Bạn cần biết

Bật khóc khi nhìn bụng rạn sau sinh và bí quyết “vàng” từ bác sĩ sản khoa

Hình ảnh bụng rạn sau sinh là nỗi “ám ảnh” của các chị em phụ nữ khi mang thai. Trước những lo lắng của hội chị em, bác sĩ sản khoa đã bật mí bí quyết “vàng” để tránh rạn da khi mang thai.

Thời gian gần đây mạng xã hội liên tục xuất hiện những hình ảnh bụng ngấn mỡ, rạn da trong thời gian mang bầu và sau sinh của nhiều bà mẹ. Nhiều bà mẹ chỉ muốn khóc khi nhìn vào bụng mình sau một kỳ sinh nở, thậm chí họ còn không dám đối điện với phần bụng có phần "xấu xí" ấy.

Mới đây, bà mẹ nickname H.L đã lên mạng xã hội “khoe” hình ảnh bụng rạn nứt trong thời gian mang bầu đã nhận được nhiều sự chú ý và đồng cảm của hội chị em.

H.L viết: “Có ai như mình không, bụng mới được có 6, 7 tháng mà đã như vậy. Không biết sau sinh bụng còn xấu đến mức nào”.

Những hình ảnh rạn da sau sinh liên tục được đăng lên mạng xã hội (Ảnh facebook).

Ngay dưới dòng chia sẻ và hình ảnh của chị H.L đã nhận được nhiều bình luận của những người đồng cảnh ngộ. Thậm chí có người còn mạnh dạn đăng thêm các hình ảnh bụng nhăn nhúm, thâm đen sau sinh của mình.

Trước những lời than phiền của nhiều bà mẹ bỉm sữa, bác sĩ Trần Vũ Quang (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết: “Bụng rạn sau sinh đã khiến nhiều chị em hoang mang, lo lắng, thậm chí cảm thấy tự ti về bản thân sau khi sinh.

Tuy nhiên, các chị em cũng cần hiểu được nguyên nhân gây rạn da khi mang bầu. Về cơ bản, rạn da là kết quả của việc collagen và các lớp đàn hồi của da bị phá vỡ. Các dấu hiệu ban đầu có thể là cảm giác nóng ran trên da, ngứa hoặc thậm chí có người cảm thấy như bị kim chích nhẹ.

Những người bị rạn da nhiều hơn là những người sở hữu làn da có độ đàn hồi thấp hơn – đồng nghĩa với việc càng mang thai khi quá nhiều tuổi càng có nguy cơ bị rạn da cao, nhất là những người sinh con ở độ tuổi sau 35”.

Cũng theo bác sĩ Quang, trên thực tế, không ai có thể biết trước được mình có bị rạn da hay không. Tuy vậy gene đóng một vai trò không nhỏ, bởi mỗi người đều được thừa hưởng mẫu da từ cha mẹ – điều đó có nghĩa là nếu mẹ bạn bị rạn da khi mang bầu, rất có thể bạn cũng sẽ bị rạn da khi mang bầu em bé của mình.

Ngoài ra những người mang thai đôi hoặc thai ba sẽ dễ bị rạn da hơn bởi bụng họ sẽ to hơn, da phải dãn nhiều hơn để có đủ “chỗ ở” cho các bé.

Vì thế, có nhiều cách khắc phục khi bà bầu bị rạn da, rạn da sau sinh đã được bác sĩ Quang chỉ ra:

-Giữ cân nặng ở mức vừa phải: Cân nặng sẽ luôn là vấn đề đối với chứng rạn da. Vì vậy, kể cả khi bạn đang mang thai và có quyền tăng cân thì cũng hãy giữ cho cơ thể tăng cân vừa phải. 10 đến 15 kg là mốc hợp lý nếu mẹ bầu mang thai đơn. Còn nếu mẹ bầu mang song thai thì không nên vượt qua mốc 20kg.

- Ăn các thực phẩm tốt cho da như thực phẩm giàu vitamin A, vitamin E, vitamin C và omega 3.

- Bổ sung Vitamin E giúp cho cơ thể bạn ngăn ngừa được các vết rạn và giữ cho làn da luôn mềm mại. Thoa vitamin E trực tiếp lên da cũng hạn chế nguy cơ bị rạn đấy. Vitamin A và C tham gia tái tạo tế bào và chống oxy hóa. Do đó mà chúng cũng là những chất cần thiết trong cuộc chiến chống rạn da của mẹ bầu.

- Uống đủ nước, hạn chế các thức uống có hại cho làn da: Hãy đảm bảo làn da bạn không bị mất nước bằng cách uống đủ nước mỗi ngày nhé! Tuy nhiên cần tránh xa cà phê, trà, rượu bia và cả thuốc lá.

- Tập thể dục nhẹ nhàng, thường xuyên: Một cách tác động tích cực đến độ khỏe mạnh của làn da là cải thiện sự lưu thông khí huyết của cơ thể bằng cách tập thể dục. Tập thể dục khi mang thai cũng khiến cho cân nặng của bạn được kiểm soát tốt. Trong thai kỳ mẹ bầu nên vận động nhẹ nhàng, ngay cả sau sinh.

- Ngủ đủ giấc và tránh stress: Giấc ngủ sẽ giúp cơ thể bạn cũng như làn da có thời gian nghỉ ngơi và hồi phục. Do đó, muốn có một làn da khỏe mạnh bạn nên ngủ đủ giấc.

Ngoài ra hãy bỏ qua hết mọi muộn phiền, lo lắng để cơ thể được thư giãn, nghỉ ngơi, hồi phục và có sức sống trở lại.

Tác giả: Mai Thu

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP