Tin địa phương

Cần Thơ gỡ "khâu yếu" trong thu hút đầu tư

Cần Thơ là trung tâm động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng việc thu hút đầu tư thời gian qua đang là một trong những điểm yếu của thành phố.

Cần Thơ là trung tâm động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ, việc thu hút đầu tư thời gian qua đang là một trong những điểm yếu của thành phố.

Theo UBND thành phố Cần Thơ, trong 6 tháng đầu năm, các khu công nghiệp, chế xuất đã thu hút thêm 3 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 4,17 triệu USD, điều chỉnh 3 dự án tăng vốn 4,91 triệu USD, thu hồi 2 dự án có nguồn vốn đầu tư trên 3 triệu USD.

Tính chung, các khu công nghiệp có 233 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 1.617 triệu USD, vốn thực hiện 1.001 triệu USD. Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu các doanh nghiệp đạt 776,59 triệu USD, đạt 53% kế hoạch và tăng 3% so với cùng kỳ.

Đối với các dự án FDI, trong 6 tháng đầu năm thành phố đã cấp chứng nhận đầu tư 1 dự án với nguồn vốn đầu tư 0,02 triệu USD, tăng vốn 1 dự án với 30,6 triệu USD, chấm dứt hoạt động 2 dự án vốn đầu tư 0,5 triệu USD.

Thành phố có 76 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 687,4 triệu USD, vốn thực hiện là 477,8 triệu USD.

Theo các chuyên gia kinh tế, Cần Thơ là thành phố trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng nguồn vốn thu hút đầu tư như trên là quá nhỏ bé, chưa xứng tầm.

Một góc thành phố Cần Thơ. Ảnh: TTXVN

Việc thu hút đầu tư, nhất là thu hút vốn FDI vào thành phố Cần Thơ đang rất thấp là do cơ sở hạ tầng kết nối giữa thành phố Cần Thơ với các vùng miền khác trên cả nước và khu vực còn chưa thông suốt.

Cần Thơ có cảng biển, có sân bay, là trung tâm giao thông thủy, bộ của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng chưa thông suốt và chưa phát huy tác dụng.

Cần Thơ có cảng biển (Tân cảng Cái Cui) nhưng cảng chưa đón được tàu có tải trọng lớn vào cảng. Sân bay quốc tế Cần Thơ nhưng chỉ mới kết nối được một số tuyến nội địa.

Thành phố cũng là trung tâm giao thông đường bộ của vùng nhưng chưa có đường cao tốc kết nối.... Hệ thống các cơ sở hạ tầng khác như các khu nghỉ dưỡng cao cấp, dịch vụ vui chơi giải trí cũng còn thiếu và yếu.

Mặt khác, thành phố Cần Thơ nằm ở trung tâm của vùng đất phù sa có nền đất yếu nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng tốn kém nhiều hơn các vùng miền khác.

Cần Thơ cũng còn thiếu nguồn lao động chất lượng cao, các ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển... là những rào cản đối với các doanh nghiệp FDI.

Để tháo gỡ khâu yếu này, thành phố Cần Thơ đã tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại ở trong và ngoài nước. Thành phố cũng đã chuẩn bị nguồn đất sạch tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi vào đầu tư trên địa bàn.

Các cơ quan chức năng cũng tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư để tạo cơ chế thông thoáng cho các nhà đầu tư.

Đặc biệt, hàng tháng, lãnh đạo thành phố và các sở ngành luôn gặp gỡ các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Điểm nhấn trong kêu gọi, thu hút đầu tư là thành phố Cần Thơ đã tập trung cho hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Cần Thơ và xem đây là động lực phát triển cho thành phố Cần Thơ và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống, đến nay, danh mục các dự án mời gọi đầu tư đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Trong 54 dự án kêu gọi đầu tư với tổng diện tích 4.780 ha, tổng nguồn vốn đầu tư gần 124.000 tỷ đồng thì đã có 44 dự án đầu tư theo hình thức đầu tư trực tiếp được các nhà đầu tư quan tâm với tổng diện tích 4.401 ha, tổng nguồn vốn đầu tư dự kiến trên 112.900 tỷ đồng.

Trong số 44 dự án đầu tư trực tiếp có 22 dự án có nhà đầu tư sẵn sàng triển khai ngay với diện tích trên 2.756 ha và tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 82.000 tỷ đồng… Đây là kết quả bước đầu rất đáng phấn khởi tại hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Cần Thơ năm 2018.

Đặc biệt, sẽ có nhiều dự án có quy mô lớn được khởi công và khánh thành như: khởi công dự án Tổ hợp Phân hiệu trường đại học FPT tại Cần Thơ với nguồn vốn đầu tư 1.170 tỷ đồng; khởi công Dự án Bệnh viện đa khoa Vinmec Cần Thơ với nguồn vốn 2.061 tỷ đồng...

Đồng thời, trao giấy chứng nhận cho các dự án với tổng nguồn vốn hàng nghìn tỷ đồng...

Những kết quả này cho thấy, bước đầu thành phố đã tháo gỡ được khâu yếu trong thu hút đầu tư thời gian qua.

Một số tập đoàn lớn trong và ngoài nước như Vingroup, FPT, FLC, Sao Mai... đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư vào thành phố Cần Thơ thông qua việc trao quyết định đầu tư hoặc ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư trong tháng 8 tới.

Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc, Nhật Bản... cũng rất quan tâm và thường xuyên tìm hiểu cơ hội đầu tư tại thành phố Cần Thơ, tạo động lực lớn cho thành phố và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển.

Tác giả: Ngọc Thiện

Nguồn tin: bnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP