Kinh tế

Cần Thơ đầu tư hệ thống logistics: Kết nối toàn vùng

Để góp phần duy trì đà tăng trưởng sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa, TP. Cần Thơ xác định tập trung thu hút đầu tư, phát triển hệ thống logistics để kết nối toàn vùng, tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu.

Phát triển logistics có ý nghĩa quan trọng trong xuất khẩu hàng hóa

6 tháng đầu năm nay, tổng mức hàng hóa bán lẻ và dịch vụ của TP. Cần Thơ đạt hơn 66.867 tỷ đồng, tăng 13,04% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu đạt giá trị kim ngạch hơn 1,120 tỷ USD, tăng 7,53% so với cùng kỳ, tập trung vào các sản phẩm may mặc, nông sản và nông sản thực phẩm chế biến… Trong sản xuất công nghiệp, TP. Cần Thơ cũng ghi nhận mức tăng trưởng khá với chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 6,52%; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,78%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,14%; cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải tăng 4,59% so với cùng kỳ năm trước...

Theo ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ, thời gian qua, cơ sở hạ tầng giao thông, công nghiệp và thương mại - dịch vụ trên địa bàn thành phố tiếp tục được đầu tư nâng cấp, phát triển. Doanh nghiệp (DN) và người dân được tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong sản xuất, kinh doanh. Công tác kiểm tra, quản lý thị trường được tăng cường, lưu thông hàng hóa bảo đảm thông suốt… Qua đó, đã tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực Công Thương, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của TP. Cần Thơ.

Dù vậy, việc phát triển ngành Công Thương tại thành phố vẫn còn gặp không ít trở ngại. Cụ thể, thu hút đầu tư còn hạn chế, quá trình thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng logistics, chợ đầu mối, chợ nông thôn và phát triển các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nhà máy chế biến nông thủy sản, trái cây… tại các quận, huyện còn chậm. "Thực tế cho thấy, thời gian qua, phần lớn các loại hàng hóa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải trung chuyển lên các cảng ở miền Đông Nam bộ để xuất khẩu, chi phí tăng thêm ít nhất khoảng 10 USD/tấn. Do vậy, với vai trò trung tâm động lực phát triển của vùng, Cần Thơ phải có hệ thống logistics phát triển xứng tầm để thu hút hàng từ các tỉnh về thành phố xuất khẩu trực tiếp đi các nơi"- ông Toại nhấn mạnh.

Theo đánh giá của nhiều DN, 3 thành tố quan trọng của logistics là vận tải lớn, hạ tầng bến bãi và dịch vụ hậu cần. Nếu giải quyết tốt được nút thắt về vận tải lớn, các khâu còn lại sẽ được thúc đẩy phát triển mạnh nhằm góp phần tích cực trong tăng trưởng thương mại hàng hóa cho Cần Thơ và toàn vùng ĐBSCL.

Để khắc phục hạn chế này, TP. Cần Thơ xác định tập trung phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực logistics, góp phần tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa cho thành phố nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung. Bên cạnh đó, để giữ vững tăng trưởng xuất khẩu, ngành Công Thương thành phố đang tích cực phối hợp với các sở, ngành triển khai các giải pháp nhằm thu hút nhiều DN đến Cần Thơ đầu tư. Đồng thời, quan tâm cải cách hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho DN về hồ sơ, thủ tục xuất khẩu. Tăng cường hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường, thông tin về hội nhập. Khuyến khích người dân, DN phát triển đa dạng các mặt hàng xuất khẩu, thực hiện đổi mới công nghệ và đầu tư cho chế biến sâu, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

TP. Cần Thơ đề ra mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu lên 2,2 tỷ USD trong năm 2019. Với sự nhạy bén nắm bắt cơ hội từ người dân, DN, sự hỗ trợ tích cực của ngành chức năng, Cần Thơ sẽ đưa xuất khẩu đạt mục tiêu mới.

Tác giả: Ngọc Thảo

Nguồn tin: Báo Công thương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP