Ra sức chiêu mộ nữ sinh
Chủ tịch của UMCPO, ông A. Balakrishnan nhấn mạnh, các băng nhóm do nữ quái lãnh đạo ở Malaysia thường lấy chính tên khu vực mình sinh sống hoặc những con số để nhận diện. Mỗi nhóm trung bình có từ 4 - 6 thành viên và một thủ lĩnh. Những đối tượng này thường được “thuê” để bảo vệ sự an toàn cho nữ sinh khi họ bước ra khỏi cổng trường.
Thực chất việc “thuê” ở đây là gia đình hoặc nữ sinh đó bị các “đàn chị” ép phải thuê nếu không những đối tượng này sẽ tìm mọi cách đe dọa, thậm chí từng bước biến những nữ sinh ngoan hiền trở thành thành viên của các băng đảng đường phố.
“Họ muốn được công nhận là “tai kah Cheh and AKKA” (đàn chị). Những nữ sinh sau khi được chiêu mộ cũng tham gia vào các vụ ẩu đả, bạo lực và hăm dọa các nữ sinh khác trả tiền phía bảo kê. Chúng tôi đang cố gắng giám sát các hoạt động của những băng nhóm nữ kiểu này” - Quyền Cục trưởng Cục Điều tra tội phạm Penang P. R. Gunarajan nói.
Ông Gunarajan cũng cho biết thêm, ngoài sự giám sát của cảnh sát, nhà chức trách đã và đang liên lạc trực tiếp với các trường học với nỗ lực ngăn chặn việc các tay anh chị chiêu mộ nữ sinh vào các băng nhóm.
Số liệu thống kê của cảnh sát liên bang cũng cho thấy, tội phạm bạo lực liên quan đến trẻ em gái và phụ nữ đang gia tăng. Tỷ lệ tội phạm nữ năm ngoái chiếm khoảng 10% trên toàn Malaysia, bao gồm: Tội tấn công bạo lực, cướp bóc và các hành vi phạm pháp liên quan đến ma túy.
Điều nguy hiểm, học sinh từ 12 - 17 tuổi tham gia bạo lực học đường, chiếm 47% số vụ bạo lực ở Malaysia. Không khó để tìm thấy trên mạng xã hội những đoạn video ghi nhận cảnh quay một số nữ sinh vẫn còn khoác đồng phục, nhưng tham gia vào các vụ ẩu đả gay gắt, hoặc “đánh hội đồng” bạn học, thậm chí, có cả những màn “phô diễn” của các thủ lĩnh nữ để “đòi công bằng” cho thành viên của mình.
Lo ngại hơn, hầu hết các đoạn video bạo lực như thế này đều cho thấy được quay ở trong hoặc khu vực ngay cạnh các trường học. Ủy ban Truyền thông đa phương tiện Malaysia cùng Cảnh sát Hoàng gia Malaysia được kêu gọi phải hợp tác chặt chẽ hơn để hạn chế việc phát tán kiểu hình ảnh “đen” này trên mạng, đồng thời tìm cách ngăn chặn tận gốc những hành vi sai trái này.
Hầu hết các nạn nhân bị bạo lực, bị lạm dụng trở thành... tội phạm
Hiện tượng băng nhóm nữ quái không chỉ mới xuất hiện ở Malaysia mà trước đó đã xuất hiện ở nhiều quốc gia. Riêng ở London (Anh) có đến 250 băng nhóm tội phạm đường phố, với số thành viên nữ tổng cộng lên đến hàng nghìn người. Người quản lý tổ chức từ thiện dành cho trẻ em Kids Company (nơi hỗ trợ 18.000 trẻ có hoàn cảnh khó khăn, dễ bị tổn thương tâm lý) ở London cho rằng, trẻ em ngày nay sống trong môi trường mà bạo lực được xem là… bình thường. Từ nhỏ, các em đã tận mắt chứng kiến những hình ảnh bạo lực, thậm chí thường xuyên bị “ăn đòn”, nên không biết từ lúc nào chúng nghĩ rằng, các hành động bạo lực là một trong những biện pháp để đối phó khi bị kẻ khác ức hiếp.
Trong khi đó, nhiều trẻ trong số ấy từng là nạn nhân bị cưỡng hiếp, bị đối xử thô bạo nên chọn cách gia nhập các băng nhóm để trả thù. Một số khác hoạt động trong băng nhóm là vì các em bị bạn trai lợi dụng, xem như công cụ thực hiện các hành vi đồi bại, cất giấu, vận chuyển vũ khí, ma túy bất hợp pháp.
Tại Mỹ, mô hình băng nhóm toàn nữ “sister gang” mới xuất hiện. Tên tuổi của các nhóm như Harlem Hiltons, Hood Barbies hay Bad Barbies nổi lên như hiện tượng của cuộc sống trên đường phố. Điều đáng lo là họ lập thành băng nhóm toàn nữ chứ không núp bóng nam giới. Họ cũng mang súng, dao trong người. Shai Jordan, 29 tuổi, cựu thành viên của một nhóm tội phạm nữ cho biết, năm 14 tuổi, cô bị lôi kéo vào băng nhóm tội phạm ở East Harlem.
Shai vào tù năm 19 tuổi, lãnh án 6 năm vì tội ngộ sát. “Khi tôi còn bé, thành viên băng nhóm thường không để tôi dính líu vào công việc của họ. Tôi được cho vài đô la để ra chỗ khác chơi trong khi họ làm điều mờ ám”. Nhưng mọi thứ thay đổi nhanh chóng vì cocaine. Bọn con trai lôi cô và các bạn nữ vào các cuộc hút chích, rượu chè. Shai đánh đấu tên tuổi của mình bằng cách thi nhau tàn nhẫn và bạo lực ít nhất cũng bằng không thì phải hơn các băng nhóm nam. “Hễ bọn con trai thực hiện phi vụ nào, chúng tôi sẽ ra tay tàn bạo hơn chúng. Băng nhóm nữ nguy hiểm hơn vì chúng tôi hay đặt cảm xúc của mình vào các phi vụ”, Shai nói.
Sự xuất hiện ngày càng nhiều các băng nhóm nữ được các nhà xã hội học cho rằng khá phức tạp và có nhiều nguyên do. Nhưng Elsie McCabe Thompson - đại diện của tổ chức từ thiện phi Chính phủ Mỹ Harlem Cure Violence, lại lạc quan cho rằng: “Hãy tưởng tượng chúng ta có thể biến đổi sức mạnh của băng nhóm nữ vào một việc gì đó tốt đẹp hơn, đó là điều thúc đẩy tôi đến văn phòng làm việc mỗi buổi sáng”.
Tác giả bài viết: Đinh Ngọc