Xã hội

Bé trai 11 tuổi bị hoại tử ngón tay do rắn hổ mang cắn

Bé trai ở Nghệ An nhập viện trong tình trạng một cánh tay sưng nề do bị rắn hổ mang cắn khi đang đi bắt cua cùng bố.

Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các bác sĩ Khoa Nhi đã điều trị cho cháu Nguyễn Sỹ Quang Huy (SN 2007, xóm 4, Xuân Sơn, Đô Lương, Nghệ An) nhập viện trong tình trạng một cánh tay sưng nề do rắn hổ mang cắn.

Người nhà bệnh nhi cho biết, khi Huy đang đi móc cua cùng với bố thì bất ngờ bị rắn hổ mang cắn vào ngón tay cái. Cháu nhập viện ngày 5/3.

Hiện bệnh nhi đã ổn định, không còn sốt, toàn bộ cánh tay giảm sưng nề, hoại tử ngón tay cái không tăng thêm. Các chỉ số xét nghiệm nhiễm trùng giảm nhiều, chỉ số về tiêu cơ giảm, không có rối loạn về đông máu, bệnh nhân tỉnh, tiên lượng tốt.

Bệnh nhi hiện đã ổn định. (Ảnh: BVCC)

Theo các bác sĩ, bệnh nhân có bảo hiểm y tế hộ nghèo đúng tuyến hưởng 100%. Từ lúc vào viện, Huy nhận được sự giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm. Chiều 8/3, Huy được chuyển Viện Bỏng Quốc gia để tiếp tục điều trị.

Sơ cứu đúng cách khi bị rắn cắn

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, sau khi bị rắn độc cắn cần sơ cứu đúng cách với mục đích làm cho nọc độc của rắn xâm nhập vào trong cơ thể chậm hơn và ít hơn. Sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế. Các bước sơ cứu nên làm là:

- Không để bệnh nhân tự đi lại mà nên để nằm yên, đồng thời bất động chân tay vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn. Đồng thời mọi người cần cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề.

- Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường). Băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt. Không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm.

- Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động. Nếu bệnh nhân khó thở thì nên hô hấp nhân tạo.

Cách đề phòng rắn cắn

Trong lao động để tránh không bị rắn cắn là rất khó, dưới đây là một số biện pháp giúp giảm nguy cơ bị rắn cắn:

- Cần biết về đặc tính của rắn, thời gian nó thường hoạt động, khu vực nó sống. Mọi người đặc biệt cảnh giác với rắn sau các cơn mưa, khi có lũ lụt, mùa màng thu hoạch và thời gian ban đêm.

- Cố gắng đi ủng, dày cao cổ và quần dài, đặc biệt khi đi trong đêm tối, đội thêm mũ rộng vành nếu đi trong rừng hoặc đi ở khu vực nhiều cây cỏ. Dùng đèn nếu ở trong bóng tối hoặc vào ban đêm.

- Không đe doạ rắn, trêu rắn ngay cả khi rắn đã chết. Đầu rắn đã chết vẫn có thể cắn người. Không bắt rắn, đuổi hoặc dồn ép rắn trong khu vực khép kín.

- Để tránh bị rắn biển cắn, người dân chài không nên bắt rắn ở trong lưới hoặc dây câu. Có thể dễ nhầm lẫn khi phân biệt giữa đầu rắn và đuôi rắn. Những người tắm hoặc giặt ở các vùng nước đục ở cửa sông hoặc một số vùng bờ biển cũng có thể dễ bị rắn cắn.

Tác giả: PHẠM QUÝ

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP