Trong nước

Cán bộ dám nghĩ, dám làm: Ai bảo vệ?

Bộ Nội vụ vừa hoàn thành dự thảo nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Công chức UBND quận Tân Phú, TP.HCM giải quyết thủ tục hành chính - Ảnh: HỮU HẠNH

Việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung phải bảo đảm các nguyên tắc như ý tưởng, cách làm mới, mạnh dạn đột phá, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt... Nhưng cơ chế nào để bảo vệ cho họ. Đó là những vấn đề được đưa ra bàn tại hội thảo do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 24-3.

Có thể được miễn xử lý kỷ luật Đảng, pháp luật

Dự thảo cũng quy định bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá để đảm bảo về mặt pháp lý cho cán bộ mạnh dạn đề xuất. Cụ thể, cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung được áp dụng các biện pháp bảo vệ theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước.

Trường hợp cán bộ bị cản trở, gây khó khăn trong quá trình thực hiện đề xuất đã được cấp có thẩm quyền quyết định đồng ý thì tùy theo tính chất, mức độ, người gây cản trở, gây khó khăn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp cán bộ thực hiện đề xuất đã được cấp có thẩm quyền quyết định cho thực hiện, thực hiện thí điểm nhưng không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì được miễn xử lý trách nhiệm kỷ luật Đảng và xử lý trách nhiệm trước pháp luật khi thuộc một trong các trường hợp như: Cán bộ thực hiện đề xuất trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật dân sự.

Hay cán bộ bị cản trở, gây khó khăn trong quá trình thực hiện đề xuất. Cán bộ thực hiện đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt thực hiện đề xuất khi thấy có rủi ro, thiệt hại xảy ra hoặc có khả năng xảy ra thiệt hại.

Các trường hợp được bảo vệ nữa là cán bộ thực hiện đề xuất phải chấp hành quyết định của cấp trên sau khi đã báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt thực hiện đề xuất nhưng cấp có thẩm quyền vẫn quyết định tiếp tục thực hiện.

Cán bộ thực hiện đề xuất chấm dứt ngay việc thực hiện đề xuất khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền. Cán bộ được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi thực hiện đề xuất đã được phê duyệt và cán bộ thực hiện đề xuất đã qua đời.

Mặt khác, cán bộ nếu có hành vi lạm dụng đề xuất được phê duyệt để trục lợi, tham nhũng, tiêu cực, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại phải bồi thường.

Cán bộ dám đổi mới có được miễn tố?

Nêu ý kiến góp ý về dự thảo, giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa Trần Quốc Huy đề nghị cần quy định rõ cán bộ đột phá, dám nghĩ, dám làm nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật, thậm chí không được trái với đạo đức xã hội.

Ông Huy lý giải việc quy định như vậy nhằm tránh tình trạng vì lợi ích cục bộ của địa phương mà làm trái với lợi ích chung và tất cả phải trên cơ sở pháp luật là tối thượng, thống nhất trên toàn quốc.

Ông Huy cũng cho biết sau khi đọc dự thảo ông thấy mừng vì có được nghị định sẽ giúp địa phương dễ làm hơn. Theo ông Huy, địa phương cần biết rõ quy trình tiếp nhận sáng kiến, đột phá thế nào và cấp có thẩm quyền nào sẽ ban hành quyết định để đưa sáng kiến đó vào cuộc sống. Điều này giúp sau này nếu xảy ra vấn đề gì cán bộ sẽ được bảo vệ. Khi phát huy tốt sẽ khuyến khích, động viên được cán bộ.

Ông đề nghị nghị định cần quy định đảm bảo cho tất cả các cán bộ, công chức, người lao động trong hệ thống đều là đối tượng được khuyến khích, bảo vệ. "Hiện nay cán bộ đang rất áp lực bởi nếu làm sai sẽ bị xử lý và khi đó phải trả lời trước cơ quan chức năng như thanh tra, kiểm tra, điều tra thì rất khó", ông Huy nêu thêm.

Còn giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên Trịnh Hoàng Thắng lại nêu giả thiết: nếu trường hợp một cán bộ dám nghĩ, dám làm, đề xuất ý tưởng nhưng sau đó tập thể lãnh đạo họp, thống nhất và thấy giao cho một cán bộ khác hay một tập thể làm sẽ tốt hơn. Như vậy, trách nhiệm, quyền lợi của các cá nhân này ra sao?

Thêm vào đó, theo ông Thắng, hiện nay các ý tưởng mới không hẳn ở ngay cấp quản lý cán bộ quyết được mà phải ở cấp cao hơn, thậm chí qua 2 - 3 cấp. Tuy nhiên, dự thảo mới chỉ nêu ở cấp quản lý trực tiếp hay cấp cao hơn liền kề. Song có những nội dung rất lớn thì trách nhiệm của các cấp sẽ như thế nào?

Trong khi đó, giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Trọng Tân nhấn mạnh cần nhanh chóng đưa nghị định này vào thực hiện, thậm chí đề nghị có chế tài hồi tố.

Ông bày tỏ lo lắng: khi nghị định có hiệu lực nhiều cán bộ đã bị xử lý rồi, nếu không hồi tố thì có được không. Theo ông Tân, cần có cơ chế nào đó cho áp dụng ngay, để những cán bộ dám đổi mới được miễn tố, miễn trách nhiệm hành chính, hình sự.

"Đồng ý với chủ trương"

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Trọng Tân dẫn thực tế tại địa phương có việc sở vướng mắc, huyện vướng mắc xin ý kiến UBND thì cho một câu "đồng ý với chủ trương". Song đến lúc sai lại truy người đề xuất.

"Việc này không được, lãnh đạo cấp trên đồng ý cho làm, người ta mới dám làm nhưng lúc sai lại truy người tham mưu. Đây là chuyện có thật ở Bắc Ninh. Lãnh đạo không sao cả, còn người tham mưu bị xử lý", ông Tân nêu và đề nghị cơ quan nào đồng ý thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Còn những người cấp dưới liên đới ở mức thấp hơn bao nhiêu thì phải định lượng.

"Cần phải đưa vào nghị định mới khuyến khích được cán bộ tham mưu", ông Tân nêu thêm.

Nghị định cần thiết vô cùng

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá đây là nghị định rất khó, "khó nhất trong các loại nghị định" mang tính chính trị rất cao, thể chế hóa không dễ. Nhưng lại là một nghị định cần thiết vô cùng. Bởi thúc ép về thực tế, đặc biệt trong bối cảnh đang tích cực đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, một bộ phận cán bộ có tư tưởng chần chừ, giữ an toàn, sợ sai.

"Vì vậy cần có những cơ chế, chính sách để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, theo tinh thần và tư tưởng của Bác Hồ, những gì có lợi cho dân thì quyết tâm làm, những gì có hại cho dân phải ra sức tránh", bà Trà nhấn mạnh.

Về cơ sở chính trị, bà Trà chỉ rõ cần bám vào tinh thần nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng và kết luận 14 của Bộ Chính trị. Đồng thời khi làm cần xác định sẽ có những vấn đề vượt lên quy định liên quan pháp luật thì mới làm được.

Bà nói thêm "không cầu toàn" và cố gắng đến mức cao nhất hoàn thiện nghị định để đưa vào thực tiễn, kiểm nghiệm và nếu cần điều chỉnh, bổ sung thì sẽ thực hiện để hoàn thiện hơn.

Bà Trà cũng đồng tình với việc cần quy định đảm bảo cho tất cả các cán bộ, công chức, người lao động trong hệ thống đều là đối tượng được khuyến khích, bảo vệ và sẽ nghiên cứu trình xin ý kiến Chính phủ.

Sáng kiến “Ứng dụng công nghệ vi điều khiển vào cải tiến đồ dùng bộ môn vật lý” của tác giả Lê Thanh Liêm (Hậu Giang) trong lần tham gia chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” - Ảnh: NAM TRẦN

PGS.TS NGUYỄN VIẾT THÔNG (nguyên tổng thư ký Hội đồng Lý luận trung ương):

Gỡ về thể chế để cán bộ dám nghĩ, dám làm

Hiện nay luật của chúng ta chưa thực sự đầy đủ, không rõ ràng và trong tình trạng luật chờ nghị định, nghị định lại chờ thông tư. Chưa kể luật còn mâu thuẫn nhau.

Do đó cùng với nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm thì quan trọng hơn cần sớm chỉnh sửa, bổ sung các thể chế, pháp luật cho đồng bộ để cán bộ có thể yên tâm khi thực hiện.

Nói cách khác phải gỡ về thể chế mới khắc phục được tình trạng sợ không dám làm và từ đó cũng mới khuyến khích được cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Nghị định cần quy định rõ, khi cán bộ cấp trên đồng ý cho cán bộ cấp dưới làm việc sáng tạo, đổi mới thì bên cạnh việc phân cấp, phân quyền cũng phải chịu trách nhiệm cùng nếu chẳng may xảy ra vấn đề gì.

Còn nếu người lãnh đạo thấy có vấn đề sẽ vướng cái này, cái kia cần góp ý cụ thể để cán bộ dễ dàng thực hiện. Không được trả lời một cách chung chung kiểu "theo đúng quy định pháp luật", bởi đó là đánh đố họ.

Đại biểu PHẠM VĂN HÒA (ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):

Nghị định là "bùa hộ mệnh" để cán bộ dám nghĩ, dám làm

Chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hay Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khi còn làm thường trực Ban Bí thư cũng đã nhiều lần nêu phải sớm có cơ chế để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Do đó việc ban hành sớm nghị định bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm là rất cấp thiết.

Ngoài ra với dự thảo nghị định này cần phải lấy ý kiến của tất cả cán bộ, công chức để họ có ý kiến, từ đó, ban hành được chính xác. Cạnh đó phải lấy ý kiến các cơ quan bảo vệ pháp luật, bởi họ đã xử lý các sai phạm của cán bộ nên sẽ nắm chắc được làm thế nào để đúng, để khuyến khích, bảo vệ được cán bộ.

Quan trọng hơn, nghị định ban hành ra phải làm thế nào để cán bộ, công chức coi đây là "bùa hộ mệnh, đèn xanh" để họ dám đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Bà NGUYỄN THỊ BÍCH NGÀ (nguyên ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương):

Cần chi tiết, cụ thể các vấn đề

Thực tế thời gian qua việc quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước đã phát sinh một số tư tưởng, tâm lý hơi chùn bước, hơi ngại, sợ làm mới không thành công sẽ bị kỷ luật, xử lý.

Do đó, việc sớm ban hành nghị định để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, không có yếu tố vụ lợi, cá nhân là rất cần thiết.

Nghị định cần ban hành thật chi tiết, cụ thể các vấn đề nào còn chồng chéo, mâu thuẫn giữa luật này, luật kia để cán bộ dám nghĩ, dám làm, không vụ lợi nếu vi phạm có thể không bị hoặc giảm nhẹ khi xem xét kỷ luật.

Việc càng quy định rõ được các mô hình, dạng thức thế này là dám nghĩ, dám làm và quy trình khi phát hiện sáng kiến mới cần phải làm gì... sẽ giúp tổ chức thực hiện được tốt hơn.

THÀNH CHUNG ghi

Tác giả: Thành Chung

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP