Trong nước

Bí thư Hà Nội khẳng định không thể phớt lờ thông tin mạng xã hội

Ông Hoàng Trung Hải cho rằng cơ quan của thành phố cần kịp thời phản hồi trước những sự việc được dư luận, mạng xã hội quan tâm.

Ngày 20/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có buổi làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông. Nhiều ý kiến liên quan đến sự phát triển của báo chí, mạng xã hội được đề cập.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải. Ảnh: Võ Hải.

Một số lãnh đạo chưa thấy được sự quan trọng của mạng xã hội

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hương, Trưởng phòng Thông tin điện tử, nếu trước đây tâm trạng xã hội được đo lường qua báo chí thì nay mạng xã hội đang dần chiếm lĩnh vai trò đó. "Thực tế cho thấy mạng xã hội trong nhiều trường hợp định hướng tư tưởng, dẫn dắt dư luận và trong một số vụ việc mất an ninh trật tự, mạng xã hội đóng vai trò rất lớn", bà Hương nói.

Dù có tác động ngày càng lớn, bà Hương cho hay với quy định hiện hành, các đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội chỉ chịu trách nhiệm một phần, còn lại là của các thành viên tham gia. Việc quản lý đối với mạng xã hội của các đơn vị cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như của Google, Facebook còn khó khăn. Khi các trang mạng này có nội dung vi phạm, Sở phải chuyển lên Bộ Thông tin để trực tiếp làm việc với họ.

Trưởng phòng Thông tin điện tử cho rằng, nhiều công chức thành phố vẫn coi thông tin trên mạng xã hội là không chính thống nên khi tiếp nhận thì "bỏ qua hoặc không để ý". Nhận thức của lãnh đạo một số đơn vị về tầm quan trọng của mạng xã hội cũng còn ở mức độ nhất định.

"Vụ làm thủ tục khai tử ở phường Văn Miếu, quận Đống Đa là một ví dụ, khi thông tin xuất hiện trên mạng xã hội, chúng ta xử lý chưa tốt, làm ảnh hưởng đến hình ảnh công chức thủ đô", bà Hương nói.

Cùng quan điểm, bà Trần Thị Mai Dung, Trưởng phòng Báo chí xuất bản truyền thông cho rằng, việc dự báo, chủ động trong cung cấp thông tin trước những sự việc nóng còn chưa tốt. Nhiều vụ các sở, ngành chỉ vào cuộc cung cấp thông tin khi sự việc đã được báo chí, dư luận phản ánh.

"Báo chí thành phố đang đi rất chậm"

TP Hà Nội hiện có 21 cơ quan báo chí, trong đó có 12 báo in, một đài phát thanh truyền hình và tám tạp chí. Thực hiện chỉ đạo của trung ương, thành phố đang hoàn thiện đề án quy hoạch báo chí.

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý. Ảnh: Võ Hải.

Phó chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết, trước sự phát triển mạnh mẽ của báo điện tử, mạng xã hội, đội ngũ người làm báo thủ đô phải nâng cao tính sắc sảo, nhanh nhạy kịp thời. "So với nhiều cơ quan báo chí khác trên địa bàn, chúng ta đi rất chậm. Phải cạnh với các báo khác, không thể người ta đi hàng km rồi mình mới chạy", ông Quý nói.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, thành phố đã có quy chế phát ngôn nhưng việc phát ngôn của nhiều cơ quan, kể cả cấp thành phố vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Ông đề nghị Sở Thông tin sớm tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho đội làm công tác phát ngôn, nhất là kinh nghiệm xử lý khủng hoảng truyền thông.

"Từ những vấn đề bé thành lớn, từ vấn đề kinh tế xã hội, qua lăng kinh của báo chí thành câu chuyện nóng về mặt chính trị", Trưởng ban tuyên giáo cảnh báo.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng trong một xã hội ngày càng phát triển, hội nhập sâu rộng và tự do dân chủ thì việc giải thích làm rõ, qua đó định hướng được thông tin rất quan trọng.

"Ý kiến thì rất đa chiều nhưng nếu chúng ta không có thông tin phản hồi chính xác, để người dân tiếp tục bình luận là lỗi của chúng ta. Trước thông tin trên mạng xã hội, nếu chúng ta lờ đi không giải quyết là làm chưa hết trách nhiệm của mình", Bí thư Hà Nội nói.

Gần 300 video trên Youtube bị gỡ

Theo Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội, 8 tháng đầu năm 2018, Sở đã xử lý 17 tài khoản Facebook, gỡ bỏ 292 video trên Youtube có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Trên địa bàn có trên 400 trang thông tin điện tử tổng hợp của 263 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; 315 giấy phép thiết lập mạng xã hội đã được cấp.

Tác giả: Võ Hải

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP