần có sự quyết liệt là tập trung cao độ các nguồn lực. Theo đó, thành phố tập trung thực hiện 3 khâu đột phá. Trong đó, khâu đột phá thứ nhất là phát triển nguồn nhân lực, thứ hai là việc huy động nguồn lực đầu tư vào hạ tầng kinh tế - xã hội và thứ ba là tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển khoa học công nghệ. Đặc biệt, thành phố triển khai ngay Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05.8.2020 về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo sự bứt phá mới của thành phố. Đây là cơ hội để thành phố rà soát lại quy hoạch, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, xác định lộ trình thực hiện, từ đó, huy động mọi nguồn lực thu hút đầu tư phát triển thành phố trong tương lai, nhất là việc đang từng bước trở thành trung tâm của vùng trên một số lĩnh vực.

Ngoài ra, thành phố tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính nhằm nâng cao các chỉ số: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (Par Index) và chỉ số sẵn sàng cho sự phát triển ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT Index). Trên cơ sở đó, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, loại bỏ rào cản bất hợp lý, khởi nghiệp và mở rộng sản xuất kinh doanh hiệu quả. Các chương trình xúc tiến đầu tư phải theo trọng tâm, trọng điểm, có những giải pháp mang tính chiến lược, tránh xây dựng các hoạt động riêng lẻ, không có kết nối và tầm nhìn, gây lãng phí cho ngân sách…

Tác giả: TRẦN LƯU

Nguồn tin: Báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP