Thế giới

Bắn hạ máy bay Nga và ngày đẫm máu ở Syria

Nga đặt giả thuyết phương Tây đã cung cấp cho phiến quân ở Syria hệ thống tên lửa phòng không di động

Nhóm khủng bố Jabhat Fatah al-Sham (trước đây thường được biết tới với cái tên Mặt trận al-Nusra) đã nhận trách nhiệm vụ bắn hạ máy bay chiến đấu Nga Su-25 ở tỉnh Idlib, một khu vực xuống thang căng thẳng ở Syria, hôm 3-2.

Phi công tử trận

Quân đội Nga xác nhận viên phi công có đủ thời gian thông báo anh đã nhảy dù ra khỏi máy bay rơi vào khu vực do Jabhat Fatah al-Sham nắm quyền kiểm soát và sau đó đã tử trận. "Phi công đã tử trận trong lúc chiến đấu với phiến quân" - kênh Al-Arabya trích dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, đồng thời cho biết "căn cứ các thông tin ban đầu, chiếc máy bay đã bị bắn rơi bằng hệ thống tên lửa phòng không di động (MPADS)".

Tổ chức Quan sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết để trả đũa, Nga đã thực hiện ít nhất 68 cuộc không kích vào tỉnh Idlib ngay sáng sớm 4-2 sau khi đã tiến hành khoảng 35 cuộc tấn công vào hôm trước. Theo kênh Al Jazeera, SOHR xác nhận ít nhất 5 thường dân thiệt mạng và hàng ngàn người đã di tản khỏi khu vực này để tránh bom đạn. Tổ chức đối lập Mũ sắt trắng thì thông báo 21 thường dân tử vong trong các ngôi làng xung quanh địa điểm chiếc Su-25 bị bắn hạ. Quân đội Nga khẳng định đã tiêu diệt hơn 30 phiến quân Jabhat Fatah al-Sham trong cuộc không kích bằng vũ khí có độ chính xác cao ở khu vực chiếc máy bay này bị bắn rơi.

Theo hãng tin RIA Novosti, Trung tâm Hòa giải các bên giao tranh ở Syria cùng các đại diện Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia chịu trách nhiệm khu vực Idlib, đang áp dụng mọi biện pháp để đưa thi thể viên phi công Nga trở về. Phân tích sự việc này, tiến sĩ khoa học quân sự Konstantin Sivkov cho rằng thiết bị radar của máy bay Su-25 không thể theo dõi vụ tấn công từ MPADS loại Stinger hoặc Igla. Theo ông, viên phi công cho rằng đây là khu vực an toàn nên không cảnh giác và bị bắn.

Các tay súng thuộc quân đội Syria tự do được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tham gia chiến dịch ở Afrin Ảnh: REUTERS

Vũ khí của ai?

Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma quốc gia Nga, ông Yury Shvytkin, nhấn mạnh vụ chiếc Su-25 bị bắn rơi "tạo ra sự cần thiết phải tiến hành cuộc điều tra" một cách vô điều kiện. Ông Shvytkin cho biết đến nay, chưa hề xảy ra trường hợp nào bọn khủng bố sử dụng MPADS. Ông cũng đặt giả thuyết phiến quân Syria đã nhận được loại vũ khí này từ phương Tây.

Tổng biên tập tạp chí "Phòng thủ quốc gia", ông Igor Korotchenko, một chuyên gia quân sự, cho rằng để có các biện pháp phản ứng tiếp theo, Nga cần phải xác định loại MPADS đã bắn rơi chiếc Su-25 xuất phát từ nước nào và bằng cách nào lọt vào tay bọn khủng bố. "Cần phân tích đó là vũ khí của ai. Trước đây, từng có thông báo Mỹ đã cung cấp hệ thống vũ khí nào đó cho lực lượng người Kurd. Cần phải yêu cầu Washington trao danh sách đầy đủ các loại trang thiết bị đã cung cấp cho các nhóm vũ trang nào. Điều chính yếu là họ có cung cấp MPADS hay không. Giả thiết thứ hai là có thể MPADS được tuồn vào Syria qua ngả Ukraine" - chuyên gia này nhận định.

Ông Korotchenko còn tuyên bố Nga phải cảnh báo các nước phương Tây rằng hành vi cung cấp loại vũ khí trên vào Syria, cho dù nó rơi vào tay ai, đều là điều tuyệt đối không thể chấp nhận được đối với Moscow.

Trong khi đó, chỉ vài giờ sau khi chiếc Su-25 của Nga bị bắn rơi, người phát ngôn Lầu Năm Góc Eric Pahon khẳng định với đài Sputnik rằng Mỹ không trang bị cho các lực lượng đối tác ở Syria các loại súng phòng không, cũng như không hề có ý định đó trong tương lai. Ông xác định Mỹ chỉ tập trung vào cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Đông Syria.

Cùng ngày máy bay chiến đấu Nga bị phiến quân bắn hạ, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đây là ngày chết chóc nhất trong 2 tuần tiến hành chiến dịch quân sự chống lại dân quân người Kurd ở Afrin - Syria khi có 8 binh sĩ nước này tử trận. Như thế, đã có tổng cộng 13 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng kể từ khi Ankara khởi động chiến dịch "Nhành ô liu" vào ngày 20-1, theo hãng tin AP.

Trong một diễn biến khác, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdağ ngày 4-2 đã lên tiếng khẳng định Ankara không muốn binh sĩ của mình đụng độ với binh sĩ Mỹ ở Manbij hoặc bất cứ nơi nào khác ở Syria. Theo nhật báo Daily Sabah, ông Bozdağ cũng yêu cầu binh sĩ Mỹ không đối mặt binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và tránh xa các khu vực Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện chiến dịch quân sự.

IS nhen nhóm hồi sinh

Theo giới chức phe đối lập Syria, IS đang tập hợp lại ở nước này bằng cách lợi dụng sự đấu đá của các phe phái đối địch để tìm cách gầy dựng lại tổ chức.

Trong một năm qua, IS đã để mất phần lớn lãnh thổ khắp Iraq và Syria khi bị nhiều liên minh quốc tế tấn công dồn dập. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi các thành trì quan trọng của IS bị tái chiếm tại Syria và thông tin tổ chức khủng bố này bị đánh bại được công bố, tình trạng căng thẳng leo thang. Những tham vọng lãnh thổ mới của các lực lượng quốc tế đã kéo sự chú ý ra khỏi các nhóm IS còn sót lại. "Việc xóa sổ IS vẫn cần rất nhiều thời gian. Có lẽ một số phe phái muốn để mặc những kẻ khủng bố còn sót lại nhằm mượn tay IS tấn công kẻ thù của họ" - một nhân vật thuộc phe đối lập Syria nhận định.

Từ lâu, các phe đối lập trong cuộc xung đột kéo dài 7 năm tại Syria đã nương tay với IS để thực hiện mục đích trên. Vào năm 2014, IS từng chiếm giữ gần như một nửa Syria và 1/3 nước láng giềng Iraq để thành lập cái gọi là "Vương quốc Hồi giáo". Tuy nhiên, đến năm 2016, gần như tất cả phe phái đã cùng nhau nỗ lực chống lại tổ chức khủng bố này.

Theo báo cáo trước đây của tờ Financial Times, khi "vương quốc" sụp đổ, IS đã dành nhiều tháng chuyển tiền ra khỏi các thành trì để tài trợ cho mạng lưới của các lực lượng khác nhau. Giờ đây, tổ chức này dường như đang hành động để kết nối các nhóm và đường dây cung cấp khắp Syria, theo nhận định của một số tay súng phe đối lập trong nước.

"Chúng không tìm cách kiểm soát các thành phố mà đang cố mở đường. Chúng cần phải kết nối các nhóm nhỏ và thành viên rải rác khắp Syria, từ biên giới phía Nam đến Albu Kama" - một tộc trưởng ở miền Đông Syria tiết lộ. Theo lời ông, các phần tử nổi loạn có thể đóng vai trò là cầu nối cho IS di chuyển lực lượng và tổ chức các cuộc tấn công. Điều đó có thể dẫn tới một cuộc đấu tranh ngày càng kéo dài để giành lại sự ổn định tại đất nước có hàng triệu người buộc phải tìm nơi tị nạn vì xung đột này.

Bảo Hạnh

Tác giả: LỤC SAN

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP