Xã hội

Buồn thay cảnh tượng hoang tàn, dang dở khu tái định cư cho tộc người Đan Lai

Đề án Bảo tồn và phát triển tộc người Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông (Nghệ An) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 280/2006/QĐ-TTg ngày 19/12/2006. Đề án có tổng mức đầu tư 93,244 tỷ đồng, thực hiện từ 2007 - 2009. Tuy nhiên...

Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, đề án mới thực hiện được 70% khối lượng công việc.

Xây dựng dang dở


Đáng chú ý, hợp phần 1 xây dựng khu tái định cư (TĐC) và di chuyển 146 hộ tộc người thiểu số Đan Lai đang sinh sống trên thượng nguồn khe Khặng thuộc 2 bản Khe Cồn, bản Búng, xã Môn Sơn đến vùng TĐC tại 3 bản kẻ Giai, Kẻ Tắt, Bá Hạ thuộc xã Thạch Ngàn.

Những ngôi nhà xây dựng dang dở
Riêng điểm TĐC Kẻ Tắt được phê duyệt xây dựng 40 ngôi nhà và các công trình phụ trợ kèm theo; xây dựng trường học 5 phòng, nhà ở giáo viên… với tổng vốn trên 36,8 tỷ.

Tuy nhiên, theo báo cáo kết quả thực hiện dự án của UBND huyện Con Cuông, do quỹ đất ở bản Kẻ Tắt, xã Thạch Ngàn không đủ bố trí TĐC cho 40 hộ nên UBND tỉnh Nghệ An đã điều chỉnh cho điểm TĐC này 35 hộ, 5 hộ còn lại chưa đủ điều kiện quy hoạch TĐC.

Thế nhưng, ngay cả khi được điều chỉnh, hợp phần 1 của đề án cũng gặp khó. Theo ghi nhận của PV, tính đến cuối tháng 11/2016, tại khu TĐC bản Kẻ Tắt mới chỉ có 26/35 ngôi nhà sàn bằng xi măng được xây dựng; 9 ngôi nhà còn lại và một số công trình phụ trợ, nhà học 5 phòng, nhà ở giáo viên 3 phòng, khai hoang, cải tạo đồng ruộng 10,75 ha… dở dang.

Khu nhà văn hóa cộng đồng, trường học, hệ thống bể nước… đã hoàn thiện nhưng chưa bàn giao, không được bảo quản, bảo vệ, cỏ mọc um tùm, phân trâu bò vung vãi, cánh cửa hư hỏng.

Cánh cửa hư hỏng
Nhà văn hóa đầy phân gia súc

Một số ngôi nhà hiện vẫn chưa có phần mái, trơ khung giữa mưa nắng, phần xây thô rêu phong bám đầy. Trong khi đó, những ngôi nhà hoàn thiện chưa có người ở đã xuống cấp, cánh cửa hư hỏng, phên nứa bao quanh nhà bị mối mọt… Một số mái nhà bị đổ, cảnh tượng hoang tàn, đổ phế…

Thiếu vốn đầu tư

Theo UBND huyện Con Cuông, tổng khối lượng đã hoàn thành của điểm TĐC là 29,5 tỷ đồng, đạt 80% tổng mức đầu tư được duyệt. Nhưng nguồn vốn đến 30/7/2015 mới được 27,375 tỷ đồng, chỉ đạt 74%. Do vốn thiếu nên điểm tái định cư đã ngừng thi công, các công trình đang xuống cấp.

Do vốn thiếu nên điểm tái định cư đã ngừng thi công, các công trình đang xuống cấp nghiêm trọng
Đến cuối tháng 11/2016 vẫn còn 212 hộ dân tộc Đan Lai đang sinh sống tại nơi ở cũ. Trong đó có 30 hộ được ở lại theo quy hoạch của đề án; 35 hộ được quy hoạch TĐC nhưng chưa đủ điều kiện di chuyển TĐC; 5 hộ chưa đủ điều kiện quy hoạch TĐC; 64 hộ dự kiến di dời về điểm TĐC số 3 nhưng không khả thi; 78 hộ tăng thêm do mới tách ra ở riêng.

Điều đáng lo ngại là, các hộ dân này hiện đang sống trong vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Mát, đời sống chủ yếu dựa vào núi rừng, nguy cơ rừng bị xâm lấn, phá hại là rất cao.

Bên cạnh đó, một số điểm TĐC theo đề án hiện đang thiếu đất sản xuất do thiếu vốn cải tạo đồng ruộng; một số công trình giao thông thi công dang dở; nhiều điểm TĐC ổn định nhưng thiếu bền vững. Hiện nay, tổng vốn còn thiếu là 26,185 tỷ đồng.

Thiếu vốn không chỉ khiến tiến độ đề án bị ách lại nhiều năm nay mà còn khiến các công trình được thi công chưa đồng bộ, chưa bàn giao bị xuống cấp, gây thất thoát, lãng phí.

Cây dại mọc um tùm trong khuôn viên nhà văn hóa cộng đồng


Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng BQL các dự án huyện Con Cuông cho biết: “Về cơ bản, cơ sở hạ tầng, kết nối đã hoàn thành được 70%. Tuy nhiên, chưa thể giải phóng mặt bằng để đóng điện lưới vì hành lang lưới điện liên quan đến vùng lõi, vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát.

Ông Trần Anh Tuấn

Hiện nay, số hộ Đan Lai cần di chuyển nơi ở đã tăng thêm 78 hộ trong khi kinh phí không những không tăng mà còn đầu tư nhỏ giọt, không đồng bộ dẫn đến triển khai không đồng đều, các công trình đã hoàn thành đang xuống cấp…

Sắp tới, 35 hộ sẽ được di chuyển ra bản Kẻ Tắt nhưng hiện vẫn còn 9 ngôi nhà chưa xây dựng xong. Do thiếu kinh phí, UBND huyện Con Cuông đang đề xuất không tiếp tục di chuyển 69 hộ còn lại ra khu TĐC mới”.

Tộc người Đan Lai có nguồn gốc từ người Kinh, chủ yếu là dòng họ La. Theo như lời kể của các già làng, để chạy trốn sự ác bá của bạo chúa miền Hoa Quân (Thanh Chương, Nghệ An), cả làng họ La gồng gánh nhau trốn chạy mãi lên núi, đến thượng nguồn sông Giăng, nơi không còn nghe thấy tiếng người mới dám dừng chân, hình thành nên tộc người Đan Lai bây giờ. Người Đan Lai cư trú chủ yếu trong rừng sâu, tại bản Cò Phạt, Khe Khặng - xã Môn Sơn, huyện Con Cuông.
Tác giả bài viết: Văn Dũng
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP