Số hóa

Bộ Thông tin và truyền thông phản hồi vụ Vietnamobile 'bị xử ép'

Trước kêu cứu của Vietnamobile, lãnh đạo Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) vừa họp với Cục Tần số vô tuyến điện, Cục Viễn thông để rà soát lại các cơ chế chính sách trên thị trường viễn thông, tạo điều kiện tốt nhất cho mọi nhà mạng.

Vietnamobile hiện là nhà mạng duy nhất có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam - Ảnh: Tư liệu

Như Tuổi trẻ Online đã đưa tin, bà Fong Chong Mei Elizabete - tổng giám đốc Công ty CP Viễn thông di động (Vietnamobile) - đã có văn bản kêu cứu lên Thủ tướng về tình trạng doanh nghiệp bị xử ép trên thị trường và cho rằng Vietnamobile có thể thua lỗ hàng tỉ USD vốn đầu tư.

Không áp giá bán dịch vụ

Trong cấp phép tần số cho các nhà mạng, Cục Tần số vô tuyến điện cho biết đã nhận được đề nghị cấp phép của các doanh nghiệp đối với cả băng tần 850MHz và 2.600MHz. Theo Luật tần số vô tuyến điện, các băng tần có giá trị thương mại cao, có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ trong quy hoạch tần số vô tuyến điện như trên phải thực hiện đấu giá hoặc thi tuyển khi cấp phép.

Đối với đề nghị thương lượng việc sử dụng chung băng tần 1.800MHz và 2.100MHz với các nhà mạng khác của Vietnamobile, Cục Tần số vô tuyến điện cho rằng Luật viễn thông luôn tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh viễn thông.

Vietnamobile là doanh nghiệp có tỉ lệ vốn góp của cổ đông nước ngoài. Vì vậy, trong trường hợp thực hiện mua bán, sáp nhập, hợp tác liên kết, doanh nghiệp cần phải tuân thủ các quy định về sở hữu trong kinh doanh dịch vụ viễn thông, cũng như thủ tục đăng ký, thẩm tra dự án đầu tư nước ngoài trong kinh doanh dịch vụ viễn thông.
Đại diện Cục Viễn thông cho biết đối với việc quản lý giá thành của các doanh nghiệp, Bộ TT&TT xác định đây không chỉ là công cụ để quản lý, điều tiết của nhà nước mà còn là một trong những hệ quản trị quan trọng đối với nội bộ của từng doanh nghiệp viễn thông.

Vì thế trong năm 2019, bộ sẽ tiếp tục điều chỉnh, bổ sung những quy định để xác định giá thành sản phẩm, hạch toán riêng rẽ các sản phẩm dịch vụ viễn thông phù hợp với thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tiễn cũng như khả năng áp dụng cho các doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam.

Lãnh đạo Cục Viễn thông cũng nhấn mạnh việc các doanh nghiệp viễn thông có các gói cước để cung cấp đến người sử dụng dịch vụ là sự phản ánh của cung cầu trên thị trường, đồng thời thể hiện sự lựa chọn của người sử dụng dịch vụ về gói sản phẩm ở các tiêu chí chất lượng, giá cả và sự đa dạng phong phú về dịch vụ.

Luật viễn thông năm 2009, các văn bản hướng dẫn của chính phủ, Bộ TT&TT không quy định và cũng không ban hành giá bán của các dịch vụ viễn thông.

Bộ TT&TT khẳng định tiếp tục tạo cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà mạng - Ảnh: Tư liệu

Thị phần Vietnamobile chưa đủ thống lĩnh thị trường

Đối với kiến nghị của Vietnamobile về việc sửa đổi quy định về doanh nghiệp thống lĩnh thị trường viễn thông không phù hợp với quy định của pháp luật cạnh tranh, đại diện Bộ TT&TT khẳng định tiếp tục thực hiện theo Luật cạnh tranh, đồng thời trình Chính phủ dự kiến cụ thể hóa một số tiêu chí khác để xác định doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đáng kể.

Bộ cũng nêu rõ, Vietnamobile đang là doanh nghiệp có thị phần thấp dưới 10% nên hoàn toàn không thể thuộc vào nhóm xác định doanh nghiệp thống lĩnh thị trường.

Tác giả: BẢO NGỌC

Nguồn tin: tuoitre.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP