Du lịch

Các món ngon làm từ gạo nổi tiếng Việt Nam

Nếu đã quen với cơm trắng, cơm rang, mỗi người có thể tìm và nếm thử các món ngon từ gạo nổi tiếng Việt Nam để khám phá sự đa dạng và phong phú của ẩm thực Việt.

Cơm lam

Cơm lam không chỉ là món ăn quen thuộc, mà còn có giá trị tâm linh đặc biệt đối với người dân vùng cao. Đây là món ăn đậm hương rừng, được chế biến rất công phu, thuận theo nguyên lý âm dương ngũ hành.

Gạo đựng trong ống tre (mộc) hòa với nước trong chính ống tre hoặc từ suối nguồn (thủy), nấu chín bằng lửa nhỏ (hỏa) trên mặt đất (thổ)… Cơm lam thơm mùi gạo nương lẫn với mùi ống tre nướng, vị ngọt và dẻo, ăn kèm với muối vừng hoặc muối lạc.

Cơm nị

Đây là món ăn truyền thống của người Chăm. Món cơm nị có màu vàng của bột nghệ, mùi thơm của cà ri, vị đặc trưng của lá tía tô và vị ngọt của tôm mực rất hấp dẫn khiến ai đã từng thưởng thức dù chỉ một lần cũng không thể nào quên.

Cơm nị là món ăn truyền thống của người dân tộc Chăm
Cơm nị là món ăn truyền thống của người dân tộc Chăm. Ảnh minh họa

Người Chăm hay ăn cơm nị với cà púa (được chế biến từ thịt bò, cà ri, hành ớt muối, nước cốt dừa... theo phong cách Chăm). Thưởng thức cơm nị - cà púa, có thể cảm nhận được vị ngọt béo của sữa, bùi bùi của đậu phộng, vị ngọt của thịt bò, nho khô, cay nồng của ớt hòa trộn vào nhau.

Cơm cháy

Để làm món cơm cháy thơm ngon, người Ninh Bình dùng gạo nếp hương, chọn hạt gạo tròn và trong để nấu. Khi nấu phải bằng than củi và nồi gang thì mới có miếng cơm cháy vàng thơm, vừa dẻo vừa ngon. Cháy lấy ra từ nồi mang ra phơi từ hai đến ba nắng.

Cơm cháy cần được bảo quản nơi khô ráo, tuyệt đối tránh ẩm mốc, lúc gần ăn thì mới mang ra chiên giòn. Nếu chiên để qua buổi hay qua ngày thì cơm đều bị hôi dầu, ăn sẽ không ngon.

Ăn cùng cơm cháy có thể là thịt bò, tim, cật lợn xào với các loại rau như hành tây, nấm rơm, cà rốt và cà chua… ăn đến đâu, chan lên miếng cơm cháy đến đó. Miếng cơm kêu xèo xèo, bốc khói, toả ra mùi thơm. Khi ăn, cơm giòn tơi, chứa nhiều hương vị của món ăn thập cẩm nóng sốt mà đậm đà.

Cơm hến

Người Việt Nam bao giờ cũng ăn cơm nóng, còn cơm hến của xứ Huế lại được chế biến từ cơm nguội đánh tơi nhưng do được nấu từ thứ gạo ngon nên vẫn mềm dẻo. Ăn cơm hến như là một món trộn với những nguyên liệu phong phú mà đơn giản như hến luộc, nước hến, hoa chuối thái rối, khế chua, rau răm...

Cơm hến hòa cùng vị bùi của đậu phộng, vị cay của ớt, vị đậm đà của mắm ruốc, tạo nên một món thanh đạm. Cơm hến là món khá cay, có mùi ruốc mặn nồng thơm nức mũi, vị chua thanh của khế, mùi thơm ngây ngất của rau thơm, chuối bắp, bạc hà, vị ngọt đằm thắm của nước hến, béo ngậy của tóp mỡ...

Ăn cơm hến như là một món trộn với những nguyên liệu phong phú mà đơn giản
Ăn cơm hến như là một món trộn với những nguyên liệu phong phú mà đơn giản. Ảnh minh họa

Người ăn cơm hến đôi lúc vẫn chưa vừa lòng với món ớt tương cay nồng sẵn có, còn cắn thêm trái ớt tươi rồi xì xụp, xuýt xoa hít hà cho nước mắt nhỏ giọt, mới thấm thía được cái ngon của cơm hến.

Cơm tấm

Với người Kinh, cơm là món ăn phổ biến, do vậy, có nhiều món ăn độc đáo, đặc trưng cho từng vùng miền. Một trong số đó phải kể đến cơm tấm, món ăn bình dị của người miền Nam. Đĩa cơm tấm ngon là cơm phải khô, khi chín hạt cơm không được dính nhau. Nguyên liệu ăn kèm cơm tấm rất phong phú gồm có sườn non, sường nướng, trứng, bì, chả, thịt kho, phá lấu....

Ăn cơm tấm không thể thiếu chén nước mắm chua ngọt đơn giản nhưng rất tinh tế. Nước mắm được nấu với đường và nước lạnh theo một tỷ lệ nhất định, sao cho nước chấm có độ sánh, khi rưới lên đĩa cơm dễ dàng thấm vào từng hạt gạo, thớ thịt. Thêm một ít đồ chua như củ cà rốt, củ cải trên đĩa cơm nữa là món ăn trở nên đủ vị và ngon miệng.

Cơm dừa

Xứ dừa Bến Tre không chỉ nổi tiếng với các sản phẩm kẹo dừa, rượu dừa, qua bàn tay tinh tế của người dân nơi đây biến món cơm dân dã hằng ngày trở thành một đặc sản. Để có được món cơm dừa ngon phải mất gần hai tiếng. Những trái dừa xiêm được cắt ngang một phần trên đầu quả dừa để trút nước ra và dùng miếng cắt đó như cái nắp để đậy lại. Gạo ngon vo sạch bằng nước rồi sau đó vo lại nước cuối cùng bằng nước dừa, để ráo nước.

Cho gạo vào trong trái dừa rồi đổ lượng nước dừa vào vừa đủ, đậy nắp lại cho kín. Cơm dừa nấu với nước dừa được hấp cách thủy trong nồi nên hương thơm, vị ngọt đều kết đọng lại trong mỗi hạt cơm. Khi cơm chín hơi ngả màu vàng nhạt do bị thấm hơi dầu từ cơm quả dừa. Cơm dừa ăn có vị beo béo nên ăn nóng mới ngon.

Cái thú khi ăn cơm dừa là ăn trực tiếp trên trái dừa, không phải ăn bằng chén. Với trái dừa xinh xắn trắng ngà, mùi thơm của dừa hòa quyện cùng làn khói bốc lên làm cho tất cả các giác quan đều hưởng trọn vẹn hương vị của món ăn.

Tác giả bài viết: Thái Hà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP