Khu công nghiệp Trà Nóc, TP. Cần Thơ hiện thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. |
Mới đây, tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 202, ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân TP. Cần Thơ đã yêu cầu Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất TP. Cần Thơ (CEPIZA) thông tin cụ thể, rõ ràng sáu nội dung cần thiết mà nhà đầu tư quan tâm trong quá trình thu hút các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp.
Cương quyết đưa ra khỏi quy hoạch KCN kém hiệu quả
Sáu nội dung đó là: Công khai đầy đủ các thông tin về quy hoạch; các cơ chế chính sách gì hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư; công tác giải phóng mặt bằng; nguồn lao động tại Thành phố; việc sinh hoạt, ăn ở, làm việc của các nhà đầu tư; công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đây là những yếu tố căn bản quyết định việc nhà đầu tư có mạnh dạn đầu tư vào các khu công nghiệp hiện nay hay không.
Báo cáo của CEPIZA cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ thu hút được 4 dự án mới, tổng vốn đầu tư đăng ký 13,44 triệu USD; điều chỉnh 3 dự án tổng vốn đầu tư đăng ký tăng 1,71 triệu USD. Hiện tại các khu công nghiệp tại Cần Thơ có 256 dự án còn hiệu lực, thuê 393,5 ha đất công nghiệp, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,794 tỷ USD; vốn đầu tư đã thực hiện 1,160 tỷ USD, chiếm 64,67% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tổng doanh thu của các doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm 2022 là 1.155,94 triệu USD, đạt trên 55% so với kế hoạch năm 2022. Tính đến hết tháng 6/2022, tổng số lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp Cần Thơ là 43.497 lao động, tăng 7.622 lao động so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, tổng số lao động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 20.064 lao động…
"Cần Thơ nằm ở trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng. Cần Thơ cần phát huy logistics đường bộ vì đây là điểm mạnh của Cần Thơ. Cần Thơ cũng có thể trở thành một trung tâm trung chuyển nông - thủy - hải sản của đồng bằng sông Cửu Long", PGS. Nguyễn Chí Ngôn, Phó chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Cần Thơ nhận định.
Theo ông Võ Thanh Hùng, Trưởng ban CEPIZA, thời gian qua việc cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng phần mềm “một cửa điện tử” tại CEPIZA đã giúp giải quyết công việc nhanh gọn, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu, tiết kiệm được thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên vẫn tồn tại một số khó khăn, đơn cử như công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp chưa được thực hiện đồng bộ, chưa kịp thời đáp ứng cho việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp; một số doanh nghiệp chậm hoặc không triển khai dự án gây lãng phí nguồn đất sạch khu công nghiệp,...
TP. Cần Thơ hiện có tám khu công nghiệp tập trung, gồm: Khu công nghiệp Trà Nóc I (100 ha), Khu công nghiệp Trà Nóc II (11 ha), Khu công nghiệp Hưng Phú I (262 ha), Khu công nghiệp Hưng Phú II (212 ha), Khu công nghiệp Hưng Phú 2B (200 ha), Khu công nghiệp Ô Môn (600 ha), Khu công nghiệp Bắc Ô Môn (400 ha), Khu công nghiệp Thốt Nốt (600 ha); và một khu công nghệ cao (400 ha) và nhiều cụm công nghiệp như Cụm công nghiệp Cái Răng, Cụm công nghiệp Cờ Đỏ, Cụm công nghiệp Phong Điền.
Tính đến nay, các khu công nghiệp của Cần Thơ có 252 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 1,779 tỷ USD, vốn thực hiện 1,158 tỷ USD; trong đó, 225 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 1,370 tỷ USD; 26 dự án FDI tổng vốn đăng ký 378,84 triệu USD và một dự án ODA có vốn đầu tư 21,13 triệu USD.
Cơ chế đặc thù cho Cần Thơ và KCN Vsip - Vĩnh Thạnh
Vào trung tuần tháng 7/2022 vừa qua, Ủy ban nhân dân TP. Cần Thơ đã trình Chính phủ phê duyệt thông qua dự án khu công nghiệp quy mô 900 ha do Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) làm chủ đầu tư Khu công nghiệp VSIP – Vĩnh Thạnh.
Cần Thơ nằm ở trung tâm của vùng ĐBSCL có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng. Trong ảnh: Cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu. |
Theo ông Dương Tấn Hiển, dự án này được TP. Cần Thơ đánh giá là nguồn lực kêu gọi đầu tư, góp phần đóng góp lớn cho phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, và là một trong ba dự án quy mô lớn được địa phương tập trung nguồn lực triển khai.
CEPIZA cho biết thêm, dự kiến sau khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư khu công nghiệp VSIP - Vĩnh Thạnh giai đoạn 1 quy mô 293,7 ha, CEPIZA sẽ phối hợp cùng Uỷ ban nhân dân huyện Vĩnh Thạnh, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Cần Thơ, Công ty liên doanh VSIP triển khai chủ trương, chính sách liên quan đến khu công nghiệp Vĩnh Thạnh đến các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức ảnh hưởng dự án nhằm tranh thủ sự đồng thuận của người dân, giúp đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để triển khai dự án.
Trước đó, ngày 11/01/2022, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV, các Đại biểu Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ với 463/469 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 92,79%.
Theo nghị quyết này, TP. Cần Thơ được phép thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ và trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ.
Tác giả: Xuân Nghi
Nguồn tin: vneconomy.vn