Trong nước

Bộ Tài chính đề xuất công đức bằng tiền theo hình thức chuyển khoản

Bộ Tài chính vừa có đề xuất cơ quan đơn vị, tổ chức lễ hội mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại hoặc Kho bạc Nhà nước để nhận tiền công đức. Khuyến khích công đức bằng tiền theo hình thức chuyển khoản, phương thức điện tử.

Mở tài khoản công đức tại ngân hàng

Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Thông tư Hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Dự thảo nêu rõ, việc công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội mang tính tự nguyện. Không được ép buộc tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội; không được coi việc công đức, tài trợ là điều kiện để tổ chức lễ hội hoặc cung cấp quyền tham gia, tham quan, du lịch, nghiên cứu lễ hội, di tích; không được quy định mức bình quân, mức tối thiểu công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội.

Không tiếp nhận tiền công đức, tài trợ kèm theo các điều kiện làm sai lệch bản chất, nội dung, ý nghĩa lịch sử, giá trị văn hóa, truyền thống của lễ hội; làm sai lệch kiến trúc di tích, xâm hại cảnh quan, danh lam thắng cảnh và vi phạm quy định của pháp luật về di sản văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo. Không được lợi dụng việc tổ chức lễ hội, quản lý và sử dụng di tích nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm.

Điểm đáng chú ý ở dự thảo Thông tư là quy định mở tài khoản công đức. Dự thảo Thông tư nêu rõ, cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, cơ sở quản lý di tích tiếp nhận công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại hoặc Kho bạc Nhà nước để phản ánh các khoản thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội, quản lý di tích và hoạt động lễ hội.

Trường hợp cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, cơ sở quản lý di tích là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại để tiếp nhận và quản lý tiền công đức, tài trợ nhưng khi sử dụng cho công tác tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội phải chuyển về tài khoản của đơn vị mở tại Kho bạc Nhà nước để quản lý việc chi tiêu và quyết toán.

Trong dự thảo Thông tư lần này, Bộ Tài chính quy định rõ việc quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích. Cụ thể, đối với hoạt động tiếp nhận tiền công đức, tài trợ cho di tích bằng tiền (VNĐ, ngoại tệ): người làm công đức, tài trợ bằng cách: Bỏ tiền vào hòm công đức; đưa cho bộ phận tiếp nhận công đức tại di tích; chuyển tiền vào tài khoản của cơ sở quản lý di tích mở tại ngân hàng thương mại, Kho bạc Nhà nước. Khuyến khích công đức bằng tiền theo hình thức chuyển khoản, phương thức điện tử.

Cơ sở quản lý di tích bố trí người tiếp nhận công đức tại khu vực tiếp nhận công đức trong di tích; mở sổ sách ghi chép đầy đủ, chính xác từng khoản công đức đã tiếp nhận; ghi phiếu công đức theo đề nghị của người làm công đức. Việc quản lý tiền trong hòm công đức thực hiện theo quy định.

Bộ Tài chính đề xuất công đức bằng tiền theo hình thức chuyển khoản, phương thức điện tử.

Tùy theo lượng tiền tiếp nhận (bao gồm số tiền tiếp nhận trực tiếp và số tiền trong hòm công đức), định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm kê; khi số tiền tiếp nhận được từ 100 triệu đồng trở lên, cơ sở quản lý di tích phải nộp vào tài khoản tại ngân hàng thương mại hoặc Kho bạc Nhà nước.

Đối với công đức, tài trợ bằng giấy tờ có giá theo quy định của pháp luật: Người làm công đức, tài trợ chuyển giấy tờ có giá cho cơ sở quản lý di tích. Trường hợp giấy tờ có giá phát hành theo hình thức chứng chỉ hoặc ghi sổ có ghi tên người sở hữu, người làm công đức làm thủ tục chuyển nhượng, sang tên giấy tờ có giá cho cơ sở quản lý di tích theo quy định của pháp luật.

Cơ sở quản lý di tích tiếp nhận, quản lý và quyết định về việc sử dụng giấy tờ có giá, bao gồm việc thanh toán trước hạn hoặc thanh toán khi đến hạn, tùy theo tình hình thực tế của công tác quản lý, sử dụng di tích.

Đối với công đức, tài trợ bằng kim loại quý, đá quý: Người làm công đức, tài trợ chuyển giao kim loại quý, đá quý cho cơ sở quản lý di tích kèm theo các giấy tờ có liên quan (nếu có).

Quyết toán tiền công đức

Dự thảo Thông tư nêu rõ các nội dung chi từ tiền công đức như chi hương hoa, lễ vật, phẩm vật, đèn nhang tại di tích; treo, đặt các bảng, biển chỉ dẫn, quảng bá thương hiệu; các ấn phẩm, vật dụng phục vụ cho mục đích quảng cáo; trang trí, âm thanh, ánh sáng; chi bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; chi đầu tư xây dựng các hạng mục công trình phục vụ cho hoạt động của di tích; tu bổ đường sá, bãi đỗ xe thuộc phạm vi quản lý của di tích và phù hợp quy định của pháp luật về quy hoạch, quản lý di tích, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và pháp luật có liên quan;

Chi phí phát sinh trong việc tiếp nhận công đức, tài trợ (nếu có): Chi phí chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng, sở hữu tài sản; chi phí tổ chức bán đấu giá hoặc thuê định giá kim loại quý, đá quý; chi phí thuê giám định di vật, cổ vật được phép mua bán, trao đổi, tặng cho theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa nhưng chưa làm thủ tục; Nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế (nếu có)…

Đáng chú ý, dự thảo quy định rõ báo cáo quyết toán việc sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích. Trường hợp cơ sở quản lý di tích là cơ quan nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp công lập: Cơ quan, đơn vị được giao quản lý di tích có trách nhiệm thực hiện chế độ kế toán theo pháp luật về kế toán; sử dụng chứng từ, hạch toán bảo đảm phản ánh đầy đủ, chính xác các khoản thu, chi; quản lý và sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật. Kết thúc năm ngân sách, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm lập báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán năm gửi cơ quan, đơn vị có liên quan theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về ngân sách nhà nước.

Các đơn vị không được xác định chênh lệch thu, chi tiền công đức, tài trợ cho di tích để sử dụng cho các mục đích chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động và trích lập các quỹ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Trường hợp cơ sở quản lý di tích là cá nhân, người đại diện, ban quản lý (không phải là pháp nhân): Không phải báo cáo quyết toán thu, chi tiền công đức, tài trợ cho di tích với ngân sách nhà nước nhưng phải mở sổ sách theo dõi các khoản thu, chi tiền công đức, tài trợ cho di tích.

Cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, cơ sở quản lý di tích có trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng của Nhà nước về thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội khi có yêu cầu.

Tác giả: Thanh Phương

Nguồn tin: taichinhdoanhnghiep.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP