Du lịch

Biển người đổ về Phủ Tây Hồ trong ngày nghỉ Tết cuối cùng

Người dân thủ đô và du khách thập phương tìm tới Phủ Tây Hồ (Hà Nội) để cầu sức khoẻ, tài lộc đầu năm mới.

Dòng người chật kín trên đường dẫn vào Phủ Tây Hồ ngày mùng 6 tháng Giêng (10/2). Hai bên đường là các hàng quán phục vụ nhu cầu của du khách hành hương như sắp mâm lễ, viết sớ, bán đồ ăn nhẹ…

Cảnh đông đúc diễn ra tại mọi khu vực trong khuôn viên Phủ nhưng không có tình trạng chen lấn, xô đẩy. Đa phần các du khách đều bình tĩnh chờ đến lượt hành lễ của mình.

Do lượng người quá đông, du khách hành hương bắt buộc phải nâng mâm lễ lên cao hoặc đội lên đầu để đồ cúng dường không bị móp méo, hư hỏng.

Một mâm lễ cơ bản với tiền vàng, nhang nén và hoa có giá trung bình 50.000 đồng nếu du khách mua tại các quầy hàng trên lối vào Phủ.

Bên trong gian chính điện thờ Tam phủ công đồng Phủ Tây Hồ. Không gian bên trong khá ngột ngạt và nóng vì quá đông người nhưng nhiều du khách vẫn cố gắng đến gần bàn thờ để hành lễ.

Tượng thờ tại ban Tam phủ công đồng. Phủ Tây Hồ là cụm công trình tôn giáo thờ Liễu Hạnh Công chúa, một nhân vật truyền thuyết và là một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng của người Việt. Theo một số tài liệu, Phủ được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17 nhưng có thể muộn hơn vì các tài liệu cổ ghi chép về di tích của Thăng Long - Hà Nội ra đời đầu thế kỷ 20 như Thăng Long cổ tích khảo, Long Biên bách nhị vịnh, Tây Hồ chí... đều không ghi chép về di tích này. Đây là nơi đông đảo người dân Hà Nội và các tỉnh, thành thường đi lễ trong ngày đầu tháng (âm lịch) và dịp lễ, Tết.

Người dân ngồi chờ lễ tạ sau khi thắp hương cầu nguyện đầu năm tại Phủ. Chị Hương (Bắc Giang) hiện làm việc tại Hà Nội cho biết, những ngày đầu năm chị đi lễ tại các đền chùa gần nhà, đến ngày nghỉ lễ cuối cùng chị tranh thủ xuống Hà Nội từ sớm để đi lễ một số nơi, trong đó có Phủ Tây Hồ. “Dù đông đúc, mệt mỏi, tôi vẫn cố đi vì tôi thấy đây là việc cần phải làm mỗi dịp lễ Tết, giúp tâm an hơn”, chị nói thêm.

Rất nhiều quầy dịch vụ viết sớ chữ Nho xuất hiện trên lối vào Phủ trong dịp Tết. Nội dung cầu nguyện đã được in sẵn, các thầy viết sớ chỉ cần ghi thêm tên, tuổi, địa chỉ… của khách hàng bằng chữ Nho. Nhiều người tin rằng những nội dung trong sớ phải dùng chữ Nho thì khi hoá vàng mới được bề trên phù hộ mà ban cho sức khoẻ, tài lộc.

Nhang nén do du khách thắp tại lư hương bên ngoài sân Phủ. Do lượng người quá đông, bên cạnh lư hương luôn có một người túc trực để rút chân nhang, dành chỗ cắm cho những người đến sau. Thông thường nhang cháy được một phần ba sẽ bị rút bỏ.

Bên cạnh các món để bày mâm lễ như bánh đúc, bánh phu thê, xôi các loại… bánh tôm hồ Tây là món ăn được nhiều du khách quan tâm đến nhất. Anh Hiếu, du khách đến từ Hà Nam kể lại, năm nào anh cũng đi lễ Phủ Tây Hồ đầu năm kết hợp đưa cả nhà đi du xuân.

Rác chất đống trước nhà sắp lễ tại Phủ. Lượng khách đông khiến những đồ lễ như hoa, nhang nén, túi ni lông bị vứt đi nhiều do không đủ chỗ bày biện hết. Người thu dọn vệ sinh tại đây chia sẻ, khách đến Phủ đông từ mùng 3 nhưng mùng 6 Tết này là ngày đông nhất, “chưa đổ xong xe rác này thì rác mới đã lại chất đầy”.

Tác giả: Kiều Dương

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP