Theo nhiều đại biểu, giảng viên phải là trung tâm của luật Giáo dục ĐH. Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội (QH), với luật Giáo dục ĐH, “nhân vật chính” phải là giảng viên (GV), mà các chức danh, ngạch bậc của đội ngũ này bị chi phối bởi luật Viên chức. Để đảm bảo tính đồng bộ giữa các bộ luật, trong luật Giáo dục ĐH rất cần những quy định, những tiêu chuẩn, điều kiện cho từng chức danh một. Tuy nhiên, ở luật hiện hành và dự thảo bổ sung, sửa đổi luật còn thiếu những nội dung này.
Bà Thúy Anh lưu ý: “Nhất là phải tính đến việc sau này khi chúng ta mở rộng quyền tự chủ hơn cho các trường ĐH, để theo thông lệ quốc tế, thì việc quy định các tiêu chuẩn, điều kiện liên quan tới chức danh này là càng cần thiết”.
Đại biểu Đỗ Văn Đương, Phó trưởng ban Dân nguyện QH, cũng nhấn mạnh: Một trong những vấn đề trọng tâm của luật này phải là GV. Không thầy đố mày làm nên! Thầy mà cơm chấm cơm, cơm chấm thóc, thì sản phẩm đầu ra không hiệu quả. Tiêu chuẩn cụ thể của GV phải được luật hóa.
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của QH, cho biết sau khi thẩm tra sơ bộ dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH, ủy ban này đã đề xuất Chính phủ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi một số vấn đề, trong đó có những quy định liên quan tới GV.
Theo ông Bình, cần xem xét bổ sung chính sách tuyển dụng theo hướng khách quan, công bằng và có yếu tố cạnh tranh; chính sách thăng tiến trong nghề, tạo bình đẳng giữa GV cơ sở giáo dục ĐH công lập và ngoài công lập; chính sách tạo điều kiện cho sự trao đổi GV trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Để tránh “hành chính hóa” đội ngũ GV, các trường công lập thì cần xem đội ngũ GV là bộ phận có tính đặc thù cao trong hệ thống viên chức, từ đó có chính sách riêng biệt và phù hợp. Nghiên cứu quy định giao quyền cho nhà trường trong việc tuyển chọn và bổ nhiệm GV vào các ngạch, bậc từ GV đến GV cấp cao (PGS, GS) theo các tiêu chuẩn cơ bản do Bộ GD-ĐT ban hành.
Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, chức danh giảng dạy, GS, PGS là vấn đề rất nóng, đã và đang được tranh cãi, bàn luận nhiều từ mấy năm nay. “Chúng tôi đang chỉ đạo Bộ GD-ĐT để tháng 3, tháng 4 này dự kiến trình (dự thảo quy định tiêu chuẩn chức danh GS, PGS - PV) lần cuối cùng, nếu được đồng thuận thì sẽ ban hành”, ông Đam nói.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH do ông Phan Thanh Bình trình bày tại phiên họp kiến nghị, ban soạn thảo nghiên cứu để có khái niệm về ngành đặc thù và có những quy định mang tính nguyên tắc về chương trình, phương pháp, thời gian đào tạo, văn bằng... đối với các lĩnh vực đào tạo đặc thù, mang tính thực hành cao (như y tế, nghệ thuật, thể thao), từ đó tạo hành lang pháp lý cho việc hướng dẫn và tổ chức thực hiện.
Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, cho rằng cũng đề xuất cần có quy định cho các ngành đặc thù trong luật Giáo dục ĐH. “Ngành y phải đào tạo 6 năm. Sau đó, theo luật Khám chữa bệnh phải đi thực tế, thực tập, thực hành tại một bệnh viện trong thời gian 1 năm rưỡi mới được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện khám chữa bệnh. Tới lúc ấy, tổng thời gian họ phải học tập, thực hành là 7 năm rưỡi nhưng mức lương họ nhận được chỉ bằng lương của những người học 4 năm”, ông Định nêu, đồng thời khẳng định, ngoài ngành y, nhiều ngành đặc thù khác cũng đang tồn tại những quy định bất hợp lý.
Cho ý kiến tại phiên thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, các chính sách của nhà nước với đào tạo ngành nghề đặc thù cần làm rõ. Nhiều ngành đặc thù rất cần thiết phải đào tạo. “Nhiều ngành nghề mà không có chính sách, không có chủ trương để khuyến khích thì sẽ không có người làm”, bà Ngân nói.
Chia sẻ về những băn khoăn này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, những vướng mắc như trong đào tạo các ngành đặc thù là một trong những lý do luật Giáo dục ĐH cần phải được sửa ngay.
Tác giả: Lê Hiệp - Quý Hiên
Nguồn tin: Báo Thanh niên