Kinh tế

Bộ LĐ-TB&XH đề nghị chủ trọ giảm, miễn tiền nhà, điện, nước

Ngoài khẩn trương giải ngân gói an sinh lần 2 (theo Nghị quyết 68, trị giá 26.000 tỷ đồng), Bộ LĐ-TB&XH đề nghị địa phương miễn giảm tiền điện, nước và vận động chủ trọ miễn, giảm tiền thuê nhà với lao động mất việc làm, trong khu vực phong tỏa chống dịch COVID-19.

Khi TPHCM tiếp tục kéo dài áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, những ngày gần đây, nhiều người dân từ Thành phố lại tìm đường về quê bằng xe máy.

Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 triển khai các biện pháp khẩn cấp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các địa phương rà soát, nắm chắc tình hình đời sống người dân khó khăn trên địa bàn, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23/2021 của Thủ tướng. Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu. Vận động các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân kêu gọi ủng hộ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm gửi tới các khu vực giãn cách xã hội.

Đặc biệt, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các địa phương miễn, giảm tiền điện, nước cho người thuê trọ, vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền nhà cho người dân.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tiến độ giải ngân gói an sinh lần 2 cập nhật tới hết ngày 15/8, cả nước có 37/63 tỉnh thành phê duyệt danh sách hỗ trợ gần 1,27 triệu LĐ tự do và nhóm đặc thù khác (trên 100.000 người bán vé số lưu động). Trong đó, đã có 28 tỉnh, thành phố chi trả gần 1.364 tỷ đồng để hỗ trợp trên 962.000 LĐ tự do khó khăn (chủ yếu khu vực phía Nam). Các địa phương cũng chi trên 182 tỷ đồng hỗ trợ gần 164.000 người thuộc diện đặc thù.

Các địa phương cũng cần căn cứ thực tế, chủ động hỗ trợ tiền ăn (tối thiểu 50.000 đồng/người/ngày theo Nghị quyết 68) với lao động tự do, đối tượng bảo trợ xã hội.

Việc hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu từ nguồn ngân sách nhà nước cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-19, theo Bộ LĐ-TB&XH, đã được hướng dẫn tại Nghị định 20/2021. Do đó, bộ này đề nghị địa phương căn cứ quy định này để thực hiện hỗ trợ (gồm cả nguồn dự trữ quốc gia), ưu tiên hộ nghèo, người lao động giảm sâu thu nhập, hộ kinh doanh phải đóng cửa do giãn cách xã hội.

Với trường hợp người dân phải di chuyển từ các địa phương áp dụng Chỉ thị 16 về quê, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các địa phương hỗ trợ tiền ăn, ở, phương tiện đi lại và chi phí cách ly. Qua đó không để người dân di chuyển tự phát bằng xe máy, xe đạp, đi bộ...

Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, nhiều người dân, người lao động mất việc làm, hết thu nhập, không còn đủ để lo thực phẩm hàng ngày. Do khó khăn, nhiều người phải di chuyển tự phát bằng phương tiện cá nhân rời khỏi một số địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16 như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai... để về quê. Việc di chuyển này không an toàn cho người dân và gây khó khăn trong phòng, chống dịch.

Hiện cả nước có 23/63 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch COVID-19, gồm: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà mau, Kiên Giang, Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa.

Tác giả: Lê Hữu Việt

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP