Tàu chiến Trung Quốc trong một cuộc diễn tập phóng tên lửa ở Biển Đông. Ảnh: Chinanews
Phán quyết của Tòa Trọng tài bác bỏ quyền lịch sử trong "đường lưỡi bò" ở Biển Đông đã giáng một đòn pháp lý vào Trung Quốc, buộc nước này phải có những bước đi tiếp theo đầy khó khăn về kinh tế, quân sự và tuyên truyền nhằm tìm cách cân bằng giữa dư luận trong nước đang sôi sục với sức ép từ cộng đồng quốc tế, theo CNBC.
Tuyên truyền
"Người Trung Quốc sẽ không vui vẻ gì", James Keith, cựu đại sứ Mỹ ở Malaysia và là cựu giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia phụ trách Trung Quốc, nhận xét. Sau phán quyết của Tòa Trọng tài, nỗi lo sợ mất lãnh thổ, bắt nguồn từ cuộc chiến tranh với Nhật Bản đầu thế kỷ 20, bắt đầu trỗi dậy trong người dân và giới lãnh đạo Trung Quốc. Trong mắt người Trung Quốc, gần như toàn bộ Biển Đông là của họ, được hậu thuẫn bằng những "tài liệu lịch sử" để chứng minh chủ quyền. Thế nhưng phán quyết của tòa đã đập tan ảo vọng này.
Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng trong ngắn hạn, các lãnh đạo Trung Quốc sẽ đẩy mạnh mặt trận tuyên truyền, sử dụng những bài xã luận mạnh mẽ, thậm chí là thù địch, để thể hiện sức mạnh quốc gia, đồng thời xoa dịu nỗi bất an của những người dân bắt đầu nghi ngờ về khả năng duy trì ảnh hưởng của Trung Quốc, trong thời điểm nền kinh tế nước này bắt đầu tăng trưởng chậm lại.
"Trung Quốc sẽ phản ứng ở nhiều cấp độ khác nhau với phán quyết của tòa án, từ những biện pháp tuyên truyền thô thiển đến những cách thức tinh vi, phức tạp nhất", Wim Muller, chuyên gia Chương trình Luật Quốc tế tại viện chính sách Chatham House ở London, nhận định.
Trong ba tuần qua, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng rất nhiều bài bình luận, tranh hoạt hình để biện hộ cho lập trường của họ, cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài hoặc là "vô nghĩa" hoặc là một phần âm mưu kìm hãm của phương Tây nhắm vào Trung Quốc.
Sau khi tòa ra phán quyết, hệ thống kiểm duyệt của Trung Quốc đã hoạt động hết công suất, xóa bỏ những bình luận thể hiện sự ủng hộ phán quyết trên mạng xã hội. Tuy nhiên, họ cũng kịp thời ngăn chặn, xóa bỏ những bài viết kích động tinh thần dân tộc, kêu gọi sử dụng vũ lực, phát động chiến tranh trên Biển Đông để "trừng phạt" Philippines.
Các nhà phân tích cho rằng phán quyết có lợi cho Philippines của Tòa Trọng tài cũng đã thổi bùng ngọn lửa tinh thần dân tộc ở Trung Quốc. "Trong thực tế, nó đã lập tức biến nhiều người ôn hòa ở Trung Quốc trở thành diều hâu", Wang Jiangyu, giáo sư luật tại Đại học Quốc gia Singapore, nói.
Các tờ báo lớn của Trung Quốc cũng đăng những bài viết bác bỏ giá trị của phán quyết, đồng thời đổ lỗi cho Philippines và Mỹ đang tìm cách gây căng thẳng ở Biển Đông. "Báo chí chính thống Trung Quốc sẽ biến nó thành câu chuyện trong đó tòa án do Mỹ và phương Tây thống trị đang chống lại Trung Quốc, bởi vậy phán quyết của tòa không có giá trị pháp lý", ông Muller nói.
Động thái quân sự
Dưới sức ép của dư luận trong nước và những tiếng nói diều hâu ngày một nhiều, các lãnh đạo Bắc Kinh có thể giảm bớt áp lực bằng cách hướng sự chú ý ra bên ngoài, tăng cường các động thái quân sự trên Biển Đông, Fortune dẫn lời giáo sư Minxin Pei thuộc Đại học Claremont McKenna, Mỹ.
Những động thái quân sự này tuy tiềm ẩn nguy cơ rất cao, nhưng lại đem lại nhiều lợi ích ngắn hạn cho Bắc Kinh. Các lãnh đạo Trung Quốc muốn cho người dân trong nước và cộng đồng quốc tế thấy rằng bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài cũng như nỗ lực của Mỹ, Bắc Kinh vẫn có thể làm những gì họ muốn, dù hậu quả pháp lý hay ngoại giao có nặng nề tới đâu.
Trong các kịch bản quân sự này, động thái ít khiêu khích nhất là tăng cường các cuộc diễn tập quân sự và điều tàu hải cảnh, kiểm ngư tuần tra quyết liệt tại các khu vực tranh chấp. Còn động thái mang tính phiêu lưu hơn, nguy hiểm hơn là công khai bố trí vũ khí trên các đảo nhân tạo phi pháp Trung Quốc bồi lấp ở Trường Sa, tiến tới thiết lập Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Còn hành động quân sự khiêu khích nhất, tiềm ẩn xung đột lớn nhất là xây tiếp một đảo nhân tạo ở bãi cạn Scarborough, vốn được Tòa Trọng tài xác định nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Philippines.
Tàu hải cảnh Trung Quốc cản trở tàu tiếp tế của Philippines trên Biển Đông. Ảnh: Inquirer
Tuy có thể xoa dịu được dư luận trong nước, những động thái quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông nhiều khả năng sẽ vấp phải phản ứng quyết liệt của Mỹ. Việc Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông sẽ khiến Mỹ phản ứng mạnh mẽ nhất, bởi Washington đã nhiều lần khẳng định rằng hành động đó là "không thể chấp nhận được". Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã từng cảnh báo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về động thái xây đảo nhân tạo trên bãi cạn Scarborough.
"Sẽ không ai được lợi lộc gì - đặc biệt là Trung Quốc, nước đang vật lộn với nền kinh tế tăng trưởng chậm lại – từ bất cứ cuộc đụng độ quân sự nào. Tôi thực sự không tin rằng Trung Quốc muốn tìm kiếm hành động đối đầu quân sự đó", ông Russel nhận định.
Mặt trận kinh tế
Ngoài những mối đe dọa về hành động quân sự, nhiều người cũng đặt câu hỏi về khả năng Trung Quốc sử dụng chiêu bài kinh tế như một đòn trừng phạt những đối tác quốc tế có liên quan đến vụ kiện "đường lưỡi bò".
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn CNBC, hầu hết các chuyên gia đều nhận định rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ không để sự kiện địa chính trị này ảnh hưởng đến các mục tiêu kinh tế của họ.
"Dù các nhà lãnh đạo Bắc Kinh có thể phần nào bị mất mặt, những khía cạnh trong nước như tình trạng nền kinh tế còn quan trọng hơn là cơn giận của những người dân bình thường", ông Muller nói.
"Nếu Trung Quốc sử dụng chiêu bài kinh tế để chống lại phán quyết, đó sẽ là cách hành xử rất lạ lùng. Tôi không cho là họ sẽ làm vậy, vì biện pháp đó không hề hiệu quả chút nào", Duncan Wrigley, chuyên gia nghiên cứu vĩ mô Trung Quốc tại tổ chức tư vấn NSBO ở Bắc Kinh, cho biết.
Theo đại sứ Keith, có hai sự kiện quốc tế quan trọng sắp diễn ra vào mùa thu này mà Trung Quốc không hề muốn gây cản trở. Đầu tiên là hội nghị G-20 diễn ra ở Hàng Châu, Trung Quốc, với sự tham dự của Tổng thống Mỹ Obama. Vào tháng 10, Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhiều khả năng sẽ chính thức đưa đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền dự trữ được công nhận trên toàn cầu của họ.
Shan Huang, một phóng viên kỳ cựu về Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh hy vọng hội nghị G-20 sẽ diễn ra thành công, và họ không muốn làm gia tăng căng thẳng về kinh tế, trong bối cảnh đà phục hồi của kinh tế toàn cầu đang đối mặt với những trở lực lớn, chẳng hạn như tình trạng bất định sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. "Người Trung Quốc không muốn phản ứng thái quá, vì nó sẽ hủy hoại các mục tiêu kinh tế của họ", ông Keith nhấn mạnh.
Theo giáo sư Pei, một chiêu bài kinh tế ít tốn kém và rủi ro hơn mà Trung Quốc có thể áp dụng là "mua đứt" Philippines. Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng tuyên bố sẽ xem xét việc thỏa thuận với Trung Quốc trên Biển Đông để đổi lấy viện trợ kinh tế và đầu tư.
Bắc Kinh có thể hy vọng rằng với các khoản tiền viện trợ, đầu tư hậu hĩnh, ông Duterte sẽ tuyên bố rằng phán quyết của Tòa Trọng tài không có hiệu lực pháp lý đối với chính sách của Philippines trên Biển Đông, và Manila sẽ đàm phán song phương với Bắc Kinh để giải quyết tranh chấp.
Sự thay đổi lập trường của Philippines sẽ không vô hiệu hóa tính hợp pháp của phán quyết, nhưng nó có thể giảm nhẹ đáng kể đòn giáng ngoại giao vào hình ảnh và danh tiếng của Trung Quốc. Nếu áp dụng chiêu bài này thành công, ông Tập Cận Bình có thể "chuyển bại thành thắng", đồng thời củng cố hơn nữa quyền lực của mình trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra vào cuối năm 2017, giáo sư Pei nhận định.
Diễn tiến vụ kiện "đường lưỡi bò" của Philippines. Click để xem bản đầy đủ. Đồ họa: Tiến Thành
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không hề dễ dàng thực hiện được chiêu bài này. Thái độ ngang ngược, không chịu thỏa hiệp của họ với vấn đề Biển Đông đã làm dấy lên làn sóng bài Trung Quốc ở Philippines. Là một lãnh đạo theo đường lối dân túy, ông Duterte khó có thể "bán rẻ" lợi ích và phẩm giá quốc gia đổi lấy lợi ích kinh tế ngắn hạn. Ngoài ra, đồng minh của Philippines là Mỹ cũng nhiều khả năng sẽ không chịu ngồi yên nhìn Bắc Kinh quyến rũ Manila.
"Tôi tin rằng Trung Quốc đang đối mặt với những câu hỏi lớn về tương lai và ý đồ của mình. Mỹ, các nước trong khu vực, và cả thế giới đang mong đợi một Trung Quốc có trách nhiệm tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng những cam kết trong công ước, và hợp tác với những hàng xóm lớn nhỏ khác nhau, để thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng khu vực", trợ lý ngoại trưởng Mỹ Russel nhấn mạnh.
Tác giả bài viết: Trí Dũng