Theo Tân Hoa Xã, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn trong một chuyến công du mới đây tới các căn cứ nằm ở khu vực ven biển của tỉnh Chiết Giang đã đưa ra lời kêu gọi “công nhận sự nghiêm trọng của tình hình an ninh quốc gia, đặc biệt là mối đe dọa từ ngoài biển" và quân đội, cảnh sát, nhân dân "chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ" trong một cuộc "chiến tranh nhân dân trên biển".
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn.
Tân Hoa Xã không đề cập chi tiết về ngày diễn ra chuyến thăm cũng như các chi tiết khác. Nhưng theo tờ Tầm nhìn của Nga, rõ ràng tuyên bố trên của ông Thường Vạn Toàn nhằm vào Biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc có tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản, và Biển Đông với các nước Đông Nam Á.
Tuyên bố xuất hiện chỉ vài tuần sau khi Tòa Trọng tài, The Hague, Hà Lan, ngày 12/7 ra phán quyết bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc tự vẽ ra nhằm đòi chủ quyền với Biển Đông. Trung Quốc bác bỏ phán quyết này cũng như phủ nhận tính pháp lý của PCA trong việc tiếp nhận vụ kiện.
Chính phủ Bắc Kinh tiếp tục các hoạt động coi thường luật pháp quốc tế, bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực và gia tăng căng thẳng ở Biển Đông qua các cuộc tập trận và tuần tra phi pháp trước và sau phán quyết.
Theo báo Nga, đối với Trung Quốc, Biển Đông là một tuyến đường hàng hải huyết mạch nối lục địa với Ấn Độ Dương, nơi lượng lớn hàng hóa, năng lượng và nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Đông và châu Phi đi qua.
Ngoài ra, ai kiểm soát được các eo biển trọng yếu, trong trường hợp chiến tranh xảy ra, người đó có thể kiểm soát cả thế giới. Để thực hiện điều này, Trung Quốc đã đẩy mạnh kế hoạch xây dựng "con đường tơ lụa mới" và xây dựng cảng ở Pakistan.
Báo Nga cho rằng Mỹ sẽ không thể ngăn chặn Trung Quốc trong tương lai gần do Trung Quốc hiện đã tăng cường sức mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự, khiến các nỗ lực kiềm chế quốc gia này bằng các biện pháp ngoại giao gặp nhiều khó khăn. Nhưng điều này không có nghĩa là Washington không thể làm chậm sự phát triển của Trung Quốc.
Tờ Svpressa của Nga cũng bày tỏ tin tưởng rằng những lời lẽ hiếu chiến của tướng Thường Vạn Toàn chắc chắn là nhắm tới tranh chấp Biển Đông và có liên quan tới phán quyết của PCA trong bối cảnh Bắc Kinh đã gia tăng các tuyên bố hiếu chiến mỗi ngày sau sự kiện ngày 12/7.
Svpressa dẫn lời Alexei Maslov, người đứng đầu Trường Phương Đông thuộc Đại học Kinh tế Nga, cảnh báo rằng Trung Quốc có lập trường khá cứng rắn trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, trong đó bao gồm quan điểm sẵn sàng sử dụng vũ lực quân sự nếu cần.
Ông cho rằng Trung Quốc đang “cố” duy trì lập trường cứng rắn trong vấn đề Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế do áp lực từ trong nước và nhằm che giấu tình hình xã hội trong nước đang xấu đi, tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Trung Quốc đã tiến hành một loạt các chương trình hiện đại hóa quân đội, xây dựng lực lượng vũ trang lớn mạnh và sẵn sàng chiến đấu.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tiến hành một loạt các chương trình hiện đại hóa quân đội, xây dựng lực lượng vũ trang lớn mạnh và sẵn sàng chiến đấu.
Trung Quốc cũng muốn cho thế giới thấy khả năng giải quyết xung đột kéo dài của mình, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình muốn thể hiện mình là một người cứng rắn để phù hợp với tình trạng kinh tế và quân sự của mình hiện nay.
Chuyên gia Maslov kết luận rằng, tuyên bố của Bộ trưởng Thượng Vạn Toàn chỉ là một lời đe dọa, trong đó Trung Quốc muốn thể hiện sức mạnh quân sự và khả năng răn đe của mình sau khi đã khẳng định được sức mạnh kinh tế.
Ông nhấn mạnh thêm rằng không bên nào thực sự muốn một cuộc chiến tranh xảy ra, đặc biệt là Trung Quốc. Các nước ASEAN có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc đều là những đối tác thương mại lớn của nước này và Bắc Kinh không chấp nhận để mất họ.
Hơn nữa, Trung Quốc sẽ lợi bất cập hại một khi chiến tranh bùng nổ ở Biển Đông. Trung Quốc sẽ biến mình thành một quốc gia hung hăng, coi thường luật pháp quốc tế và có thể sẽ phải đối mặt với một loạt các biện pháp trừng phạt quy mô quốc tế. Khi điều đó xảy ra, các lợi thế kinh tế, chính trị và quân sự mà Bắc Kinh muốn có được sẽ bị chuyển sang tay các đối thủ khác, đặc biệt là Mỹ.
Trung Quốc cũng biết rằng sẽ không thể tìm một giải pháp quân sự cho vấn đề Biển Đông vì nếu xảy ra chiến tranh, họ sẽ phải đối mặt với đội quân Mỹ, Nhật Bản và có thể là cả Ấn Độ, bên cạnh đó là các quốc gia khác như Malaysia, Việt Nam, Philippines, Brunei, Indonesia.
Nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông, Pavel Kamennov cho biết, tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc không có gì bất thường.
Kể từ khi thành lập đất nước, quân đội Trung Quốc đã duy trì hệ tư tưởng dựa vào quần chúng. Do đó, họ cần có những tuyên bố cứng rắn để “hợp lòng dân”, nhưng không đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ tấn công một quốc gia nào đó.
Việc Trung Quốc đã tính toán tới các kịch bản chiến tranh ở Biển Đông, theo ông Kamennov, đó là một xu thế bình thường của tiến trình xây dựng quân đội.
Hai chuyên gia Maslov và Kamennov cùng cho rằng, mặc dù các tuyên bố trên của ông Toàn không có khả năng dẫn tới một cuộc chiến tranh toàn diện ở Biển Đông, nhưng đã làm xấu đi nghiêm trọng tình hình khu vực.
Ngoài ra, các học giả người Nga cũng không loại trừ khả năng xảy ra xung đột quy mô nhỏ ở Biển Đông.
Tác giả bài viết: Hoàng Hải