Kinh tế

Bơm tiền ngăn khủng hoảng ngân hàng

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến bơm 2.000 tỉ USD vào hệ thống ngân hàng Mỹ nhằm giảm bớt khủng hoảng thanh khoản

Chính quyền Thụy Sĩ đã ném "phao cứu sinh" cho ngân hàng Credit Suisse trong bối cảnh nỗi lo khủng hoảng thanh khoản ngân hàng lan rộng ở châu Âu.

Làn sóng bán tháo cổ phiếu lĩnh vực ngân hàng tiếp diễn hôm 16-3 sau khi Ngân hàng Quốc gia Saudi (SNB), cổ đông lớn nhất của Credit Suisse, tuyên bố không mua thêm cổ phần tại ngân hàng này.

Theo nhà kinh tế trưởng William Lee tại tổ chức kinh tế Milken (Mỹ), quyết định của SNB đã thúc đẩy các nhà đầu tư kiểm tra lại "sức khỏe tài chính" của các ngân hàng lớn trên toàn cầu.

Theo Reuters, Ngân hàng Credit Suisse hôm 16-3 cho biết họ sẽ vay đến 54 tỉ USD từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ để củng cố thanh khoản và niềm tin của nhà đầu tư. Credit Suisse nói thêm khoản vay trên là theo một chương trình cho vay được bảo đảm bằng các tài sản chất lượng cao và một chương trình thanh khoản ngắn hạn.

Tập đoàn ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ này cũng sẽ bán chứng khoán nợ ưu tiên để tăng lượng tiền mặt lên đến 3 tỉ franc, qua đó hỗ trợ các khách hàng và doanh nghiệp chủ chốt của ngân hàng.

Nhà giao dịch theo dõi chỉ số chứng khoán tại sàn giao dịch ở TP Frankfurt - Đức sau khi cổ phiếu của ngân hàng Credit Suisse chạm mức thấp kỷ lục hôm 16-3 Ảnh: REUTERS

Credit Suisse là ngân hàng lớn đầu tiên trên toàn cầu được cứu trợ khẩn cấp kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Trong khi đó, các chi nhánh ngân hàng Credit Suisse ở châu Á đã liên hệ để trấn an khách hàng. Hai nguồn tin nói với Reuters rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng đã liên lạc với các ngân hàng để tìm hiểu về mức độ liên quan với Credit Suisse.

Tương tự Thụy Sĩ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến bơm tới 2.000 tỉ USD vào hệ thống ngân hàng Mỹ nhằm giảm bớt khủng hoảng thanh khoản thông qua chương trình cho vay khẩn cấp.

Trong báo cáo gửi khách hàng hôm 15-3, các chiến lược gia thuộc Tập đoàn Dịch vụ tài chính đa quốc gia JPMorgan Chase (Mỹ) nhận định chương trình cho vay mới có tên gọi tắt là BTFP của FED sẽ mang đến những tác động rất lớn.

Theo Bloomberg, các nhà chức trách Mỹ đã khởi động BTFP sau sự sụp đổ của 3 ngân hàng Silicon Valley (SVB), Signature và Silvergate với mục đích ngăn chặn tình trạng bán tháo trái phiếu chính phủ để tìm kiếm nguồn vốn mới.

Theo nhận định của các chiến lược gia JPMorgan Chase, BTFP sẽ bơm đủ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng Mỹ, đồng thời giúp đảo ngược những tác động của chương trình thắt chặt tiền tệ của FED 1 năm qua.

Trước đó, Ngân hàng HSBC (Anh) đã đạt được thỏa thuận mua lại chi nhánh SVB ở Anh với giá tượng trưng 1 bảng, mục đích là bảo vệ người gửi tiền và ngành công nghệ trong nước.

Cũng ưu tiên bảo vệ người gửi tiền chứ không phải ngân hàng, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết các khách hàng sẽ được nhận lại tiền gửi của mình và giới chức trách sẽ tăng cường các quy định ngân hàng nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự.

Trong khi đó, theo Reuters, các nhà hoạch định chính sách ở Úc và Hàn Quốc đồng loạt trấn an thị trường hôm 16-3 khi cho rằng các ngân hàng trong khu vực có vốn hóa tốt.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cũng cho biết ngành ngân hàng Nhật Bản sẽ không đối mặt với những sự cố tương tự vụ SVB do khác biệt trong cơ cấu tiền gửi ngân hàng. Theo ông Suzuki, các ngân hàng Nhật Bản có đủ nguồn vốn bắt buộc để chống lại rủi ro.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hôm 15-3 cũng tuyên bố sẽ ngăn chặn rủi ro hệ thống tài chính và bảo đảm hoạt động thận trọng. Cuộc thanh lọc "ngân hàng ngầm" trong những năm gần đây của Trung Quốc cũng như sửa đổi khung pháp lý tài chính quốc gia đã giúp giảm thiểu những rủi ro tiềm tàng trong hệ thống ngân hàng, theo tờ Securities Times.

Ngoài ra, ông Arun Sai tại Công ty Quản lý tài sản Pictet (Anh) nhận định: "Sự sụp đổ của SVB sẽ gây áp lực buộc các ngân hàng trung ương phải giảm tốc độ tăng lãi suất. Các ngân hàng trung ương giờ đây phải xem xét tác động của bất kỳ đợt tăng lãi suất nào sắp tới đối với sự ổn định của hệ thống tài chính".

Cần sẵn giải pháp ứng phó

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết đang có sự lan tỏa khủng hoảng tại Mỹ và châu Âu. Dù chưa biết có hay không mối liên quan về giao dịch giữa Ngân hàng Credit Suisse và 2 ngân hàng của Mỹ là Silicon Valley (SVB) và Signature, đang có tác động lan tỏa toàn cầu và rất nhiều khách hàng của các ngân hàng xem tình hình tài chính để rút tiền.

Theo quan điểm cá nhân của TS Nguyễn Trí Hiếu, chưa thấy dấu hiệu khủng hoảng nào của Credit Suisse và họ cũng đã có phương án xử lý khó khăn. Trong bối cảnh này, lãi suất ở Mỹ và châu Âu có thể vẫn tăng theo lộ trình đã định sẵn chứ không hẳn lùi lại việc chống lạm phát do những diễn biến mới phát sinh như vừa nêu.

"Riêng với thị trường Việt Nam, tác động của việc tăng lãi suất có thể tác động tới tỉ giá USD/VNĐ và có thể ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán trong nước khi dòng vốn ngoại rút dần. Đồng thời, việc Mỹ, châu Âu tăng lãi suất cơ bản có thể tác động tới chính sách tiền tệ của Việt Nam và chúng ta cần có giải pháp ứng phó" - TS Hiếu nói.

Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank cho rằng chưa nên vội kết luận khủng hoảng SVB sẽ có nguy cơ lây lan rộng hơn, bởi những ngân hàng lớn như JP Morgan, Bank of America, Wells Fargo và Citi là ngân hàng toàn cầu có tập khách hàng đa dạng, thay vì mô hình chỉ tập trung vào 1 lĩnh vực hẹp như SVB.

"FED sẽ khó lùi bước trong cuộc chiến chống lạm phát. Thị trường đã hạ thấp kỳ vọng về khả năng lãi suất của FED sẽ tăng lên mức khoảng 5,15% nên không loại trừ khi mọi chuyện lắng xuống, mức tăng lãi suất sẽ cao hơn và cần thận trọng với kịch bản đồng USD bật tăng trở lại. Với thị trường Việt Nam, áp lực hiện tại vẫn là mặt bằng lãi suất cao và trái phiếu doanh nghiệp đến hạn của các nhà phát triển bất động sản" - các chuyên gia của Maybank Investment Bank phân tích.

T.Thơ - T.Phương

Tác giả: XUÂN MAI

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP