Thế giới

Bầu thủ tướng Thái Lan và những kịch bản khó lường

Quốc hội Thái Lan đã nhóm họp trong ngày 13-7, bắt đầu từ 9 giờ 30 (giờ địa phương), với một trong những nội dung chính là bầu ra tân thủ tướng.

Gương mặt sáng giá nhất cho chức vụ thủ tướng Thái Lan - ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo Đảng Tiến bước (MFP) - đang đối mặt con đường đầy chông gai phía trước.

Để đắc cử thủ tướng, ông Pita cần tối thiểu 376 phiếu bầu từ lưỡng viện, bao gồm 500 hạ nghị sĩ và 250 thượng nghị sĩ.

Rào cản mới nhất của ông Pita là việc Ủy ban Bầu cử quốc gia Thái Lan (EC) yêu cầu Tòa án Hiến pháp hôm 12-7 ra quyết định liệu ông có vi phạm các quy tắc bầu cử khi nắm giữ cổ phần trong một công ty truyền thông trong lúc ra tranh cử hay không.

Hiện chưa rõ liệu tòa án có chấp nhận xử lý vụ việc này hay không và nếu có thì khi nào sẽ đưa ra phán quyết.

Ông Pita Limjaroenrat có mặt trong ngày bỏ phiếu bầu thủ tướng tại quốc hội ở Bangkok - Thái Lan hôm 13-7. Ảnh: Reuters

Nếu bị tòa án kết tội, ông Pita có thể bị hủy tư cách nghị sĩ và có nguy cơ mất cơ hội làm thủ tướng. Theo Bloomberg, một thượng nghị sĩ cho biết kế hoạch tổ chức bầu thủ tướng vào ngày 13-7 của quốc hội sẽ không bị ảnh hưởng bởi quyết định của EC.

Sau động thái của EC, ông Pita Limjaroenrat hôm 12-7 cho rằng: "Những thách thức của Thái Lan hiện nay nặng nề hơn nhiều so với 5-6 năm qua. Nước này cần một chính phủ ổn định có tính hợp pháp để quản lý".

Những người ủng hộ ông Pita ở các tỉnh thông báo kế hoạch tập hợp hôm 12-7. Hơn chục nhóm cũng đang lên kế hoạch biểu tình tại tòa nhà quốc hội trong ngày 13-7 để gây áp lực buộc các thượng nghị sĩ ủng hộ ông Pita.

Kịch bản thuận lợi

Trong trường hợp ông Pita trở thành thủ tướng thứ 30 của Thái Lan và là thủ tướng trẻ tuổi nhất trong gần 8 thập kỷ, ông Pita sẽ tiến hành thành lập nội các, nhiều khả năng bị chi phối bởi các thành viên của MFP và Pheu Thai, đảng giành được sự ủng hộ cao thứ 2 trong cuộc bầu cử và có liên hệ với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Sau đó, chính phủ mới sẽ ra mắt vào tháng tới. Hiện MFP đang liên minh với 7 đảng khác, bao gồm Pheu Thai.

Trở ngại chính của ông tại quốc hội là sự phản đối nhằm việc MFP có ý định sửa đổi luật khi quân, hoặc Điều 112 của Bộ Luật hình sự Thái Lan.

Trường hợp ông Pita "bị loại"

Trong một kịch bản khác, đảng Pheu Thai có thể tách khỏi liên minh 8 đảng của MFP và thành lập chính phủ với các đảng bảo thủ. Hầu hết các nhà phân tích đánh giá Pheu Thai sẽ là biến số chính trong bất kỳ chính phủ liên minh tiềm năng nào.

Trong một báo cáo đầu tháng này, các nhà phân tích tại Nomura Holdings ước tính tỉ lệ đảng Pheu Thai đứng đầu chính phủ đã tăng từ 55% lên 60% trong khi cơ hội của MFP giảm từ 35% xuống 30%.

Trái với kịch bản thuận lợi, giới phân tích nhận định đa số nghị sĩ Thượng viện dự kiến phản đối tư cách ứng viên thủ tướng của ông Pita hoặc bỏ phiếu trắng trong ngày 13-7.

188 thành viên Hạ viện ngoài liên minh của ông Pita cũng được cho là sẽ không đứng về phía ông.

Theo các quy tắc hiện hành, không có giới hạn về số lần Quốc hội Thái Lan triệu tập để bầu thủ tướng và cũng không có thời hạn cho việc phải đưa ra quyết định.

Nếu ông Pita không giành được ít nhất 376 phiếu trong ngày 13-7 thì phiên họp bỏ phiếu tiếp theo có thể là vào ngày 19-7.

Bế tắc kéo dài

Những diễn biến bất lợi có thể khiến những người ủng hộ ông tập hợp và châm ngòi cho một làn sóng biểu tình lớn.

Kịch bản xảy ra các cuộc biểu tình và sự chậm trễ hơn nữa trong việc thành lập chính phủ sẽ tiếp tục đè nặng lên thị trường chứng khoán, trái phiếu và đồng nội tệ của Thái Lan vốn đã gặp nhiều thách thức thời gian qua.

Tác giả: Xuân Mai

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP