Giáo dục

Cần cải tiến mô hình kiểm định chất lượng giáo dục để tránh tiêu cực

"Hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục VN còn một số bất cập về cấu trúc, về tính cân bằng trong hệ thống văn bản ĐBCL bên trong và bên ngoài, năng lực đội ngũ kiểm định viên, biện pháp chế tài kiểm định, cơ chế tài chính, cạnh tranh không lành mạnh, gây hoài nghi đối với xã hội cần cấp thiết có giải pháp..."

Đó là ý kiến của nhóm nghiên cứu với các tác giả Nguyễn Quốc Chính, Nguyễn Hội Nghĩa, Hồ Đắc Hải Miên, Lã Hoài Tuấn, Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục – ĐH QG TP.HCM về Hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay.

Nhóm nghiên cứu nhận định, hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục được xây dựng trong các năm qua đã đạt được những tiến bộ đáng kể về hệ thống văn bản, góp phần cải thiện chất lượng đáng kể ở nhiều cơ sở giáo dục (CSGD) đại học.

Tuy nhiên, hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục VN còn một số bất cập về cấu trúc, về tính cân bằng trong hệ thống văn bản ĐBCL bên trong và bên ngoài, năng lực đội ngũ kiểm định viên, biện pháp chế tài kiểm định, cơ chế tài chính, cạnh tranh không lành mạnh, gây hoài nghi đối với xã hội cần cấp thiết có giải pháp.

Kiểm định chất lượng giáo dục Việt Nam đã bộc lộ nhiều bất cập

Được biết, Chính phủ chủ trương đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục đại học Việt Nam, đặc biệt thực hiện đối mới quản lý giáo dục, trong đó kiểm định chất lượng được sử dụng như một giải pháp quan trọng để khuyến khích các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng giáo dục, đạt các tiêu chuẩn chất lượng giáo dục trong nước và xếp hạng quốc tế.

Để thực hiện chủ trương trên, từ năm 2002, hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục tại Việt Nam được hình thành, khởi đầu bằng việc Bộ GD&ĐT thành lập Phòng kiểm định chất lượng đào tạo trong Vụ Đại học. Năm 2003, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (nay là Cục Quản lý chất lượng) được thành lập đánh dấu một bước tiến mới trong sự phát triển hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam. Năm 2005, kiểm định chất lượng giáo dục được đưa vào Luật Giáo dục. Năm 2010, Bộ GD&ĐT phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và TCCN giai đoạn 2011 – 2020.

Theo đó, từ năm 2013 – 2018 đã có 5 trung tâm kiểm định được thành lập, trong đó có 4 Trung tâm do Nhà nước thành lập và 01 trung tâm do tổ chức, cá nhân thành lập. Các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục chịu sự quản lý trực tiếp của cơ quan quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục là cục Quản lý chất lượng – Bộ GD&ĐT.

Trong 5 năm qua, các trung tâm kiểm định đã thực hiện triển khai công tác đánh giá ngoài và tiến hành công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cho 120 cơ sở giáo dục và 8 chương trình đào tạo.

Có thể nói, trong thời gian hoạt động công tác kiểm định chất lượng giáo dục về mặt hệ thống văn bản đã tương đối hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý ổn định và bền vững cho hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục. Theo đó, Hệ thống kiểm định chất lượng đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức về chất lượng của các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, Kiểm định chất lượng giáo dục đã giúp nhà nước, đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách có các thông tin về thực trạng giáo dục toàn quốc; người học có thông tin về chất lượng CSGD, là cơ sở cho việc lựa chọn trường học phù hợp…

Bộc lộ 6 thiếu…

Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu ĐH QG TP.HCM công tác kiểm định thời gian đã gặp rất nhiều bất cập với “6 thiếu”, cụ thể:

Thiếu cân bằng trong các chính sách đảm bảo chất lượng bên trong (IQA) và đánh giá chất lượng bên ngoài (EQA). Các văn bản quy định và hướng dẫn việc xây dựng và vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong của các CSGD vẫn chưa được ban hành.

Thiếu phù hợp khi sử dụng bộ tiêu chuẩn IQA cho các hoạt động EQA. Việc ban hành công văn 768/QLCL – KĐCLGD hướng dẫn đánh giá bộ tiêu chuẩn theo thông tư 12 và thông tư 04 phần nào thể hiện sự khiên cưỡng khi triển khai áp dụng các bộ tiêu chuẩn.

Thiếu biện pháp chế tài cho việc thực hiện EQA. Cụ thể: Thông tư 62 ban hành quy định và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học, cao đẳng và TCCN hoàn toàn không đề cập đến các biện pháp chế tài nếu một CSGD nào đó không tham gia kiểm định quốc gia hoặc không đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Trong thông tư 12 mới ban hành năm 2017, có quy định “CSGD tham gia kiểm định chất lượng nhưng chưa được công nhận tiêu chuẩn chất lượng bị hạn chế quyền tự chủ. Nếu liên tục 03 năm sau đó mà vẫn không thực hiện cải tiến chất lượng để được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng thì sẽ bị áp dụng chế tài hạn chế hoặc đình chỉ tuyển sinh”.

Các khái niệm “hạn chế quyền tự chủ”, “hạn chế hoặc đình chỉ tuyển sinh” thực tế chưa diễn ra và chưa rõ ràng với các biện pháp cụ thể. Chính vì vậy, vẫn còn khá nhiều CSGD trì hoãn công tác tự đánh giá và kiểm định.

Đặc biệt, sự thiếu thống nhất giữa 5 tổ chức kiểm định. Mặc dù các tổ chức kiểm định sử dụng chung một bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, cho đến nay, các tổ chức kiểm định hoạt động hoàn toàn độc lập và chưa thống nhất được các vấn đề lớn như tài chính, cơ cấu tổ chức, quy trình kiểm định. Việc không thống nhất có thể dẫn đến việc cùng một CSGD khi đăng ký kiểm ở hai tổ chức khác nhau có thể có kết quả khác nhau.

Ngoài ra, cơ chế cạnh tranh trong bối cảnh thiếu sự quản lý chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có thể dẫn đến các tiêu cực không mong muốn gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của công tác kiểm định chất lượng vốn đòi hỏi sự trong sạch, minh bạch và công bằng.

Bên cạnh đó, thiếu cơ chế tài chính thích hợp cho các trung tâm kiểm định. Việc ngưng cấp kinh phí sau 3 năm hoạt động nhằm tăng tính tự chủ các tổ chức kiểm định, có thể dẫn đến nguy cơ không đủ kinh phí để duy trì hoạt động của một trung tâm chất lượng. Để tồn tại, các trung tâm có thể tìm mọi cách cạnh tranh dẫn đến phát sinh tiêu cực.

Ngoài ra, thiếu đội ngũ kiểm định viên và đánh giá viên có kinh nghiệm và năng lực. Hiện tại, Cục Quản ý chất lượng đã cấp 346 thẻ kiểm định viên kiểm định chất lượng. Con số thống kê thực tế cho thấy, hiện chỉ có 70% kiểm định viên thực sự tham gia các hoạt động kiểm định. Với quy mô gần 300 CSGD và hơn 5000 chương trình đào tạo thì việc đạt được kế hoạch đánh giá tất cả các CSGD đại học và 10% số chương trình vào cuối năm 2020 là khó khả thi.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, nhiều bất cập trong việc thực hiện công tác kiểm định tại Việt Nam hiện nay xuất phát từ cấu trúc hệ thống không hợp lý.

Để giải quyết những bất cập và duy trì tối đa những điểm tiến bộ của hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục nước ta hiện nay thì cần nghiên cứu những mô hình kiểm định chất lượng giáo dục tiêu biểu, với các đặc điểm riêng, có ưu điểm và hạn chế đang được áp dụng ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới như Hoa Kỳ, Philippines, Thái Lan, Úc và có thể tìm ra giải pháp tốt cho mô hình kiểm định giáo dục VN.

Mô hình được đề xuất cho kiểm định chất lượng giáo dục Việt Nam

Chỉ nên có 1 mô hình kiểm định chất lượng giáo dục công lập duy nhất

Trên cơ sở phát hiện và phân tích các mô hình kiểm định của các nước trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới như Hoa Kỳ, Philippines, Thái Lan, Úc, nhóm nghiên cứu ĐH QG TP.HCM đã đề xuất những ý tưởng cải tiến cho hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục phù hợp với tình hình mới ở Việt Nam.

Theo đó, cần tái cấu trúc hệ thống theo mô hình một trung tâm kiểm định. Nhà nước nên thành lập 01 Trung tâm Đánh giá giáo dục quốc gia trực thuộc Chính phủ, là cơ quan ngang bộ, thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Thủ tướng trong việc đánh giá chất lượng hệ thống giáo dục. Trung tâm được điều hành và phân bổ ngân sách bởi Chính phủ.

Trung tâm có 4 nhiệm vụ chính là kiểm định chất lượng giáo dục, khảo sát và xây dựng hệ thống dữ liệu giáo dục quốc gia; xây dựng thang đo và xếp loại các CSGD; nghiên cứu khoa học và chuyển giao về lĩnh vực chất lượng giáo dục và một số nhiệm vụ liên quan khác…

Trung tâm có 03 chi nhánh ở 03 miền để phụ trách việc đánh giá các CSGD theo khu vực địa lý. Dữ liệu đánh giá sau khi xử lý được tập trung về Trung tâm để lưu trữ. Đối tượng đánh giá của trung tâm được mở rộng tối đa cho toàn hệ thống giáo dục từ các CSGD bậc đại học, cao đẳng, trung cấp kể cả hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đến giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Về cơ chế chính sách, nhóm nghiên cứu ĐH QG TP.HCM đề xuất nhanh chóng ban hành các chính sách liên quan đến việc xây dựng và phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong tại các CSGD đại học.

Xây dựng và triển khai kế hoạch dài hạn về đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam cho 20 năm tiếp theo, trong đó chia thành các giai đoạn 5 năm với mục đích khác nhau: Giai đoạn đầu tập trung vào mục đích hướng dẫn các CSGD xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, việc đánh giá ngoài thiên về xác định hiện trạng và khuyến nghị hướng dẫn hơn là đánh giá đạt chuẩn. Trong các giai đoạn sau sẽ tăng dần mức độ đánh giá đạt chuẩn.

Xây dựng các biện pháp chế tài cụ thể và chi tiết đối với các trường chưa hoặc không hoàn thành kiểm định.

Hoàn thiện quy định cấp thẻ kiểm định viên, xây dựng cơ chế đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực đã được cấp thẻ và thúc đẩy tham gia các hoạt động đánh giá ngoài.

Tác giả: Hồng Hạnh (ghi)

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP