Thu hút đầu tư trong và nước đều tăng
Từ năm 2020 và đầu năm 2021 đến nay, TP. Cần Thơ đã tiếp nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực đến tìm hiểu đầu tư. Trong 4 tháng đầu năm 2021, Cần Thơ đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 510 doanh nghiệp (DN) các loại hình, tổng vốn đăng ký 6.388 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm 2020, số DN đăng ký mới tăng 17,5% và số vốn đăng ký tăng 2,6 lần.
Thành phố Cần Thơ chú trọng hoàn thiện kết nối hạ tầng để thu hút đầu tư |
Bên cạnh đó, thành phố cũng cấp mới 1 dự án FDI (Nhà máy nhiệt điện Ô Môn, vốn Nhật Bản), vốn hơn 1,31 tỉ USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn TP. Cần Thơ có 85 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện gần 514 triệu USD, chiếm tỷ lệ khoảng 25% tổng vốn đăng ký.
Theo nhận định của nhiều DN đang hoạt động trên địa bàn thành phố, các chính sách hỗ trợ DN của thành phố đã tạo điều kiện rất lớn cho DN gia nhập thị trường và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Cùng với triển khai chủ trương chung của Chính phủ, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành quan tâm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển, thông qua cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đăng ký kinh doanh, thúc đẩy kết nối ngân hàng - DN, gỡ khó kịp thời cho DN. Song song đó, thành phố cũng điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận thông tin, phát triển dự án, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư.
Cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao hiệu quả xúc tiến
Theo tiến sĩ Huỳnh Văn Tùng - Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP. Cần Thơ - trong những năm qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh và cải cách hành chính đã thúc đẩy các khu vực kinh tế phát triển đa dạng, thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư cho sự phát triển.
Kết quả chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong 5 năm gần đây (2016- 2020) cho thấy Cần Thơ nằm trong nhóm khá, riêng năm 2019 xếp trong nhóm tốt. Năm 2020, điểm số và xếp hạng sụt nhẹ so với năm 2019, nhưng một số chỉ số thành phần có điểm số tăng nhẹ. Cụ thể PCI 2020: Chi phí thời gian đạt 8,43 điểm (PCI 2019 đạt 7,99 điểm), chi phí không chính thức 6,82 điểm (PCI 2019 đạt 6,57 điểm), cạnh tranh bình đẳng 8,3 điểm (PCI 2019 đạt 6,11 điểm), chi phí gia nhập thị trường 7,01 điểm (PCI 2019 đạt 6,51 điểm)…
Các chỉ số này phản ánh DN đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố đã cải thiện hơn. Do thời gian đăng ký kinh doanh, hoàn tất hồ sơ, thủ tục của DN được rút ngắn hơn, DN ít phải trả các chi phí không chính thức khi làm thủ tục hồ sơ, môi trường cạnh tranh cũng bình đẳng hơn giữa khối DN tư nhân và DN FDI…
Theo bà Nguyễn Thị Kiều Duyên - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và hội chợ triển lãm Cần Thơ, để thu hút những nhà đầu tư lớn, ngoài cải thiện môi trường đầu tư, thành phố tập trung phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng khu công nghiệp và hạ tầng giao thông. Tạo sự kết nối và tận dụng lợi thế của hành lang công nghiệp - đô thị với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng ÐBSCL, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để tận dụng mạng lưới sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Song song đó, việc Trung tâm logistics hạng II trên địa bàn thành phố cần được nhanh chóng hoàn thiện, giúp nhà đầu tư giảm áp lực chi phí vận chuyển hàng hóa. Trên lĩnh vực xúc tiến đầu tư, trung tâm đã nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường xu hướng và đối tác đầu tư, cập nhật đầy đủ các nội dung chi tiết về các dự án kêu gọi đầu tư, duy trì đăng ký tài khoản trên một số chuyên trang về pháp luật, chính sách, thủ tụch đầu tư để cập nhật dữ liệu cho nhà đầu tư.
Tập trung thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, Cần Thơ có tiềm lực phát triển công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, năng lượng, cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thành phố xây dựng chính sách ưu tiên thu hút đầu tư các lĩnh vực này, đồng thời sẽ hoàn thành sớm quy hoạch thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tác giả: Thanh Thanh
Nguồn tin: Báo Công thương