Tin địa phương

Bảo vệ nguồn tài nguyên nước ở TP Cần Thơ

Nguồn nước sông Mekong tại khu vực ÐBSCL được các chuyên gia đánh giá có nhiều biến đổi bất thường. Nguyên nhân chính là do tác động đập thủy điện từ thượng nguồn sông Mekong, biến đổi khí hậu (BÐKH), bị ô nhiễm do quá trình xả thải từ hoạt động sản xuất, chế biến, sinh hoạt… Trước thực trạng trên, TP Cần Thơ đã nỗ lực tìm giải pháp quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, bảo vệ tài nguyên nước...

Nguồn tài nguyên nước ở TP Cần Thơ được khai thác, phát triển nuôi trồng thủy sản trong mùa nước nổi.

Công tác bảo vệ tài nguyên nước, tránh tình trạng khai thác quá mức và gây ô nhiễm môi trường được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Cần Thơ quan tâm thực hiện. Ðây là hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, ăn uống, sản xuất nông nghiệp và các mục đích sử dụng khác của người dân. Mọi hoạt động gây ô nhiễm môi trường nước, xả thải nguồn nước ô nhiễm, có hóa chất… vào môi trường nước đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Theo Sở TN&MT TP Cần Thơ, năm 2022, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn được đơn vị thực hiện nghiêm túc và đạt hiệu quả cao.

Năm 2022, Sở TN&MT đã trình UBND TP Cần Thơ cấp 88 giấy phép khai thác nước dưới đất, với tổng lưu lượng khai thác 169.956 m3/ngày, đêm; cấp 10 giấy phép khai thác nước mặt, với tổng lưu lượng 60.780 m3/ngày, đêm; ban hành 14 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước… Việc cấp phép khai thác tài nguyên nước thực hiện đúng quy định pháp luật và đúng theo chủ trương của UBND thành phố là nơi nào có hệ thống cấp nước máy đảm bảo chất lượng thì không cấp và gia hạn giấy phép khai thác tài nguyên nước. Việc cấp phép này phù hợp với tình hình của địa phương và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trong điều kiện BÐKH ngày càng phức tạp.

Sở TN&MT thành phố còn tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các quận, huyện tăng cường bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn phụ trách theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động khoan, đào giếng, nhất là đối với hoạt động khoan, đào, thí nghiệm trong thăm dò địa chất, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, xây dựng công trình ngầm; phát hiện và đề nghị đơn vị chuyên môn xử lý, khắc phục kịp thời các sự cố sụt, lún đất, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân; rà soát, đôn đốc các chủ giếng thực hiện xử lý, trám lấp các loại giếng khoan không sử dụng trên địa bàn…

Ðể bảo vệ và dự trữ nguồn tài nguyên nước trong sông, rạch, ao, mương, UBND TP Cần Thơ vừa ban hành Quyết định số 3771/QÐ-UBND phê duyệt, công bố danh mục hồ, kênh, rạch không được san lấp trên địa bàn. Theo Quyết định này có 64 hồ, kênh, rạch không được san lấp.

Trong đó, quận Bình Thủy có số kênh, rạch không được san lấp nhiều nhất với 41 kênh, rạch (rạch Khoán Châu, rạch Ông Dựa, rạch Ngã Nhánh, rạch Miễu Ông, Rạch Chanh - phường Long Tuyền, Rạch Bàng, rạch Bông Vang, Rạch Nhum, Rạch Chuối, Rạch Ranh, rạch Ngã Cái, rạch Cái Tắc, rạch Ngã Bát, rạch Mương Khai, rạch Hàng Bàng, rạch Bà Bộ - phường Long Tuyền, rạch Phó Thọ, Rạch Súc, rạch Ông Kinh, rạch Ông Ðội, Rạch Gừa, rạch Sáu Lình, Rạch Chùa, rạch Ông Bền, rạch Thới Ninh, rạch Bà Lý, rạch Mương Khai, rạch Lý Bình, rạch Xẻo Ðiều, rạch Xẻo Khế, rạch Xẻo Sao, rạch Ông Huyện, rạch Ông Tường - phường Thới An Ðông, Rạch Sao, Rạch Chanh - phường Bình Thủy, phường Long Hòa, rạch Ngã Tư, rạch Bà Chính, Rạch Phố, Rạch Cam, rạch Bà Bộ - phường Long Hòa, rạch Ông Tường - phường Long Hòa, phường Thới An Ðông; quận Ninh Kiều có 7 kênh, rạch (hồ Xáng Thổi, hồ Búng Xáng, Rạch Ngỗng, rạch Cái Khế, rạch Bà Bộ, rạch Ðầu Sấu, rạch Mương Củi); quận Cái Răng có rạch Ba Láng; quận Ô Môn có 4 kênh, rạch (Hồ khu vực 3, bãi bồi Thới Trinh, bãi bồi khu vực Cái Sơn, Thới Thạnh Ðông, Kênh Ranh); quận Thốt Nốt có 2 kênh, rạch (rạch Cá Hô, Rạch Cắt); huyện Phong Ðiền có 3 kênh, rạch (kênh Thủy Lợi, Rạch Sung 1, Rạch Sung 2); huyện Thới Lai có 4 kênh, rạch (Kênh Ranh, Rạch Ðình, rạch Chà Nhỏ, rạch Nhà Thờ); huyện Vĩnh Thạnh có kênh Bờ Bao và các hồ, kênh, rạch khác còn lại trên địa bàn TP Cần Thơ có chức năng điều hòa khí hậu, tiêu thoát nước, phòng chống ngập, úng, bảo vệ
nguồn nước...

Sở TN&MT TP Cần Thơ đã thông báo đến các sở, ban ngành thành phố và UBND các quận, huyện danh mục hồ, kênh, rạch không được san lấp trên địa bàn thành phố, đồng thời đề nghị triển khai thực hiện những nội dung như tuyên truyền các danh mục hồ, kênh, rạch không được san lấp trên địa bàn TP Cần Thơ trên cổng thông tin điện tử của đơn vị đang quản lý; tuyên truyền, phổ biến danh mục hồ, kênh, rạch không được san lấp đến các tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương, người dân đang sinh sống trên địa bàn biết, quản lý và thực hiện khai thông; tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng, lấn chiếm, san lấp, xây dựng trái phép, các hành vi gây ô nhiễm môi trường đối với hồ, kênh, rạch không được san lấp trên địa bàn thành phố, đồng thời xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) theo đúng quy định pháp luật; thường xuyên rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục hồ, kênh, rạch không được san lấp trên địa bàn mình quản lý, gửi về Sở TN&MT tổng hợp, báo cáo và trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt; hằng năm báo cáo công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng, lấn chiếm, san lấp, xây dựng trái phép, các hành vi gây ô nhiễm môi trường trên sông, rạch, ao, hồ…

Ông Ðỗ Thanh Thảo, Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ, nhấn mạnh: "Ngành TN&MT tăng cường quản lý tài nguyên nước, áp dụng chủ trương hạn chế khai thác nước dưới đất, hạn chế tối đa việc khai thác, sử dụng nước dưới đất, tăng cường khai thác nước mặt, nơi có nước máy đủ cung cấp (đáp ứng yêu cầu chất lượng, số lượng) thì không cấp phép khai thác nước dưới đất. Ðẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát chương trình quan trắc nước dưới đất, nước mặt do Trung tâm Quan trắc TN&MT thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước đối với các tổ chức, cá nhân đang hoạt động khai thác nhằm quản lý, kiểm soát hiệu quả nguồn nước, đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện các Ðề án "Xây dựng danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn TP Cần Thơ", Dự án "Lập danh mục các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, lập bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, phân định vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP Cần Thơ"; lập quy hoạch và điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn TP Cần Thơ…".

Tác giả: HÀ VĂN

Nguồn tin: Báo Cần thơ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP