Tin địa phương

Bất cập vận tải hành khách công cộng liên tỉnh Cần Thơ -Hậu Giang

Dù là thành phố trực thuộc Trung ương thế nhưng loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại địa bàn liên tỉnh Cần Thơ - Hậu Giang đang còn nhiều bất cập.

Bến xe Cần Thơ luôn vắng bóng xe buýt

Bộc lộ sự yếu kém

Trong vai một hành khách có nhu cầu cần sử dụng xe buýt để đi từ TP. Cần Thơ, chúng tôi tìm đến khu vực bến xe trên đường Nguyễn Văn Linh - nơi tập trung nhiều xe buýt để di chuyển. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết đến xe buýt số 04 chạy tuyến Bắc Cái Tư - Bến xe Cần Thơ, với điểm đầu tại Bến xe khách Cần Thơ (số 36 Nguyễn Văn Linh) và điểm cuối là cầu Cái Tư, tỉnh Hậu Giang.

Hành trình của xe số 04 là: Bến xe khách Cần Thơ - Nguyễn Văn Linh - cầu Hưng Lợi - Vòng xoay cầu Cần Thơ (IC3) - QL1 - QL61 - TP. Vị Thanh - Cái Tư và ngược lại. Tần suất xe chạy: 15 phút/chuyến với thời gian hoạt động từ 4 giờ 50 phút đến 17 giờ 35 phút. Tần số lượt xe/ngày: 52 chuyến (104 chuyến/02 đầu tuyến) và tổng thời gian hành trình là 02 giờ 6 phút. Giá vé được niêm yết là 27.000 đồng/ người cho một vé suốt tuyến.

Thế nhưng, thực tế lại không như những thông báo mà địa phương này đã phát đi trước đó. Thời điểm chúng tôi đến khu vực bến xe Cần Thơ chỉ mới 16 giờ 30 nhưng khi vào trong bến tìm chuyến xe buýt nói trên thì cánh tài xế và các xe ôm đều lắc đầu. Họ cho biết, để về Hậu Giang phải đi xuống khu vực gần trạm thu phí trên QL1A (cách đó hơn 10km) mới có xe đi.

Liên hệ với đại diện Phòng Quản lý vận tải của Sở GTVT TP. Cần Thơ thì đơn vị này vẫn khẳng định là có tuyến xe buýt từ TP. Cần Thơ về Hậu Giang.

Chúng tôi lại tiếp tục quay vòng xung quanh bến xe để “chờ” thử nhưng không thể tìm được một tuyến buýt nào để đi Hậu Giang. Thấy chúng tôi chạy vòng quanh, một số xe ôm ở đó cho biết họ chạy xe ôm ở đây và cam đoan không có tuyến xe buýt nào xuất phát trong bến xe này về Hậu Giang.

Theo báo cáo định kỳ tháng 11 của Sở GTVT TP. Cần Thơ, phía Ban Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng vẫn khẳng định: Tuyến xe buýt hoạt động trên địa phương có 4 tuyến, tổng số 42 xe, trong đó 23 xe hoạt động/ngày, dự phòng 5 xe (và tạm thời còn 14 xe đậu tại bãi xe ngưng hoạt động).Tổng doanh thu trong tháng 11 là 613.457.900 đồng, trong đó doanh thu của xe Ban Quản lý dự án là 371.044.500 đồng, doanh thu của xe liên doanh là 123.563.400 đồng, dịch vụ là 118.850.000 đồng. Như vậy, các cơ quan, ban, ngành địa phương vẫn luôn có một báo cáo tốt về hoạt động vận tải hành khách, nhưng trên thực tế người dân ở đây muốn đi lại thì gặp vô vàn khó khăn.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT tỉnh Hậu Giang chia sẻ, thực tế tuyến buýt này là từ Hậu Giang, doanh nghiệp nhận thấy nhu cầu đi lại của người dân cao nên đã xin mở tuyến. Sở GTVT cũng đã tạo mọi điều kiện để tuyến buýt được đưa vào hoạt động và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân hai địa phương.

Ban đầu, tuyến buýt này có lộ trình như đã công bố ban đầu. Nhưng sau đó vì lộ trình này có một số đoạn “chồng lấn” lên lộ trình có sẵn của các tuyến buýt tại địa phương, do đó lộ trình tuyến số 04 đã bị thay đổi. Tuy nhiên, sự thay đổi này gây nhiều bất cập cho người dân, vì là tuyến vận tải hành khách công cộng nhưng không đi vào trong trung tâm mà chỉ đón trả khách dọc QL1A. Đây cũng là một điểm bất cập của vận tải hành khách công cộng của hai địa phương.

Đừng để đi xe buýt chỉ là “bất đắc dĩ”

Người dân khó tìm được tuyến buýt để đi Hậu Giang như thông tin đã công bố

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, từ cuối tháng 5/2018 UBND TP. Cần Thơ đã ban hành quyết định về việc phê duyệt Đề án Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng sau năm 2020. Để thực hiện điều này, UBND TP. Cần Thơ sẽ tiến hành xây dựng mô hình Trung tâm Quản lý và Điều hành hoạt động vận tải hành khách công cộng thành phố. Đây là đơn vị trực thuộc Sở GTVT, là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên trên cơ sở tách chức năng quản lý, giám sát và điều hành với chức năng kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Trung tâm này có chức năng tham mưu cho Giám đốc Sở GTVT trong công tác quản lý hoạt động; quản lý kinh phí trợ giá; tổ chức và điều hành hoạt động theo quy định; quản lý, điều phối, hướng dẫn và kiểm tra giám sát hoạt động khai thác, chất lượng phục vụ; khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng và tạo nguồn thu cho đơn vị theo quy định; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn do Giám đốc Sở GTVT giao hoặc theo sự ủy quyền. Việc cổ phần hóa Ban Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng theo lộ trình và quyết định của UBND Thành phố.

Thực tế cho thấy, dù có các quy định chính sách, cơ chế để phát triển vận tải hành khách công cộng nhưng trên thực tế hình thức vận tải này đang đi thụt lùi tại địa phương. Khi chất lượng phục vụ ngày càng đi xuống, phương tiện cũ kỹ thì việc bất cập trong quy hoạch tuyến, mở tuyến… sẽ xảy ra, khiến cho người dân chán ngán khi xe buýt chỉ là phương tiện “bất đắc dĩ” mới lựa chọn để đi

Tác giả: MỸ LỆ

Nguồn tin: tapchigiaothong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP